Nhiều công ty đang tốn rất nhiều tiền thuê nhân viên chỉ để làm công việc nhập liệu đơn giản. Một phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Flaxscanner của Công ty Cinnamon AI Labs có thể giải quyết vấn đề này, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đa số chi phí nhân công.

Giải phóng sức lao động

Flaxscanner là phần mềm nhập liệu có khả năng quét qua văn bản (dạng file mềm hoặc chữ in, chữ viết tay) và tự động trích dữ liệu cần thiết để đưa vào một văn bản file mềm, giúp người dùng dễ dàng lưu vào cơ sở dữ liệu của công ty. Flaxscanner từng tham dự nhiều cuộc thi (như hội nghị thượng đỉnh dành cho startup châu Á Echelon Asia 100) và được đánh giá cao. Nó cũng đang được khá nhiều công ty Nhật sử dụng và cho phản hồi tốt.

Ông Nghiêm Xuân Bách - Giám đốc phát triển chiến lược Công ty Cinnamon AI Labs - kể về sự ra đời của Flaxscanner: “Đối tác của chúng tôi - một công ty tuyển dụng Nhật - đặt hàng một sản phẩm giúp giải phóng nhân lực làm công việc nhập liệu nhàm chán. Hằng ngày, công ty này nhận rất nhiều lý lịch (CV) ứng viên và nhân viên phải mở từng file dạng PDF hoặc .doc để chuyển về dạng .doc rồi chỉnh sửa cho đẹp, chuyên nghiệp. Sau khi loại bỏ thông tin không cần thiết, hồ sơ được gửi ngược về bộ phận tuyển dụng. Công việc này tốn khá nhiều nhân lực. Họ muốn chúng tôi tìm giải pháp cắt bỏ công việc thừa thãi đó”.

Nhóm phát triển Flaxscanner. Ảnh: Lê Long

Thời điểm này, thị trường đã có khá nhiều phần mềm chuyển file từ dạng ảnh, PDF sang dạng văn bản, sử dụng công nghệ OCR - nhận dạng ký tự quang học. Tuy nhiên, chúng chưa biết cắt bỏ những thông tin thừa trong văn bản, hình ảnh nên chưa tiết kiệm nhân lực, và đây chính là điểm nổi trội của Flaxscanner.

“Là người xét tuyển hồ sơ nhân sự, bạn cần tìm lại hồ sơ một ứng viên có điều kiện phù hợp với yêu cầu công việc trong 100 hồ sơ nhận được hôm đó. Sẽ thật mất công khi ngồi lục lại từng đó hồ sơ để tìm ra người bạn cần; nhưng với Flaxscanner, tất cả những gì bạn cần làm là gõ từ khóa tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu đã được phần mềm trích xuất và gửi vào” - ông Bách tiết lộ.

Ông Hajime Hotta - chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Nhật, đồng sáng lập Cinnamon - cho biết thêm: “Đây là dịch vụ đặc biệt cần cho những công ty lớn. Tôi biết một công ty bảo hiểm đã phải thuê 100 nhân viên để chỉ nhập dữ liệu bản viết tay. Công nghệ của Flaxscanner giúp công ty giảm 80% số người cần nhập liệu với độ chính xác lên tới 95%”.


Dạy AI cách nhận biết mẫu văn bản

Cũng sử dụng công nghệ OCR (nhận diện ký tự quang học) để chuyển đổi hình ảnh, PDF, chữ viết tay sang dạng văn bản tài liệu mềm, các kỹ sư của Cinnamon còn ứng dụng công nghệ học sâu (deep learning) và cây quyết định (tree decision - cây phân cấp có cấu trúc để phân lớp các đối tượng dựa vào dãy các luật) để phân tích ngữ nghĩa trong câu, từ đó trích xuất những thông tin quan trọng, cần thiết từ văn bản, chuyển sang dạng chuẩn, lưu lại trong cơ sở dữ liệu, tất cả chỉ trong vòng 2-3 giây.

“Chúng tôi sử dụng khoảng 4.000 mẫu CV để dạy cho máy nhận biết những quy luật trong CV, từ đó biết chỗ nào cần trích xuất thông tin (tên người, vị trí ứng tuyển, kinh nghiệm làm việc...). Ví dụ chữ in đậm thường là tên công ty, tên ứng viên, vị trí làm việc, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc (experience). Từ “experience” xuất hiện nhiều trong đoạn nói về kinh nghiệm, do đó chúng tôi dựa vào một số đặc điểm phụ trợ như từ in đậm, đầu dòng, trước nó có dấu chấm tròn (full point)... để xác định đoạn này nói về kinh nghiệm và máy tự trích xuất thông tin, không bỏ sót” - ông Bách giải thích thêm.

Với những dạng văn bản khác ngoài CV, chẳng hạn như văn bản luật, máy tính cũng được “dạy” cách tìm ra quy luật để nhận biết đoạn thông tin cần trích xuất dựa vào câu chữ, ký hiệu đặc trưng cho từng kiểu văn bản. “Phản hồi sau khi dùng sản phẩm, khách hàng đều tỏ mức độ hài lòng rất cao. Hiện phần mềm của chúng tôi có thể sử dụng cho các công ty chuyên tuyển dụng (để lấy dữ liệu từ CV) hay tài chính (lấy dữ liệu viết tay) và có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như hậu cần...” - ông Hotta cho biết.

Chia sẻ định hướng phát triển của ứng dụng, ông Bách cho biết: “Sản phẩm sẽ được cá nhân hóa theo yêu cầu cho từng doanh nghiệp. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ kết hợp với phần mềm nhập liệu data entry để giảm chi phí nhân công rồi tìm cách bán ra thị trường quốc tế”. Hiện phần mềm có phiên bản tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Việt. Ngoài thị trường Nhật đã tìm được người dùng, công ty đang tìm kiếm đối tác từ Singapore, Malaysia, Việt Nam và đang phát triển phiên bản tiếng Trung để thâm nhập thị trường này.

Sau hơn 4 tháng ra mắt, phần mềm này đã đem lại doanh thu ổn định cho công ty từ 40.000-50.000 USD/tháng.