Kiến trúc sư (KTS) Phạm Hương Giang - công tác tại Bộ Xây dựng - gửi đến báo Khoa học và Phát triển ý tưởng lắp đặt hệ thống cảnh báo tự động bằng nước tại các đường ngang dân sinh để tránh tai nạn tàu hỏa. Theo bà, đây là phương pháp ít tốn kém, hiệu quả và an toàn.

KTS Phạm Hương Giang cho rằng, những vụ tai nạn thương tâm tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ - điển hình là vụ ôtô đâm vào tàu hỏa khiến 5 người chết ở Thường Tín, Hà Nội ngày 24/10 - cho thấy cảnh báo hiện nay chưa đủ mạnh.

Ngành đường sắt không thể đủ lực lượng và kinh phí bố trí người canh gác, điều khiển rào chắn ở tất cả các đường ngang dân sinh. Ở những điểm không có rào chắn để cưỡng bức dừng xe, nhiều ôtô, xe máy vẫn băng qua đường sắt dù có đèn và chuông báo tàu sắp đến.

Thực tế, dù đã nhận thấy tín hiệu này, nhiều lái xe vẫn cho rằng mình còn đủ thời gian để vượt và tai nạn đã xảy ra từ sự ước lượng sai này.

Người dân đứng chờ tàu chạy qua trên đường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội).
Ảnh: Phượng Hằng

“Ý tưởng của tôi là tạo thêm một dạng tín hiệu để người đi xe máy, ôtô tăng cường chú ý và dừng xe khi tàu hoả sắp đến. Ở những đường ngang dân sinh không bố trí được thanh chắn (phải có nhân sự quản lý), bên cạnh tác động về thị giác (đèn, biển báo), thính giác (chuông), cần có một tác động mang tính cưỡng bức dừng xe” - KTS Hương Giang nói.

Theo bà, có một cách đơn giản, rẻ tiền là làm cổng khung thép ống phía trên cao khoảng 5m, trên cổng có hệ thống ống nước với các lỗ nhỏ. Khi có tín hiệu báo tàu đến, hệ thống tự động bơm nước áp lực từ trên cao, tạo nên một rèm nước chắn ngang đường.

Hệ thống rèm này kết hợp với đèn led màu đỏ, vàng để tạo nên một bức tường nước phía trước mặt, mang tính cưỡng bức dừng xe đối với xe máy (do sợ bị ướt) và thêm một tín hiệu thị giác mạnh đối với ôtô (có thể chiếu đèn có chữ DỪNG XE và STOP màu đỏ vào rèm nước này).

Ở các đường ngang ít người qua lại, tác giả ý tưởng trên đề xuất lắp đặt rào chắn cảm biến luôn luôn hạ xuống, chỉ nâng lên khi có đủ 2 tín hiệu: Có người, xe cần đi qua và không có tàu hỏa đi qua trong vòng 3 phút. Sau khi các phương tiện đi qua an toàn, cảm biến lại đóng rào chắn lại. Nếu phương tiện bị hỏng bất ngờ trên đường tàu, hệ thống sẽ phát cảnh báo bằng đèn đỏ để tàu phanh lại trước đó khoảng 500m (khoảng cách an toàn).

“Đây mới chỉ là ý tưởng. Để đi đến ứng dụng thực tế, tôi hy vọng nhận được các ý kiến đóng góp, phản biện, hy vọng có đơn vị, cá nhân cùng tham gia hoàn thiện ý tưởng để thiết kế, xây dựng mô hình và thử nghiệm nó. Tôi cũng rất muốn được biết về các ý tưởng khác nhằm mục đích giảm tai nạn ở các đường ngang dân sinh” - KTS Phạm Hương Giang chia sẻ.