Để áp dụng cơ giới hóa cho phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên, theo tôi có thể làm được theo hai cách.

Có thể gieo sạ theo hiệu ứng hàng biên.

Thứ nhất là áp dụng hình thức gieo sạ hàng bằng cách dịch ống lồng. Cụ thể, người dân có thể đục các lỗ với khoảng cách giữa các lỗ là 1-2cm, sau đó bịt những lỗ cần thiết lại để dịch chuyển khoảng cách gieo.

Gieo sạ là hình thức canh tác được áp dụng ở khu vực phía nam - vựa lúa của cả nước. Ở miền Bắc, phương pháp này không phổ biến. Mặt khác, cần lưu ý nếu gieo sạ thì việc quản lý đồng ruộng sẽ khó khăn hơn vì nguy cơ chuột ăn thóc giống, cỏ dại có nhiều thời gian trống để phát triển mạnh hơn. Đó là chưa kể người dân vẫn có thói quen sạ vãi, tỷ lệ áp dụng sạ ống còn thấp.

Tuy nhiên, trong thời gian tới nếu địa phương nào chấp nhận gieo sạ, chúng tôi sẵn sàng thử nghiệm. Cách làm hoàn toàn đơn giản, chỉ cần một hộp đựng thóc giống, có cửa mở để đổ thóc giống vào, có dây ở hai đầu để kéo, khoảng cách giữa 2 ống hoàn toàn có thể điều chỉnh qua trục kéo ở giữa.

Cách thứ hai là cải tiến máy cấy tay. Tôi đã liên hệ với một số tác giả để làm máy cấy theo hiệu ứng hàng biên; nhưng họ nói nếu sản xuất thử nghiệm đơn chiếc thì chi phí rất cao nên chúng tôi vẫn chưa “gặp nhau” về mục đích, nhu cầu.

Trong khi đó, máy cấy tay rất dễ điều chỉnh vì không phụ thuộc vào những thiết bị cơ khí kiên cố giống như máy cấy Nhật Bản. Ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng có một nhà sáng chế cho biết sẽ cải tiến máy cấy tay hiện nay để có thể điều chỉnh linh hoạt khoảng cách cấy theo công nghệ cấy hàng biên.