Viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa.

"Viễn cảnh các nhà máy thông minh, trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa. Đây chính là lúc công việc của chúng ta trong tương lai sẽ thay đổi. Đó chính là điểm khác biệt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0) so với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó”.

Nhận định này của Phó Giáo sư - tiến sỹ Tạ Cao Minh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội - tại hội thảo mới đây về “Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh” góp phần đưa ra một hình dung về nền sản xuất của một tương lai rất gần.


Thực ra, theo các chuyên gia về Industry 4.0 trên thế giới, ở thời điểm này, nhà máy thông minh vẫn chưa “trưởng thành”. Hiệp hội Điện, Điện tử và Công nghệ thông tin Đức dự đoán rằng ít nhất phải tới năm 2025 mới có nhà máy thông minh thực sự.

Mặc dù vậy, sản xuất thông minh - với việc ứng dụng công nghệ, quy trình thông minh trong sản xuất và quản trị - đang là xu hướng phát triển mỗi ngày một rầm rộ trên thế giới - kể cả Việt Nam. Chú robot tự hành đi tìm ắcquy đã được nạp đầy điện để tự thay cho mình khi sắp hết năng lượng đã là hình ảnh thường thấy tại một nhà máy sữa của Việt Nam chứ không còn là kết quả của kỹ xảo điện ảnh hay chuyện “nhìn ra thế giới”. Chuyện người làm nông ngồi phòng lạnh, giám sát và điều khiển quá trình canh tác bằng điện thoại di động cũng đã trở thành hiện thực.

Không chỉ doanh nghiệp lớn đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất thông minh để tạo ra bước ngoặt về hiệu quả hoạt động, nhiều doanh nghiệp có quy mô, năng lực tài chính vừa phải cũng không đứng ngoài xu thế này.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu suất, tiết kiệm tối đa chi phí nhân lực, sản xuất thông minh cũng khiến người lao động phổ thông đứng trước nguy cơ mất việc khi robot được sử dụng ngày càng nhiều. Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã nhấn mạnh nguy cơ dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp, phá vỡ thị trường lao động truyền thống; đồng thời đặt ra giải pháp “thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới”.

Bên lề cuộc hội thảo mới đây về Industry 4.0 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh, cuộc cách mạng này tác động lớn đến lực lượng lao động phổ thông, làm thay đổi về phân bố nguồn nhân lực sản xuất và cơ hội việc làm của người lao động.

Nỗi sợ hãi bị máy móc “cướp” việc làm không chỉ xảy ra trong thời đại Industry 4.0 mà từng ám ảnh con người từ thời Industry 1.0, khiến công nhân đập phá tàu chạy bằng hơi nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau đó máy móc vẫn ngày càng được sử dụng nhiều và con người vẫn tìm ra việc làm mới. “Kết thúc có hậu” này cũng sẽ xảy ra với con người sống trong kỷ nguyên của Industry 4.0, với nỗ lực thích nghi bằng cách trang bị kiến thức và kỹ năng phù hợp.