Có cô gái trẻ nọ, được truyền cảm hứng từ câu nói của Steve Jobs: “Tôi nghĩ mọi người đều cần học lập trình máy tính, bởi nó dạy chúng ta học cách suy nghĩ. Tôi nhìn khoa học máy tính như một môn nghệ thuật của sự tự do”.

Cô gái đã “dành cả tuổi thanh xuân của mình” để thực hiện giấc mơ duy nhất: mở một trường dạy lập trình cho trẻ em. Đó là Hoàng Phương Nga, người sáng lập Học viện Kiddicode.

Vì sao bạn chọn tham gia ngành Giáo dục Lập trình cho trẻ con?

Lý do nghe thì hơi to tát: Tôi yêu thích ngành giáo dục. Thực ra ban đầu tôi hơi bức xúc về cách giáo dục tại VN (rập khuôn, cứng nhắc) nên muốn góp phần thay đổi nó. Từ đó, tôi thích và mong muốn tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Tôi lại là tín đồ của công nghệ, thích mọi thứ liên quan đến công nghệ, vậy nên tôi cảm thấy việc học lập trình rất thú vị, có thể tạo ra những sản phẩm “kỳ diệu” hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của con người ngày càng tốt hơn.

Vô tình biết đến xu hướng dạy lập trình cho trẻ em tại Mỹ (năm 2014), tôi rất thấy hứng thú với điều này. Bản thân tôi thấy rằng, những tư duy máy tính, cách giải quyết vấn đề theo tư duy máy tính mà mình có thể học được qua bộ môn lập trình có ích rất nhiều trong cuộc sống. Nếu có một Học viện dạy lập trình chuyên nghiệp cho trẻ em thì đó sẽ là một cơ hội tốt giúp các bạn nhỏ đam mê lập trình có được một nền tảng vững chắc để có thể dễ dàng học lên cao hoặc chỉ đơn giản là một trải nghiệm về nghề nghiệp…

Bức tranh dạy lập trình cho trẻ em trên thế giới và tại Việt Nam đang giống và khác nhau như thế nào?

Trên thế giới, xu hướng dạy lập trình đã có từ khoảng 5-6 năm trước, phát triển rất mạnh. Tất cả mọi người đều thấy tầm quan trọng của việc học lập trình, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng học về tư duy lập trình. Đến nay, các nước phát triển trên thế giới đã đưa nó vào chương trình học chính khoá.

Điển hình là Anh, học sinh được học lập trình từ lớp 1. Còn tại Việt Nam, câu chuyện trẻ em học lập trình mới chỉ bắt đầu từ năm 2015 với cuộc thi lập trình Scratch năm 2015 (do VNYPC, FSoft và Khối giáo dục FPT đồng tổ chức). Năm 2016, khá nhiều trung tâm về lập trình bắt đầu mở ra. Nhưng tôi chưa thấy có trung tâm nào chú trọng đi sâu về lập trình.

Tự nhận mình là “Học viện Công nghệ dành cho trẻ em” – tham vọng của các bạn lớn đến mức nào?

Tôi muốn Kiddicode sẽ là trung tâm dẫn đầu về bộ môn Lập trình, phát triển tư duy cho trẻ em. Học viện chú trọng vào duy nhất bộ môn lập trình và có 1 lộ trình học dài cho các bạn nhỏ từ 5 đến 18 tuổi.
Việc dạy lập trình cho trẻ em đã có từ 50 năm nay, vì sao đến giờ Kiddicode mới ra đời?

Không hẳn đâu. 50 năm trước là ý tưởng về ngôn ngữ lập trình cho trẻ em đã được ra đời. Tuy nhiên vào thời gian đó, ngôn ngữ này chưa được hoàn thiện và cũng chưa được đón nhận nhiều do cơ sở hạ tầng và trình độ CNTT của toàn thế giới còn thấp. Khoảng 5 năm trở lại đây, ngôn ngữ lập trình cho trẻ em bắt đầu phát triển mạnh trở lại. Ngay cá nhân tôi, cũng đã có khoảng 3 năm nghiên cứu và triển khai dạy lập trình cho trẻ em trước khi thành lập Kiddicode.
Liệu lập trình có thực sự là một món cần có trong “thực đơn” học của trẻ em hay không, bây giờ các bạn nhỏ đã phải học nhiều thứ lắm rồi…

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nơi mà tất cả mọi thứ đều được kết nối internet, được lập trình tự động. Vì vậy nếu không biết về công nghệ, không giỏi về công nghệ, bạn sẽ bị tụt lại phía sau. Sứ mệnh của Kiddicode sẽ là chuẩn bị hành trang về CNTT cho trẻ: dạy các bạn nhỏ cách tư duy của máy tính, tư duy giải quyết vấn đề sử dụng các thiết bị công nghệ.

Sau 1 năm triển khai, Kiddicode đã có hơn 300 học viên là các Kiddicoder. Các bạn hứng thú với bộ môn công nghệ, chỉ sau từ 2-3 khoá học thì các bạn đã dần hình thành được tư duy máy tính, biết cách phân tích vấn đề và giải quyết vấn đề một cách khoa học hơn. Rất nhiều sản phẩm phần mềm đã được ra đời. Các bạn cũng chứng minh được năng lực của bản thân thông qua Giải Nhì hội chợ CNTT Cyber Kid Camp với phần mềm Học luật giao thông và Giải Nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ 13 do Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức với dự án Số hoá SGK Lịch sử 4.

Chuyện khó khăn nhất khi triển khai dự án này bạn từng gặp là gì?

Ban đầu, việc dạy lập trình cho trẻ em chỉ như là một sở thích cá nhân, thích thì làm, không thích thì có thể nghỉ. Tuy nhiên khi bắt tay vào vận hành một Học viện chuyên nghiệp, tôi gặp rất nhiều khó khăn về kỹ năng quản lý. Vốn là người làm thuần về công nghệ, thích nghiên cứu các chương trình, thích đứng lớp dạy học sinh nên việc kiêm nhiệm thêm vị trí quản lý 1 trung tâm thực sự là thử thách đối với tôi. Từ việc phát triển chương trình giảng dạy, đào tạo liên tục cho đội ngũ giáo viên, marketing, tuyển sinh, địa điểm, phát triển thêm các cơ sở… tôi đều cần phải tự làm nên thường xuyên cảm thấy chìm trong công việc…

Đến thời điểm hiện tại, tôi vẫn chưa vượt qua được những khó khăn này nhưng mỗi khoảng thời gian trôi qua là những bài học kinh nghiệm quý giá. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng vừa học vừa làm vì không hề có đường lui.

Thời gian qua, tôi đã học được rất nhiều, thấy con người mình trưởng thành hơn và quan trọng là vượt qua được giới hạn của bản thân, làm những điều mà mình tưởng là không làm được.

Bạn đã chuẩn bị gì nếu con đường này không thành công?

Tôi không chuẩn bị gì cả. Tôi làm tất cả mọi việc và làm mọi thứ khiến chúng thành công. Suốt 3 năm theo đuổi công việc này, tôi thấy ngày càng được nhiều phụ huynh, học sinh ủng hộ và phong trào học lập trình ở VN chắc chắn ngày càng phát triển. Đó là xu thế chung của cả thế giới mà Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ.

Cám ơn Nga.

Hoàng Phương Nga tốt nghiệp ngành Kỹ sư cầu nối cho thị trường Nhật Bản, khoa CNTT trường ĐH FPT. Từ năm thứ hai đại học, Nga bắt đầu nghiên cứu về Dạy lập trình cho trẻ em với 1 thầy giáo trong trường, và theo đuổi công việc đó cho đến nay. Được chọn đi làm thực tập sinh tại Fujitsu Nhật Bản, Nga vẫn theo đuổi xu hướng dạy lập trình cho trẻ em ở Hà Nội, tự tay biên soan chương trình, kêu gọi/hướng dẫn những anh/chị đồng nghiệp khác cùng đứng lớp và liên tục mở các lớp dạy lập trình cho trẻ em.

Nga là một trong những thành viên sáng lập viên của tổ chức là Vietnam Young Programmer Club (VNYPC) và nhận danh hiệu Nữ sinh CNTT tiêu biểu do Trung ương đoàn TNCS HCM trao tặng với thành tích nổi bật là xây dựng phong trào học lập trình cho trẻ em. Cô cũng là đại sứ ITPEC (Information Technology Professionals Examination Council) tại Việt Nam.

Từ 2016, Nga tập trung phát triển phong trào học lập trình tại trường THCS Mạc Đỉnh Chi và trường Alfred Nobel (trước là Hanoi VIP School) cho đến đầu năm 2017 thì nghỉ hẳn mọi công việc, chính thức tập trung phát triển dự án Dạy lập trình cho trẻ em, thành lập Kiddicode.


4 kỹ năng quan trọng của thế kỷ 21 mà trọng mọi khóa học của Kiddicode đều chú trọng để phát triển cho trẻ:

• Problem solving: giải quyết vấn đề

• Critical Thinking: tư duy phản biện (phân tích đánh giá vấn đề dựa trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh khác nhau)

• Collaborative: Cộng tác, làm việc nhóm, pair programming

• Creative: Sáng tạo

• Communicating: Khả năng giao tiếp