Với tỷ lệ nội địa đến 90% về khối lượng, thiết bị lọc bụi tĩnh điện do Viện Nghiên cứu cơ khí - Bộ Công Thương - nghiên cứu, chế tạo đang được sử dụng cho một số nhà máy ở Việt Nam, thay thế hàng nhập ngoại. Quá trình vận hành thực tế cho thấy hiệu quả lọc bụi rất cao.

Chất lượng tương đương sản phẩm châu Âu

Lọc bụi tĩnh điện là công nghệ được dùng phổ biến nhất hiện nay tại các nhà máy công nghiệp như nhiệt điện, ximăng và được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến trên thế giới.

Theo ông Dương Văn Long - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Thiết bị môi trường, Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công Thương, ưu điểm của thiết bị lọc bụi tĩnh điện là hiệu suất tốt, khả năng lọc bụi rất cao, hiệu quả lên tới hơn 99,7%, nghĩa là chỉ còn một lượng bụi nhỏ tỷ lệ khoảng 0,03% thoát ra ngoài ống khói của nhà máy. Nó có thể đáp ứng chỉ tiêu nồng độ bụi phát thải nhỏ hơn 30mg/nm3 tương đương chỉ tiêu phát thải cho phép của các nước Tây Âu.

Tuy nhiên, hiện nay tại các nhà máy của Việt Nam, thiết bị lọc bụi tĩnh điện đều là sản phẩm của nước ngoài.

Với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương từ một chương trình khoa học và công nghệ, Viện Nghiên cứu cơ khí đã thực hiện thành công dự án “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000Nm3/h”. Ông Dương Văn Long - chủ nhiệm dự án - cho biết, sản phẩm của dự án - thiết bị lọc bụi tĩnh điện - do viện làm chủ thiết kế có công nghệ chế tạo đạt chất lượng cao.


Thiết bị lọc bụi tĩnh điện của Viện Nghiên cứu cơ khí tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất tổ máy 2x600MW). Ảnh: H. Linh
Thiết bị lọc bụi tĩnh điện của Viện Nghiên cứu cơ khí tại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (công suất tổ máy 2x600MW). Ảnh: H. Linh

Với sản phẩm này, Viện Nghiên cứu cơ khí đã làm chủ công nghệ sản xuất các thành phần chính và khó, quyết định đến chất lượng của thiết bị như: Tấm cực lắng, thanh gai cực phóng, quả búa bộ phận gõ rũ bụi. Ngoài ra, viện còn chế tạo và tích hợp thành công hệ thống thiết bị máy cán chuyên dụng sản xuất điện cực lắng, thiết bị máy cán - đột chuyên dụng sản xuất điện cực phóng, thiết bị đồ gá gia công chuyên dụng sản xuất các chi tiết bộ búa gõ rũ bụi.

“Sản phẩm có chất lượng tương đương tiêu chuẩn châu Âu, G7 (nhóm 7 nước có công nghệ tiên tiến gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ và Canada), đủ điều kiện thay thế hàng nhập ngoại, được nhà tổng thầu Marubeni Nhật Bản chấp nhận sử dụng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 90% về khối lượng.

Ở dự án này, thiết bị lọc bụi tĩnh điện được đưa vào vận hành cùng với lò hơi ngay từ giai đoạn đốt dầu FO, đáp ứng yêu cầu về phát thải khói bụi của giai đoạn chạy thử” - ông Long nói.


Tỷ lệ lọc bụi đạt 99%

Đến nay, Viện Nghiên cứu cơ khí đã cung cấp 2 thiết bị lọc bụi tĩnh điện có công suất xử lý khí thải lưu lượng 1.000.000Nm3/h cho Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh tại nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 công suất 2x600MW. Quá trình 3 năm vận hành tại đây cho thấy, thiết bị hoạt động tốt, ổn định.

Ông Lê Văn Tuấn - phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh - cho biết: “Thiết bị lọc bụi tĩnh điện do Viện Nghiên cứu cơ khí cung cấp hoạt động tương đối ổn định, tỷ lệ bụi lọc gần như tuyệt đối - đạt khoảng 99%. Nhờ đó, hiệu quả lọc bụi của nhà máy chúng tôi vượt trội so với các nhà máy khác trong khu vực vốn có tỷ lệ khói bụi thải ra tương đối nhiều”.

Ông Dương Văn Long chia sẻ, Viện Nghiên cứu cơ khí đang cung cấp 2 thiết bị lọc bụi tĩnh điện có công suất xử lý khí thải lưu lượng 1.000.000Nm3/h cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1. Đối với hợp đồng này, các bộ phận quan trọng như điện cực lắng, khung điện cực phóng, hệ thống búa gõ rũ bụi được chế tạo trực tiếp bởi hệ thống thiết bị chuyên dụng là sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm.

Tính đến tháng 8/2017, thiết bị lọc bụi tĩnh điện của tổ máy 1 và 2 của dự án nhiệt điện Thái Bình 1 đã được lắp đặt xong, đang vận hành thử nghiệm theo quy trình của dự án để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thương mại.

Ngoài việc cung cấp, lắp đặt toàn bộ hệ thống lọc bụi tĩnh điện, Viện Nghiên cứu cơ khí còn cung cấp các tấm cực lắng cho Nhà máy ximăng Nghi Sơn (Thanh Hóa) để sửa chữa, thay thế bộ phận điện cực hỏng, thay thế cho sản phẩm nhập ngoại trước đây, với số lượng là 80 tấm năm 2015, 140 tấm năm 2016 và 234 tấm năm 2017.

“Tuy nhiên, để sản phẩm lọc bụi tĩnh điện được ứng dụng nhiều hơn vào thực tế, cần có sự hỗ trợ của các bộ, ngành đối với chủ đầu tư các dự án nhiệt điện than, ximăng chấp nhận sản phẩm chế tạo trong nước đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng” - ông Dương Văn Long kiến nghị.