Chào mừng quý vị đến với AVAR 2015 - Hội nghị quốc tế về phòng, chống mã độc toàn cầu lần thứ 18 - đang diễn ra tại Đà Nẵng - Việt Nam.
Tinh hoa hội tụ, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin trên toàn cầu tập hợp và bàn xét mọi khía cạnh nóng nhất và khó nhất trong “kỷ nguyên chiến tranh mạng”.
Chúng ta đang trong kỷ nguyên Internet và sắp bước vào kỷ nguyên “vạn vật kết nối”. Ngày hôm nay, máy tính tại gia đình, điện thoại thông minh cầm trên tay hay chiếc máy tính bảng mà các em nhỏ đang chơi, những thứ đó rất có thể đang bị nhiễm mã độc và trở thành vũ khí của tội phạm mạng.
Trong tương lai gần, máy giặt thông minh hay tủ lạnh thông minh có kết nối Internet cũng có thể chịu chung số phận. Nếu điều này xảy ra có nghĩa là, trong một gia đình khá giả có thể đang sở hữu tới 5 vũ khí của tội phạm mạng. Nếu nhân con số 5 với số hộ gia đình tại các đô thị lớn của Việt Nam, chúng ta có kết quả là vài chục triệu. Vài chục triệu thiết bị nối mạng này đang hỗ trợ đắc lực cho việc học tập, giải trí hay kết nối bạn bè của chúng ta, của con em chúng ta; nhưng cùng một lúc cũng rất có thể đang tấn công trang web của một chính phủ hay tổ chức nào đó.
Nguy hiểm hơn, chúng ta không biết ai đang đứng đằng sau những mã độc đó, ai viết ra chúng, ai điều hành chúng. Nguy hiểm hơn nữa, thông qua những thiết bị đó, chúng ta bị mất tiền qua thẻ tín dụng, bị lấy trộm tài khoản ngân hàng, bị lấy cắp mật khẩu mạng xã hội, hòm thư điện tử. Việc bị lộ thông tin nhạy cảm của cá nhân vốn đã là thảm họa, nhưng thảm họa hơn nữa là những đồng tiền bị mất kia đang chảy về túi của tội phạm mạng.
Một người mất 1USD, 1 triệu người mất 1 triệu USD. Từ những mất mát nhỏ đó đã đóng góp vào thành doanh thu thường niên của tội phạm mạng, gấp chừng 10 lần GDP của Việt Nam.
Vậy phải chăng người dùng Internet toàn cầu - bao gồm người dùng Internet Việt Nam - đang mất tiền hay đang đầu tư một cách vô thức cho tội phạm mạng? Vấn đề tưởng nhỏ nhưng rất lớn này liệu có thể xử lý?
Tại AVAR thường niên, chúng tôi - các chuyên gia - cùng bàn bạc, cùng hành động để có thể bảo vệ người dùng Internet tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là người dùng cần nhận thức đầy đủ hai mặt của Internet. Internet không chỉ là vô vàn lợi ích về giải trí, học tập, chính phủ điện tử ... “Internet là rất không an toàn”, không an toàn với mọi thành phần tham gia - trải rộng từ thiết bị cá nhân tới hạ tầng của chính phủ.
Triệu Trần Đức - Chủ tịch AVAR 2015, Tổng Giám đốc Công ty CMC Infosec