Với VSV Investor Bootcamp 2017 được tổ chức mới đây, đề án Vietnam Silicon Valley (VSV) của Bộ Khoa học và Công nghệ muốn xóa bỏ tình trạng một chiều trong việc hỗ trợ startup, để mọi nhân tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đều thực sự phát huy vai trò của mình.

Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án VSV - cho biết như vậy khi trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển.

Trước nay, các khóa đào tạo hầu như chỉ dành cho startup. Xin bà cho biết từ đâu VSV có ý tưởng tổ chức chương trình huấn luyện đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp?

Ở bất kỳ nước nào, muốn phát triển khởi nghiệp thì phải có startup, quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần và các bệ đỡ như trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan đại diện của các nước... Các cấu phần đó của hệ sinh thái khởi nghiệp đều đã có ở Việt Nam, nhưng hầu như chưa thể hiện đúng chức năng của mình để đồng hành với startup. VSV mong muốn chương trình như một sự đánh thức những nhân tố sẵn có, nhưng chưa được sử dụng đúng tính năng bởi mọi người có thể chưa biết nó đang tồn tại bên trong mình.

Bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án VSV. Ảnh: Loan Lê

Thường các chương trình về khởi nghiệp ở Việt Nam hay nói đến hỗ trợ startup. Hỗ trợ tức là một chiều. Với chương trình này, chúng tôi muốn mọi thứ trở nên chuyên nghiệp, người hỗ trợ có thể nhận thành quả từ việc mình làm và startup phải mang lại lợi ích cho họ. Tất cả đều có lợi thì mới tạo ra hệ sinh thái bền vững. Nếu không, nó sẽ trở thành phong trào. Cũng phải nói thêm là trong kinh doanh, người ta rất ít khi dạy ai bí quyết, nếu có thì chi phí rất lớn; nhưng với VSV thì ngay từ đầu chúng tôi đã rất mong muốn Việt Nam có một thung lũng Silicon đúng nghĩa. Thế nên, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ hết các bí quyết.

VSV Investor Bootcamp năm nay có gì mới, thưa bà?

Năm ngoái, VSV đã tổ chức một khóa nhưng chỉ dành cho các startup mà VSV đang đầu tư và các nhà đầu tư đang đầu tư cho startup của VSV. Năm nay là khóa đầu tiên dành cho đối tượng bên ngoài. VSV muốn mở rộng với cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm để biến vườn ươm khởi nghiệp thành tổ chức tăng tốc khởi nghiệp.

Thêm nữa, các nhà đầu tư luôn muốn mở rộng đầu tư. Sau khóa học, họ có thể thông qua VSV để tự đầu tư. Tôi tin chắc nhiều người sẽ muốn cùng VSV đầu tư cho startup. Ngoài ra, năm nay chúng tôi mời thêm chuyên gia ở nhiều lĩnh vực hơn như đầu tư mạo hiểm, đầu tư thiên thần, công nghệ về thương mại hóa sản phẩm... Cách sắp xếp cũng hợp lý hơn, các kiến thức nền được dẫn dắt trước nên học viên dễ dàng hiểu, tiếp nhận những gì chuyên gia trình bày.

Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc tìm ra mô hình kinh doanh đối với startup?

VSV thường đào tạo các startup trong 4 tháng. Trong thời gian này, các startup có tiềm năng sẽ tiếp tục phát triển bởi họ tìm ra mô hình kinh doanh phù hợp với các quỹ đầu tư, được quỹ nào đó đầu tư. Một số startup không kêu gọi được vốn để tiếp tục nhưng có mô hình kinh doanh tốt nên vẫn có thể phát triển để thu hồi vốn.

Các học viên VSV Investor Bootcamp 2017 chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Loan Lê

Những startup sau khóa học nhận thấy mình chỉ có thể trở thành doanh nghiệp thông thường và điều đó không thỏa mãn họ thì họ sẽ dừng dự án để đỡ tốn kém, sau đó sẽ suy nghĩ kỹ để lập một mô hình kinh doanh mới có thể phát triển tốt hơn và nhận được sự đầu tư. Đây là điều quan trọng nhất. Tôi đánh giá cao những người dám quyết định dừng lại thay vì phát triển kiểu lay lắt để rồi không ai đầu tư cho họ cả. Đây là một thứ thuộc về văn hóa của thung lũng Silicon.

Theo bà, các nhân tố khác ngoài startup trong hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang thiếu điều gì cần nhanh chóng bổ sung?

Theo tôi, điều quan trọng nhất là ở Việt Nam khái niệm về startup chưa được nhiều người hiểu chính xác và đầy đủ. Trong các khóa học, không ít học viên chia sẻ rằng “Bây giờ chúng tôi mới biết hóa ra nhiều điều về khởi nghiệp chúng tôi đã hiểu sai và làm sai”.

Một số học viên ở các vườn ươm khu công nghệ cao sau khi học mới vỡ lẽ là trước nay mình toàn hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải startup. Điều đó cho thấy nhiều cấu phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hiểu rõ thế nào là startup. Thực ra đây không phải lỗi của họ vì họ chẳng có nhiệm vụ hiểu về khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu muốn kéo họ vào cuộc thì buộc phải có những người đóng vai trò “nhà truyền đạo”.

Xin cảm ơn bà!

VSV Investor Bootcamp 2017 với thông điệp “Be master with VSV - Trở nên chuyên nghiệp hơn cùng VSV” có mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng và mạng lưới giúp người tham gia có nền tảng tốt khi hỗ trợ, đầu tư vào startup hoặc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho tổ chức của mình.

Khóa học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm, với sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như Peter Relan từ Silicon Valley, Trần Việt Hùng - founder GotIt!, Warren Cammack - Giám đốc sáng tạo của Ngân hàng VIB.