Ông Riku Makela - chuyên gia đổi mới sáng tạo cao cấp của IPP vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển về cộng đồng khởi nghiệp (start-up) Việt Nam bên lề Hội chợ và Triển lãm khởi nghiệp Hatch!Fair 2015&IPP Midterm Demo diễn ra tại Hà Nội.

Ông Riku Makela - chuyên gia đổi mới sáng tạo cao cấp của IPP (chương trình Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan) - vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển về cộng đồng khởi nghiệp (start-up) Việt Nam bên lề Hội chợ và Triển lãm khởi nghiệp Hatch!Fair 2015&IPP Midterm Demo diễn ra trong hai ngày 31/10 và 1/11 tại Hà Nội.

Được hỏi về những tiêu chí để IPP lựa chọn hỗ trợ dự án của các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Makela cho biết: “Muốn được chọn, dự án phải đáp ứng sáu tiêu chí. Thứ nhất, doanh nghiệp khởi nghiệp phải là một team giỏi, có kiến thức, có chút kinh nghiệm, có đam mê. Thứ hai, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, phải là thứ thị trường còn thiếu. Tiếp đó, doanh nghiệp phải có sẵn giải pháp tiêu thụ các sản phẩm của mình.

Ông Riku Makela, cố vấn cao cấp của chương trình Đổi mới sáng tạo IPP.
Ông Riku Makela, chuyên gia đổi mới sáng tạo cao cấp của IPP. Ảnh: Lê Loan

Ngoài ra, start-up cần phải chứng minh rằng sản phẩm của doanh nghiệp mình đem lại lợi ích cho khách hàng. Sản phẩm của doanh nghiệp phải là sản phẩm có khả năng cạnh tranh, không chỉ ở thị trường trong nước mà thậm chí là ở cả thị trường quốc tế. Ngoài ra, một tiêu chí nữa để được chọn là doanh nghiệp khởi nghiệp phải có số tiền nhỏ đủ trả lương cho công nhân và một số dịch vụ”.

Đánh giá về các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam, ông Riku Makela chia sẻ: “Lực lượng start-up Việt Nam rất lớn. Họ giỏi và nhiệt huyết, đam mê không thua kém gì các doanh nghiệp khởi nghiệp tại các quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, start-up Việt Nam còn thiếu hai yếu tố là kinh nghiệm và thiếu sự giúp đỡ, hỗ trợ cần thiết về vốn, các chương trình đào tạo, huấn luyện…”.

Về tiềm năng phát triển, chuyên gia Phần Lan cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nên hướng vào 2 lĩnh vực tiềm năng chính là công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho nhiều mục đích như chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, công - nông nghiệp, hậu cần… và ngành nông nghiệp, thủy sản và chế biến sản phẩm từ hai ngành này.

IPP là Chương Trình Hỗ Trợ Phát Triển Chính Thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Phần Lan. IPP giai đoạn hai kéo dài từ năm 2014 đến năm 2018. Chương trình đã phối hợp với rất nhiều đơn vị, tổ chức như Bộ Khoa học và Công nghệ, các đơn vị trực thuộc, VIIP, Ngân hàng thế giới… hay các vườn ươm khởi nghiệp, doanh nghiệp tăng tốc khởi nghiệp… đang hoạt động tại Việt Nam để tổ chức các sự kiện.
Các hoạt động của IPP hướng vào việc cấp vốn đầu tư, các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng tốc khởi nghiệp… Hiện nay, IPP đang hỗ trợ cho 22 dự án, 18 trong số đó là các dự án khởi nghiệp, 4 trong số đó là các doanh nghiệp tăng tốc khởi nghiệp.