Một nhóm chuyên gia tại Trung Quốc phát minh loại vật liệu có thể biến nước thành hơi nhờ ánh sáng mặt trời.

Jia Zhu, một nhà nghiên cứu của Đại học Nam Kinh tại Trung Quốc, cùng các cộng sự trộn một số vật liệu rồi dát thành miếng mỏng. Họ đục vô số lỗ có kích cỡ nano trên miếng hợp kim rồi đưa những hạt nano vàng vào từng lỗ.

Chúng phủ kín vách và đáy lỗ nên khi ánh sáng lao tới miếng hợp kim, nó sẽ khúc xạ liên tiếp trong lỗ và tác động tới các hạt điện tử (electron) trên bề mặt của hạt nano vàng, khiến các hạt điện tử dao động theo chu kỳ như sóng biển.

Hình minh họa vật liệu của Đại học Nam Kinh với các lỗ siêu nhỏ thẳng hàng và những hat nano vàng trong từng lỗ. Ảnh: Jia Zhu
Hình minh họa vật liệu của Đại học Nam Kinh với các lỗ siêu nhỏ thẳng hàng và những hat nano vàng trong từng lỗ. Ảnh: Jia Zhu

Hiện tượng hạt điện tử trên bề mặt vàng dao động tập thể khiến nhiệt độ xung quanh chúng tăng. Nếu nước xuất hiện trong lỗ, nhiệt sẽ khiến nó bốc hơi ngay lập tức. Sự hiện diện của vô số lỗ trên miếng kim loại siêu mỏng khiến nó trở nên xốp và có thể nổi trên mặt nước. Vì thế miếng kim loại có thể hấp thu phần lớn ánh sáng lao xuống mặt nước, trang Society for Science cho biết.

Ánh sáng mặt trời gồm 7 loại ánh sáng đơn sắc: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Loại ánh sáng đơn sắc mà vật liệu có thể "nhốt" phụ thuộc vào kích thước hạt nano vàng. Do đó, để có thể hấp thụ 99% bức xạ điện từ trong ánh sáng mặt trời, nhóm nghiên cứu đưa vào trong lỗ các hạt nano vàng với nhiều kích cỡ khác nhau.

Nhiều nhà khoa học cũng từng phát minh phương pháp biến nước thành hơi mà không cần dùng nhiệt để nước sôi. Nhưng vật liệu của Đại học Nam Kim hấp thụ phần lớn ánh sáng mặt trời nên có thể đạt hiệu quả cao.

“Vật liệu của chúng tôi hấp thụ 90% ánh sáng nhìn thấy”, Jia Zhu khẳng định.

Nicholas Fang là kỹ sư cơ khí của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ và không tham gia nghiên cứu của Đại học Nam Kinh. Ông nhận định khả năng hấp thu ánh sáng hiệu quả của vật liệu mới chưa thể sánh với một số vật liệu đã ra đời trước, chẳng hạn như ống nano carbon. Tuy nhiên, ưu điểm của vật liệu do nhóm Jia Zhu chế tạo là chi phí sản xuất thấp hơn.

“Nhờ lợi thế ấy, các nhà khoa học của Đại học Nam Kinh đã thực sự tạo ra một giải pháp đột phá”, ông bình luận.

Jia Zhu cho rằng quy trình tạo hơi nước hiệu quả sẽ là công nghệ hữu ích đối với việc biến nước biển thành nước ngọt. Những ứng dụng tiềm năng khác bao gồm khử trùng bề mặt và cấp năng lượng cho động cơ hơi nước.