Theo Digital Trends, rất khó đánh lừa thuật toán trí tuệ nhân tạo mới của Panasonic trong nhận diện khuôn mặt.

Thuật toán mới này được thiết lập với sự cộng tác của Đại học quốc gia Singapore, đã học được cách nhận diện cả người đeo kính và xoay đầu đi 45 độ và vào cuối năm nay, thuật toán sẽ có thể xác định được người qua đường có đeo khẩu trang che mặt. Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể làm tăng độ an toàn, nhưng nhiều thuật toán trong số đó vẫn dễ bị đánh lừa.

Ví dụ: bằng cách đeo kính râm, che mặt bằng tay hoặc quay mặt khỏi camera 45 độ. Tuy nhiên, thuật toán mới của Panasonic có tên gọi là WV-ASF950, được phổ cập vào tháng 7 tới, hoàn toàn có khả năng đối phó thành công với những mánh khóe như vậy. Cho đến cuối năm nay, thuật toán thậm chí còn có thể xác định chính xác tới 100% một người đeo khẩu trang bịt mặt.

Rất khó đánh lừa thuật toán trí tuệ nhân tạo mới của Panasonic trong nhận diện khuôn mặt. Ảnh: Panasonic

Theo các bài kiểm tra so sánh của Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ (NIST), thuật toán giúp cải thiện nhận diện khuôn mặt tới 500%. Phần mềm đào tạo sâu sử dụng cái gọi là phương pháp tính toán tương tự cho phép chương trình nhận diện khuôn mặt trong các kịch bản mà hầu hết các hệ thống hiện có không thể xử lý được. Ngoài kính đeo mắt, thuật toán có thể xác định sự tương ứng ngay cả khi người trên camera đã già đi, còn trong cơ sở dữ liệu chỉ lưu trữ hình ảnh của người đó khi còn trẻ.

Mặc dù thực tế phần mềm được thiết kế cho các ứng dụng bảo mật, thuật toán dựa trên các công nghệ vẫn được sử dụng trong các camera thông dụng của Panasonic. Thuật toán trí tuệ nhân tạo tự động tối ưu hóa chế độ cài đặt của camera để cung cấp khả năng phơi sáng tốt hơn cho video chất lượng cao hơn. Theo đại diện của Panasonic, trí tuệ nhân tạo cũng giúp giảm chi phí lập trình.

Thay vì gửi tất cả các hình ảnh đến máy chủ, camera trước tiên tiến hành sàng lọc và chỉ gửi những ảnh chất lượng tốt nhất. Cách tiếp cận này làm giảm chi phí và cho phép 20 camera hoạt động với một máy chủ duy nhất.

Chương trình cho phép xử lý tới 10 nghìn khuôn mặt lưu trong cơ sở dữ liệu. Nếu muốn, ở cơ sở lớn hơn, con số này có thể tăng lên đến 30 nghìn.

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp D-ID, có trụ sở tại Tel Aviv, đã phát triển một thuật toán phòng thủ chống lại các hệ thống nhận diện khuôn mặt. Thuật toán này âm thầm thay đổi một số nét trên khuôn mặt ở các bức ảnh khiến không thể tìm ra sự tương quan giữa khuôn mặt với tên của chủ sở hữu khuôn mặt đó cũng như với những hình ảnh khác của anh ta.