Không phải là người đầu tiên nuôi cây cấy mô cây ba kích nhưng TS Nguyễn Thị Thúy Hườngđã thành công khi đã tối ưu được bộ rễ, giúp giống cây quý hiếm này có thể trồng trên diện tích rộng, góp phần biến những vùng rừng núi Quảng Ninh thành những vùng dược liệu tiền tỷ.

“Chưa đơn vị nào làm được như vậy”

Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “nuôi cấy mô ba kích ở Quảng Ninh”, cây dược liệu chủ lực của huyện Ba Chẽ, trong chưa đầy một phút, người đọc sẽ dễ dàng tìm thấy kết quả với hình ảnh “ông vua dược liệu quý” Lê Công Tiềm, Chủ nhiệm HTX Toàn Dân ở Ba Chẽ tự bỏ tiền tỷ “thuần phục” ba kích rừng và xây dựng thương hiệu ba kích tím Ba Chẽ...

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cây dược liệu quý này, một thời đã bị khai thác tận diệt tới mức phải đưa vào Danh mục bảo vệ (Nghị định số 48/2002/NĐ-CP) mặc dù trước đó mọc hoang rất nhiều ở Ba Chẽ. Do đó, UBND huyện Ba Chẽ chủ trương phát triển vùng sản xuất nguồn dược quý này nhằm bảo tồn nguồn dược liệu và tạo thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, các phương pháp giâm hom và nuôi cấy mô trước đây đã không đem lại hiệu quả cao, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng diện tích (theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích vùng sản xuất ba kích tím tập trung của Ba Chẽ là 1.500 ha).

Ông Lê Công Tiềm cũng cho biết, trước khi hợp tác với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ông đã tìm đến nhiều trung tâm nuôi cấy mô giống cây ba kích lấy giống và trồng thử nghiệm nhưng đều không thành công vì cây mô mang ra trồng thường bị cong, khi cấy vào bầu không phát triển được.

Ông Lê Công Tiềm (thứ hai từ trái qua) thu hoạch cây ba kích 3 năm tuổi. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Năm 2012, Viện Công nghệ sinh học đã trúng thầu dự án cung cấp giống cây ba kích tím bằng phương pháp nuôi cấy mô cho HTX Toàn Dân với mục tiêu tạo ra giống cây có năng suất, nhiều rễ, chất lượng tốt và có khả năng trồng trên diện rộng.

Để thực hiện mục tiêu đó TS. Hường đã chọn lọc giống cây, tiến hành phân tích, định danh về hình thái, sinh học phân tử… Khi đã khẳng định đó là cây ba kích chuẩn, chị tiến hành nhân in vitro trong phòng thí nghiệm và trồng thử nghiệm tại Trại Thực nghiệm sinh học. Sau 8 tháng nghiên cứu và thử nghiệm chị đã thành công trong việc tối ưu bộ rễ và xây dựng được quy trình nhân giống, trồng và chăm sóc cây ba kích nuôi cấy mô.

“Tôi không phải là người đầu tiên nuôi cấy mô cây ba kích nhưng tôi tự hào là tôi đã tối ưu được bộ rễ, làm cho bộ rễ của nó gấp rất nhiều lần so với cây giâm hom thông thường và gấp tương đối nhiều lần so với sản phẩm nuôi cấy mô của các đơn vị khác” - chị Hường nói.

“Khi chúng tôi đem cấy cây mô của Viện Công nghệ sinh học thì cây thẳng, cứng, bộ rễ khỏe. Chưa đơn vị nào làm được như thế”, ông Lê Công Tiềm phản ánh.

Ba cùng với dân

Nhưng việc nhân giống thành công chưa phải là kết thúc nhiệm vụ. Chị Hường phải ba cùng với người dân ở Ba Chẽ để hướng dẫn kỹ thuật trồng trong nhiều tháng bởi vì người dân nơi đây vốn quen với cách thức trồng cây lâm nghiệp như cây keo, còn cây ba kích có kích thước rất nhỏ, khi đưa từ điều kiện vô trùng ra ngoài môi trường tự nhiên trồng phải rất cẩn thận và cần được hướng dẫn trực tiếp.

“Sau khi xong công việc cơ quan, cứ 10 rưỡi tối thứ sáu, tôi bắt xe từ Hà Nội về đến ngã ba Hải Lạng (huyện Tiên Yên) là 2 giờ rưỡi- 3h đêm. Từ ngã ba Hải Lạng, tôi bắt xe ôm vào đến thị trấn Ba Chẽ. Vào đến nơi khoảng 4 giờ sáng, thì 5 giờ tôi đi vào rừng làm cùng với người dân. Tối chủ nhật, tôi lại từ ngã ba Hải Lạng trở về Hà Nội”, chị Hường kể.

Nhịp độ “trong tuần làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, cuối tuần lại làm cô công nhân” của chị ròng rã như vậy đến khi người dân quen việc. Công việc này dường như cũng “có duyên” với chị. Trước khi làm nghiên cứu sinh và được giữ lại công tác ở Viện Công nghệ sinh học, chị vốn là chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.

Tính chất công việc trước đây thường xuyên tiếp xúc với người dân vùng sâu vùng xa - luôn yêu cầu sự nhiệt tình để tạo niềm tin và kỹ năng sư phạm – lại rất phù hợp với nhiệm vụ nhân giống cây ba kích này. “Phải là người nhiệt tình, chịu khó và rất kiên trì mới làm được việc đó”, PGS.TS Chu Hoàng Hà, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học nói. Còn với chủ nhiệm HTX Toàn Dân thì TS Hường là người luôn “tậm tân tận lực”.

Cũng nhờ “nghiệp vụ sư phạm” đó mà chị đã đào tạo, hướng dẫn được nhiều “cán bộ nòng cốt” trong truyền đạt kỹ thuật trồng trọt cây ba kích. Chị ví dụ, từ 300 công nhân chị chọn 30 người để đào tạo, sau đó chọn tiếp 10 người tốt nhất để những người này tiếp tục đào tạo, hướng dẫn những người tiếp theo.

Sau ba năm phát triển, lứa ba kích đầu tiên được thu hoạch vào cuối năm 2015, mặc dù cây chưa cho nhiều củ như những lứa sau này nhưng đã được đánh giá là thành công và được UBND tỉnh, các sở ban ngành cũng như doanh nghiệp ở Quảng Ninh đón nhận và đánh giá, với kết quả đó, cây ba kích tím sẽ góp phần thay đổi được cơ cấu cây trồng cho người dân, đem lại lợi ích kinh tế cao gấp rất nhiều lần so với keo - loại cây đang được trồng phổ biến ở Ba Chẽ.

Ông Nguyễn Công Tiềm cho biết, nhờ tối ưu được bộ rễ, với những quy trình chăm sóc tốt, sau 3 năm, mỗi gốc cây ba kích cho thu hoạch trung bình từ 1,5 -2 kg củ tươi. Mỗi hecta sẽ cho khoảng 40-50 tấn củ tươi. “Với giá từ 200.000 đồng/kg để đạt được thu nhập hàng tỷ đồng trên mỗi hecta ba kích với người dân là rất đơn giản”, ông Tiềm nói.

Đến nay HTX Toàn Dân đã trồng được gần 200 ha ba kích và hoàn toàn có thể chủ động trong việc huấn luyện cây nuôi cấy mô để cung cấp nguồn giống ba kích cho người dân. Năm 2015, sản phẩm ba kích tím của HTX Toàn Dân đã được nhận cúp “Hàng Việt chất lượng vàng năm 2015”.

Sau khi thành công ở Ba Chẽ, Viện Công nghệ sinh học đã kết hợp với các tỉnh như Hòa Bình, Quảng Nam sắp tới đây là Lào Cai để nghiên cứu trồng cây ba kích với số lượng lớn với mục đích tạo nguồn nguyên liệu cho việc chủ động sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống.