Khá nhiều nhà khoa học và công ty chuyên về não bộ đang ấp ủ giấc mơ “tải” não người vào robot để hồi sinh người thân đã quá cố. Tuy nhiên, chặng đường đến đích vẫn còn xa.

Khái niệm “còn sống” sẽ thay đổi

Ý tưởng “sao chép não” từng xuất hiện nhiều trong phim giả tưởng như Black Mirror (Tấm gương đen - PV) của Anh. Trong phim này, sau khi người yêu mất vì tai nạn giao thông, nhân vật nữ chính đã nhờ một dịch vụ trên mạng tạo ra con robot giống hệt anh về ngoại hình, cảm xúc và sau đó, rất nhiều chuyện điên loạn đã diễn ra.

Trong bộ phim khác là Transcendence (Trí tuệ siêu việt - PV), nhà khoa học máy tính do Johnny Deep thủ vai đã tải trí não mình vào trí tuệ nhân tạo khi biết mình sắp chết.

Doanh nhân Martine Rothblatt (phải) trả lời phỏng vấn về Bina48 - một robot “nhân bản” đặc biệt. Ảnh: Ted
Doanh nhân Martine Rothblatt (phải) trả lời phỏng vấn về Bina48 - một robot “nhân bản” đặc biệt. Ảnh: Ted

Các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo dự đoán trong tương lai, con người có thể thay thế thân nhân quá cố bằng robot với bộ não là phiên bản số của não người chết. Trên thực tế, đã có hơn 56.000 người đăng ký số hoá não bộ để lưu trữ với hi vọng hồi sinh trong hình hài robot.

Tổ chức nghiên cứu Terasem Movement (Mỹ) đang tìm kiếm công nghệ tạo ra bản copy số của người bằng cách chuyển ý thức vào máy tính. Họ đã tạo ra được hàng nghìn “bộ não nhân tạo cao cấp” để lưu trữ trí nhớ, giá trị và thái độ của mỗi con người.

“Đây là cách mà chúng tôi “nhét” thông tin, cá tính và phong cách của một người vào máy tính” - Bruce Duncan - Giám đốc điều hành Terasem Movement cho hay.

Bản demo của ý tưởng này đã được doanh nhân Martine Rothblatt hiện thực hóa. Rothblatt - người trở thành phụ nữ sau cuộc phẫu thuật chuyển giới năm 1994, nữ giám đốc điều hành được trả lương cao nhất thế giới, đồng thời là người sáng lập Terasem Movement - đã đưa ý tưởng “tải” não người vào mẫu robot “nhân bản” vợ mình.

Con robot có tên Bina48 - hiện được bán với giá 150.000USD - có rất nhiều điểm giống vợ của Martines bởi nó sở hữu cơ sở dữ liệu về trí nhớ, đức tin, suy nghĩ cùng nhiều thông tin được cóp nhặt từ những tương tác xã hội và blog mà bà chia sẻ. Nhờ đó, Bina48 thể hiện quan điểm và phản ứng như một người thật.

Tuy còn khá nhiều thiếu sót, Bina48 được coi là ví dụ chứng minh rằng trong tương lai, ranh giới giữa thế giới sinh học và kỹ thuật số sẽ không còn. “Khái niệm còn sống có thể sẽ được hiểu là các thông tin cá nhân quan trọng của bạn vẫn tiếp tục được sắp xếp và tiếp cận” - Duncan cho hay.

Để tải não người lên robot, nhiều nhà khoa học coi não như một chiếc máy tính, là nơi chuyển thông tin dữ liệu vào thành thông tin dữ liệu ra, thành hành vi thông qua hàng loạt tính toán. Nếu chúng ta vạch ra được sơ đồ của quá trình này thì việc copy não vào máy tính là điều hoàn toàn có thể.

Đây là cách mà GS Ken Hayworth - một nhà khoa học thần kinh - tiến hành. Ông đang tìm cách sơ đồ hoá hoạt động của những lát não chuột và tìm cách tải não mình tại Phòng nghiên cứu Janelia (Mỹ). Ken tin rằng, việc sơ đồ hoá được mối liên hệ giữa các neuron trong não là bước quyết định.

Ngoài ra, nhà phát minh Randal Koene ở San Francisco (Mỹ) cũng đang phát triển một hệ thống cho phép tải não của chính mình lên. Ông tìm cách sơ đồ hoá cấu trúc và chức năng não, đồng thời phát triển phần cứng có khả năng giải mã bộ não được tải lên. Đến nay, Koene đã đưa ra được con chip CM1K - một trong những con chip hiện đại nhất, có khả năng bắt chước quá trình xử lý thông tin của não. CM1K đang được kỳ vọng có thể hoàn thiện để đảm nhận nhiệm vụ “tải” não người vào máy tính.

Mặt trái và những thử thách khó vượt

Chuyên gia tâm lý Robert Zucker cho rằng, trong thực tế, nhu cầu hồi sinh người chết trong hình hài robot là có thật. Đây là cách con người dùng để xoa dịu nỗi đau mất thân nhân. Tuy vậy, theo Zucker, việc này giống như đang dựa dẫm vào thuốc và nó hoàn toàn không có lợi.
Hơn nữa, theo Zucker, dù có thể “tải” được não bộ người vào robot, chúng vẫn sẽ không bao giờ biến thành người theo đúng nghĩa. “Con người không chỉ có trí tuệ và kinh nghiệm, mà còn có cả lý trí”.

Đồng quan điểm với Zucker, nhà triết học Susan Schneider - người chuyên nghiên cứu về bản chất của trí tuệ và nhận thức - cho rằng: “Ý tưởng này có thể tốt với nhiều mục đích, nhưng chúng ta cần quan tâm tới ý nghĩa của hành động này. Vẻ đẹp của sự tồn tại nằm ở chỗ chúng ta không chỉ xử lý thông tin mà còn cảm nhận chúng. Có thể sẽ tồn tại sinh vật xử lý được thông tin như chúng ta, nhưng chúng sẽ không có được những trải nghiệm mà con người có”.

Bà Schneider cũng đặt ra giả thuyết, nếu robot có thể thừa hưởng nhận thức của con người, chúng ta sẽ phải đối xử với chúng như con người, dù chúng không thực sự là người.

Còn các chuyên gia về kỹ thuật cho rằng, việc hồi sinh người chết trong cơ thể robot sẽ cần nhiều thời gian để thành sự thật. Bộ não người có khoảng 85 tỉ neuron, liên kết với nhau thông qua các khớp thần kinh. Hiện tại, để mô phỏng hoạt động của não trong vòng 1 giây, chúng ta đã phải huy động sự giúp sức của các siêu máy tính tốc độ nhanh nhất thế giới, chiếm tới 1 triệu gigabyte bộ nhớ máy tính và khoảng 83.000 bộ vi xử lý. Do đó, để được chứng kiến cảnh hồi sinh người chết bằng cách tải não vào robot, chúng ta sẽ cần thêm nhiều thời gian.