Một ngày đầu tháng 4, tôi tình cờ gặp một cái tên đang gây ấn tượng mạnh với giới trẻ với ứng dụng mang tên Umbala-do một 8X khởi nghiệp khi mới 20 tuổi, mang theo một ước mơ to lớn về thay đổi thế giới, người sở hữu công ty CNTT triệu đô tại Thung lũng Silicon.

Con đường khởi nghiệp gian nan

Nguyễn Minh Thảo sinh năm 1982 tại Quảng Trị, là cựu sinh viện Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuổi trẻ Minh Thảo đã có nhiều trải nghiệm cho hành trình sáng tạo của mình (anh khởi nghiệp lần đầu năm 20 tuổi với một số bạn của mình).

Năm thứ ba đại học, khi nói chuyện với gia đình về khởi nghiệp, Thảo đã phải đấu tranh, thuyết phục rất nhiều vì hầu như mọi người trong thế hệ trước đều không hiểu về lập nghiệp. Đây là điều vô cùng khó khăn và hầu như tất cả các Fourder ở Việt Nam đều gặp phải chứ không chỉ riêng Minh Thảo. Thảo tươi cười nói: Khi mình đoạt giải Ba cuộc thi Nhân tài Đất Việt, bố mẹ đã thay đổi cách suy nghĩ và ủng hộ, mặc dù không biết mình có kiếm được tiền không mà chỉ biết con có thể làm điều gì đó.

Sau hơn 1 năm ra trường, năm 2006, Minh Thảo mới chính thức khởi đầu với dự án của chính mình, Thảo cùng ba người bạn thành lập công ty CNC Software (chuyên gia công phần mềm). Sau một thời gian ấp ủ và chuẩn bị, đúng ngày khai trường khi cả nhóm ngồi họp và dự định lên kế hoạch thì từng người lại xin rút lui (một bạn vì lý do gia đình, một bạn vì sắp tốt nghiệp đại học nên không có thời gian và một bạn thấy thế cũng ra đi theo. Chỉ trong buổi sáng, công ty có 4 người thì giờ chỉ còn một mình, mọi việc xảy ra khiến mình ngỡ ngàng. “Thực sự mình muốn khóc nhưng cố ngăn dòng nước mắt. Mình đã ngồi im lặng suy nghĩ tiếp tục hay dừng lại để làm cho một công ty lớn nào đó để tích lũy thêm kinh nghiệm rồi hãy lập nghiệp?”, Thảo kể.

Năm 2011-2012, CNC Software đã cán mốc một triệu USD. Đó là phần thưởng của sự kiên trì, nỗ lực của Nguyễn Minh Thảo trong xây dựng công ty phần mềm CNC Software cùng với nhiều sản phẩm, trong đó phải kể đến ứng dụng “Tìm sách” đã đạt được giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2010.

Nguyễn Minh Thảo. Nguồn: Báo Quảng Trị

Umbala – sản phẩm Việt mang thương hiệu toàn cầu

Một điều bất ngờ với mọi người là khi công ty đang phát triển thì đến năm 2014, Thảo lại quyết định đóng cửa công ty. Rất nhiều người ngạc nhiên với quyết đinh của Thảo, nhưng theo lý giải của anh thì “Từ lúc còn là sinh viên, mình đã đặt mục tiêu xây dựng một công ty có ảnh hưởng trên toàn thế giới, mặc dù CNC Software đã đạt được một số kết quả nhưng thực sự vẫn chưa làm được điều mình mong muốn, do vậy mình quyết định đóng cửa để tập trung thực hiện ước mơ thời tuổi trẻ”.

Sau khi dừng dự án CNC Software, Minh Thảo đã sang Mỹ bởi anh cho rằng, muốn làm gì đó có ảnh hưởng thế giới, cần đến những nơi được coi là “bệ phóng của các sáng tạo”, nơi các sáng tạo ra đời được coi là bình thường. Thảo cho biết: “Khi đến Silicon Valley, ban đầu mình nghĩ sẽ không ai nói chuyện với mình nhưng không phải. Ở đó, tất cả mọi người đều cởi mở nói chuyện. Họ sẵn sàng đối thoại vì họ không biết rằng những người đối diện họ có phải là một tỷ phú trong tương lai. Họ tìm sự khác biệt. Mình phát hiện tất cả mọi người tài năng trên thế giới đều tập trung về đây”.

Tháng 9/2016, Umbala - ứng dụng điện thoại giúp người dùng quay và biên tập các video ngắn vui nhộn chính thức ra mắt với những tính năng đột phá so với những ứng dụng đã có trên thị trường, nhưng thành công chưa đến bởi thật bất ngờ, người Mỹ không đón nhận và sử dụng. Không nản chí, Minh Thảo đã nghĩ đến việc đi đường vòng, có nghĩa sẽ tiếp cận các thị trường khác trước. Anh quyết định chọn thị trường Nam Mỹ là những nơi gần nước Mỹ để thử nghiệm, và Brazil là thị trường được lựa chọn nhưng không thành công. Sau đó, Thảo đã mang sản phẩm đến thị trường châu Âu (Anh và Đức), và lần này may mắn đã mỉm cười với chàng trai.

Khi sản phẩm Umbala được nhiều người đón nhận, lượt sử dụng tăng đột biến và từ chính những nội dung mà người dùng tạo ra ở hai thị trường này, Minh Thảo đã liên kết với các ông lớn như Instagram, Snapchat,... để chia sẻ và nhanh chóng tiếp cận tạo thành trào lưu trong giới trẻ ở Mỹ và Canada. Quá trình phát triển thị trường, Thảo nhận ra rằng, cần tựa vai những người khổng lồ sẽ giúp mình đi nhanh hơn, còn nếu không sẽ rất lâu và tốn kém. Với định hướng là cung cấp một nền tảng để những tài năng âm nhạc trẻ có cơ hội thể hiện mình bằng việc quay các video và tham gia đấu trường âm nhạc ảo trên điện thoại di động, Umbala đã nhanh chóng tạo được ấn tượng và gây sốt cho các bạn tuổi teen tại thị trường Mỹ, Canada, Brazil hay Đức bởi các công cụ cắt ghép tạo kỹ xảo trên video theo nhịp điệu.

Vậy cái tên “Umbala” xuất phát từ đâu? và bạn khởi nghiệp vì điều gì: Tiền tài, danh vọng hay gia đình? Thảo cho biết: Umbala theo cách của trẻ con xưa hay nói là hướng đến phép thuật đặc biệt để có thể làm điều gì đó, và đây cũng là mơ ước của mình, làm một điều gì đó có ảnh hưởng đến xã hội. Ban đầu, mình khởi nghiệp vì đam mê và muốn làm điều gì đó cho xã hội, nhưng khi chia sẻ ý tưởng với những người đi trước và được khuyên, làm gì thì làm cũng phải kiếm được tiền để trang trải. Từ đó mình đã tư duy theo hướng sản phẩm phải là sự kết hợp giữa đam mê và sinh lợi, nghĩa là tạo ra việc làm cho mọi người.

Những thành công và bài toán tương lai

Sau những thành công bước đầu, đã có nhiều Quỹ đầu tư sẵn sàng rót vốn vào dự án như: 500 Startup, SOSV đã đầu tư hàng triệu USD, Amazon đầu tư 100.000 USD để hỗ trợ sản phẩm, Digital Ocean đầu tư 250.000 USD để hỗ trợ hạ tầng. Ngày 12/01/2007, Công ty Apple đã bình chọn Umbala là một trong những ứng dụng mới, hay, phù hợp với cộng đồng.

Với công ty có lượng người dùng lớn nhưng thật bất ngờ, hiện Umbala chỉ có 5 người (khi khởi đầu là 3). Đặt câu hỏi này cho Thảo, liệu công ty có quá kén người hay không? Thảo nói: “Quan điểm của mình tuyển dụng người về làm với mình chứ không phải làm thuê. Mình cũng đã mời khá nhiều người về làm nhưng dường như không phù hợp. Với mình, số lượng người làm nhiều hay ít không quan trọng mà cuối cùng là hiệu quả. Đội chúng mình thường xuyên ngồi nói chuyện, phân tích về các sản phẩm tương tự để tìm ra các ưu điểm nhằm hoàn thiện sản phẩm của mình tốt hơn, phù hợp với thị hiếu giớ trẻ hơn”.

Đào tạo để đi đường dài, đó là cách Minh Thảo đã làm để xây dựng cho mình một đội ngũ cộng sự chung chí hướng và làm việc ăn ý trong suốt những năm thăng trầm. Tuy nhiên, với sự phát triển của sản phẩm ở các thị trường lớn, việc duy trì và phát triển nhân sự vẫn là bài toán thách thức với Minh Thảo.