Lực lượng đổ bộ hải quân được tăng cường máy bay cảnh báo sớm sẽ là một cách thức mới để Mỹ đối phó với hệ thống phòng thủ của Trung Quốc.

Quân bài lực lượng đổ bộ

Trong thế kỷ này, khi nhắc tới cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và các lực lượng của Mỹ trên đại dương không thể bỏ qua chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Theo mô tả của phương Tây thì PLA (quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) đã xây dựng một thành trì kiên cố ở phía tây Thái Bình Dương. Trong đó có các kho tên lửa diệt hạm tầm xa khổng lồ, lực lượng tàu mặt nước và tàu ngầm đông đảo, các cụm phòng không dày đặc trên bờ cũng như trên biển…Sự xuất hiện của A2/AD buộc Mỹ phải thay đổi về phương pháp tiếp cận.

Như GS.Steve Tsang, giám đốc Trường nghiên cứu Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Nottingham, Mỹ đã nhận xét: "Một bên thay đổi trò chơi không đồng nghĩa với việc chấm dứt trò chơi. Điều này có nghĩa là khi PLA có thể chứng tỏ rằng các tên lửa đạn đạo chống tàu của họ là chính xác, hiệu quả và luôn sẵn sàng hoạt động, Mỹ sẽ chỉ phản ứng theo cách tối thiểu hóa những nguy cơ đối với tài sản của họ đồng thời sử dụng những chiến thuật cùng hệ thống vũ khí khác".

Chúng ta đã thấy sự phát triển rất nhiều khái niệm tác chiến mới như không-biển thay cho khái niệm không-bộ, xuất hiện các chiến lược phong tỏa tầm xa, hay tấn công chiều sâu với sự tham gia của các tàu sân bay chở F-22, F-35, khu trục hạm Arleigh Burke…

Vừa qua, Trung tâm An ninh Mỹ mới đã mở ra một hướng khác nhằm phá vỡ hệ thống A2/AD của Bắc Kinh. Đó là sử dụng lực lượng đổ bộ khống chế hoàn toàn chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai. Các tàu đổ bộ trong chiến lược này, mang theo khối lượng lớn trang bị, nhanh chóng triển khai trên đó các hệ thống phòng thủ cũng như tấn công dựa theo nhu cầu cần thiết về chiến thuật và tác chiến, qua đó thiết lập phong tỏa ngược vào Trung Quốc. Ý tưởng mới xuất phát từ một học thuyết chiến tranh Lạnh của Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ, sử dụng các tàu đổ bộ tấn công để chống lại Liên Xô.

Một số chuyên gia đã bày tỏ nghi ngại về khả năng sống sót của lực lượng đổ bộ Hải quân Hoa Kỳ trong trường hợp này. Ben Ho Wan Beng, chuyên gia phân tích cao cấp cho Chương trình Nghiên cứu Quân sự ở Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, trong một bài viết mới đây trên tạp chí The Diplomat, đã trình bày giải pháp cho ý tưởng này chính là hệ thống cảnh báo sớm (AEW) phát triển từ máy bay vận tải kỳ dị V-22 Osprey.

Biến thể EV-22 cho đến nay, mới chỉ tồn tại trên bản vẽ, nhưng Wang Beng tin tưởng rằng Lầu Năm Góc sẽ giúp nó xuất hiện trên các boong tàu. Hiện thực hóa thiết kế mới sẽ giúp giảm thiểu các chỉ trích đang nhắm vào khả năng AEW của lực lượng đổ bộ thuộc các Nhóm Tác chiến Tiền phương (ESG).

Hình dạng phỏng đoán của EV-22
Hình dạng phỏng đoán của EV-22

Hoạt động đổ bộ đặt trong môi trường tác chiến duyên hải ven biển, cần giải quyết được các vấn đề hết sức phức tạp. Như nhà phân tích hải quân gạo cội Geoffrey Till của Đại học Hoàng gia London viết: “Vùng duyên hải là nơi đông đúc, chật đầy các tàu vận tải của đồng minh và trung lập, các giàn khoan dầu, mốc hàng hải, nhiễu bờ biển, đảo, các bãi đá ngầm, vùng nước nông và cả sự phức tạp dưới mặt nước”.

Do đó, tác chiến vùng duyên hải luôn phải đối mặt với sự phức tạp và nhiễu loạn không chỉ ở trên biển mà còn từ đất liền và trên không. Đặc biệt là đối với những khu vực có sự hiện diện tập trung của nhiều tàu bè. Thí dụ, eo Malacca, nút giao thông đường thủy nhộn nhịp nhất hành tinh, có gần 78.000 tàu quá cảnh vào năm 2013. Đối phương có thể khai thác sự đông đúc và hỗn loạn này để tạo ra các đòn tấn công từ cả 3 chiều trên không, trên biển và dưới mặt nước trong khi vẫn ẩn dấu được tung tích của mình.

Trong điều kiện như vậy, yêu cầu về khả năng nhận dạng, nhận thức chính xác về chiến trường đặc biệt phải đề cao. Thực tế, các đài radar trên tàu trong lúc cấp bách này lại bị suy giảm năng lực đáng kể bởi các loại nhiễu. Cuộc chiến Falklands (tên quần đảo hiện đang là tranh chấp giữa Anh và Argentina) bộc lộ những vấn đề về khả năng nhận diện máy bay tầm thấp trong nền nhiễu địa hình của các hệ thống quan trắc trên biển.

Bên cạnh đó, đòi hỏi về khả năng phát hiện và xác định các đơn vị địch-ta lẫn trong đám đông cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Cảm biến trên tàu bị giới hạn rất nhiều bởi đường cong trái đất, điểm yếu này bị khai thác triệt để bằng máy bay và các tên lửa hành trình bay bám địa hình.

Cảm biến đặt trên cao sẽ giúp tiến một bước dài để giải quyết các vấn đề phổ biến trong tác chiến vùng duyên hải. Máy bay cảnh báo sớm có thể cung cấp định hướng về vị trí mối đe dọa cho lực lượng đồng minh/trung lập, tránh nhiễu địa hình, giúp người chỉ huy có sự nhận định rõ ràng hơn. “Con mắt trên bầu trời “ có thể quan sát xa hơn do khắc phục được yếu tố đường cong trái đất - một yếu tố kiểm soát trên biển.

Khuyết thiếu máy bay cảnh báo sớm trong lực lượng đổ bộ Hải quân

Các tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng của Mỹ (LHA/LHD), có chức năng như những tàu sân bay hạng nhẹ, thường xuyên phải nhận những chỉ trích vì yếu kém trong khả năng cảnh báo sớm và không vận. Chúng bị xem là rất dễ bị tổn thương từ mối đe dọa A2/AD. Thực vậy, lực lượng đổ bộ Hải quân thậm chí không có máy bay trực thăng cảnh báo sớm.

Hải quân Hoàng gia Anh đã từng được trang bị và sắp được trang bị lại khi lớp tàu Queen Elizabeth đi vào phục vụ. Thậm chí, không một máy bay trực thăng nào trên tàu của Hải quân hoặc Thủy quân Lục chiến Mỹ có khả năng hoặc được dự kiến có khả năng cảnh báo sớm.

Nhóm Tác chiến Tiền phương số 4 The Nassau của hải quân Hoa Kỳ đang di chuyển trên Đại Tây Dương
Nhóm Tác chiến Tiền phương số 4 The Nassau của hải quân Hoa Kỳ đang di chuyển trên Đại Tây Dương

Lỗ hổng về AEW có thể được khỏa lấp nếu Washington dành sự ủng hộ thỏa đáng cho chương trình EV-22, biến thể mới của Chim ưng biển, đang trong giai đoạn nghiên cứu phát triển. Tất nhiên, máy bay này có thể cất hạ cánh trên các LHA/LHD. Dựa trên hiệu suất của các biến thế Osprey khác, có thể suy đoán về các đặc tính đáng chờ đợi trên EV-22: 5 giờ làm việc liên tục và trần hoạt động lên tới 24700 feet.

So với trực thăng AW101 Merlin của Hải quân Hoàng gia chỉ là 15000ft. Trong khi AEW cánh cố định E-2 Hawkeye có khả năng hoạt động liên tục 6 tiếng, trần bay 34700ft. Ta thấy được sự vừa vặn của EV-22 trong vai trò bổ sung khoảng trống giữa các máy bay cánh quạt và cánh cố định đơn thuần. Bổ sung mới cũng đồng nghĩa cải thiện đáng kể tỉ lệ sống sót của các đơn vị này nhờ khả năng cung cấp nhận định rõ ràng về chiến trường.

Sẽ có thắc mắc rằng, tại sao Nhóm Tác chiến Tiền Phương (ESG) cần phải có khả năng AEW độc lập thay vì tận dụng khả năng dồi dào từ E-2 Hawkeyes của Nhóm Tàu sân bay Tác chiến (CSG) hay các máy bay giám sát chuyên dụng của các lực lượng không quân Mỹ và đồng minh như E-3 Sentry? Sự hỗ trợ của những máy AEW cánh cố định bên ngoài là điều không được đảm bảo.

Đặc biệt là trong trường hợp xảy ra một cuộc đối đầu khốc liệt với đối thủ ngang cơ. Hơn nữa, các máy bay cánh cố định luôn cần căn cứ mặt đất hoặc tàu sân bay để hoạt động, trong nhiều trường hợp với lý do chính trị và cách thức bố trí chiến lược khiến cho các máy bay này khó có thể xuất hiện ở khu vực mà lực lượng đổ bộ cần đến. Trong khi EV-22 là một máy bay cất hạ cánh thẳng đứng rất tiện lợi. Theo khái niệm Phân bổ sát thương mới thì các nhóm không có tàu sân bay như ESG được giao quyền hành động độc lập nhiều hơn, càng cần thiết phải có khả năng AEW độc lập.

AEW cho Nhóm Tác chiến Tiền phương chỉ là một trong những thiếu hụt mà Hải quân Hoa Kỳ đang phải đối mặt. Các lỗ hổng khác là khả năng săn ngầm cho tàu sân bay, tên lửa đối hạm tầm xa, thậm chí thiếu hụt số lượng tàu cần thiết để đáp ứng mục đích chiến lược của nước Mỹ. Không ngạc nhiên khi nhiều nhà bình luận quốc phòng đã đưa ra lời chỉ trích chính phủ về những vấn đề này.