Ngày 25/7, tại UP Co-working Space đã diễn ra buổi gặp gỡ giữa Tổng Giám đốc kỹ thuật Uber Thuận Phạm và cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Tại đây, ông Thuận Phạm đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp quý giá mà ông đã áp dụng thành công tại Uber.

Nhận xét về tình hình hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Thuận Phạm cho rằng từ số lượng doanh nghiệp triển vọng dồi dào, có thể thấy Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định. Sự đề cao về mặt sáng tạo trong công nghệ, cũng như nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của Chính phủ Việt Nam là động lực lớn lao để Việt Nam đạt đến mục tiêu trở thành “quốc gia khởi nghiệp”.

Ông Thuận Phạm - Tổng Giám đốc kỹ thuật Uber chia sẻ kinh nghiệm tại buổi gặp gỡ với cộng đồng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông, xã hội không nên có thái độ kỳ thị với những thất bại của các doanh nghiệp khởi nghiệp: “Nói đến khởi nghiệp là đồng nghĩa với sự thất bại. Bất kỳ một thành công nào cũng phải trải qua hàng ngàn thất bại trước đó. Tuy nhiên thất bại nào cũng có giá trị của nó, có thất bại mới có thể lớn lên từ những sai lầm. Và điều quan trọng là xã hội phải chấp nhận sự thất bại ấy như một lẽ thông thường, không có sự kỳ thị hay thành kiến nào thì mới tạo ra không gian sáng tạo và phát triển một cách thoải mái nhất cho cộng đồng khởi nghiệp.”

Bài học giá trị đầu tiên dành cho cộng đồng khởi nghiệp là đừng vội quan tâm đến việc mở rộng quy mô công ty, hãy quan tâm sản phẩm của bạn có mang đến giá trị thiết thực cho người dùng hay không. "Khi bạn giải quyết được vấn đề của người dùng theo cách khiến họ hài lòng, tự nhiên giá trị công ty sẽ được nâng tầm, và khi ấy công nghệ sẽ cất cánh" - ông nói.

Cũng theo ông Thuận Phạm, đằng sau sự phát triển của mỗi công ty công nghệ luôn là sự song hành của hai yếu tố kĩ thuật và con người. Với công nghệ, các doanh nghiệp non trẻ hoàn toàn có thể tận dụng và bổ sung giá trị vào những giải pháp đã sẵn có trên thị trường, thay vì dành quá nhiều thời gian vào việc xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới. Còn với yếu tố con người, cần học cách quản lý những con người hoàn thiện để vận hành công nghệ.

Buổi gặp gỡ thu hút đông đảo người tới dự.

Chia sẻ bài học tiếp theo về cách điều phối đội ngũ kỹ thuật viên, ông Thuận cho biết: “Tại Uber, chúng tôi chia toàn bộ các kĩ sư thành 50 - 60 nhóm, mỗi nhóm có một nhiệm vụ riêng biệt, với định hướng và lộ trình thực thi cụ thể. Có những nhóm chuyên phụ trách xây dựng hạ tầng lưu trữ, tính toán… để các nhóm khác dựa vào đó vận hành công việc trơn tru. Bí quyết nằm ở cách bạn phân công với sự phân công hợp lý và rạch ròi về nhiệm vụ, công việc sẽ được giải quyết với tốc độ vượt trội. Bên cạnh đó, một điều quan trọng nữa là cần tạo môi trường để mọi người thẳng thắn chia sẻ các vấn đề, cùng giúp đỡ và tương trợ lẫn nhau trong một tập thể đoàn kết”.

Cũng tại buổi nói chuyện, ông Thuận Phạm đã gặp gỡ 2 đơn vị có ý tưởng sáng tạo và tiềm năng phát triển tốt được chọn từ cộng đồng khởi nghiệp tham dự UberEXCHANGE là Vexere - hệ thống đặt vé xe trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, Vexere ra mắt vào năm 2013 và hiện tại vẫn là hệ thống đặt vé xe lớn nhất nước với hơn 2.000.000 hành khách truy cập hàng tháng. Hệ thống Vexere cung cấp chi tiết về lịch trình, thông tin xe để hành khách so sánh, lựa chọn chuyến đi, vị trí chỗ ngồi, nhận thông báo qua tin nhắn, email và thực hiện thanh toán tại phòng vé theo nhiều cách khác nhau - và Beeketing- với kinh nghiệm 6 năm làm việc trong ngành công nghiệp thanh toán trực tuyến, thực hiện hỗ trợ hơn 150.000 cửa hàng trực tuyến, Beeketing cung cấp các công cụ, các ứng dụng hỗ trợ việc phát triển doanh số bán hàng cho các cửa hàng trực tuyến của khách hàng.

Cũng trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Thuận Phạm đã tham dự Buổi tọa đàm mang tên “Tuổi trẻ với đổi mới, sáng tạo” với sự góp mặt của đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng nhiều doanh nhân và chuyên gia nghiên cứu về khởi nghiệp tại Hà Nội. Ngày 27/7 sắp tới, ông Thuận Phạm sẽ tham gia một buổi trò chuyện cùng ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc VNG, để chia sẻ với cộng đồng khởi nghiệp và sinh viên về chủ đề cách triển khai, vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và quản lý đội ngũ nhân sự.

Tốt nghiệp trường đại học MIT danh tiếng hàng đầu nước Mỹ, trước khi đến với Uber ông Thuận Phạm đã từng đảm nhận vai trò lãnh đạo đội ngũ kỹ thuật tại nhiều tập đoàn công nghệ danh tiếng như VMWare, Westbridge và Doubleclick… Thuận Phạm gia nhập khi Uber chỉ mới hoạt động tại 60 thành phố với 40 kỹ thuật viên. Chỉ trong 4 năm, ông đã không ngừng phát triển khối Kỹ thuật lên tới hơn 2.000 người, và giải quyết vô số những thách thức đặt ra trong quá trình tăng trưởng mạnh mẽ của Uber để đưa dịch vụ chia sẻ chuyến đi tới người dùng tại hơn 450 thành phố trên khắp thế giới. Là một trong những người gốc Việt quan trọng nhất của Silicon Valley, vào năm 2016, ông được vinh danh là “Niềm tự hào của nước Mỹ” (2016 Great Immigrants Honorees: The Pride of America).