CBU-105 có thể tiêu diệt được tối đa tới 40 xe tăng, xe cơ giới.

Bom chùm (cluster bomb) là loại vũ khí có sức sát thương trên diện rộng mà không phân biệt đối tượng tiêu diệt. Mặc dù vậy, quân đội Mỹ đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí này trên chiến trường khác nhau, gồm bom chùm CBU-55. CBU-24B, CBU-49.B, CBU-2A/A, CBU-55, CBU-46, CBU-34, CBU-105.

Trong đó, CBU-105 có sức công phá khủng khiếp, nó có thể tiêu diệt được tối đa tới 40 xe tăng, xe cơ giới.

Bom chùm CBU-105
Bom chùm CBU-105

CBU-105 còn có tên gọi khác là CBU-97 Sensor Fuzed Weapon (vũ khí kích hoạt cảm biến), do công ty Textron Defense Systems (TDS) sản xuất. Nó thuộc loại bom chùm thả rơi tự do, nặng khoảng 420 kg, dài 92 inch (234 cm), đường kính 15,6 inch (40 cm), được kết cấu theo dạng bom mẹ - bom con.

Nó mang theo 10 ống đạn phụ BLU-108/B, mỗi ống đạn này chứa 4 đầu đạn kích hoạt cảm biến (được gọi là Skeet). Khi tấn công, loại bom chùm nguy hiểm này có thể quét một diện tích khoảng 460 x 150 m với sự hỗ trợ của các cảm biến laser, hồng ngoại.

Khi CBU-105 tiếp cận điểm mục tiêu đã chỉ định của nó, vỏ bom tự động tách ra, 10 ống đạn BLU-108/B cũng được tách ra, thả theo các đầu đạn Skeet. Đầu đạn Skeet chuyển động theo hình nón, cho phép nó quét một vùng tròn rộng lớn trên mặt đất. Cảm biến laser sẽ phát hiện những thay đổi về chiều cao địa hình, ví dụ như chiều cao của một chiếc xe tăng.

Đồng thời, cảm biến hồng ngoại sẽ phát hiện các dấu hiệu nhiệt, chẳng hạn như nhiệt từ các động cơ phát ra. Khi phát hiện được sự kết hợp của các chiều cao và các dấu hiệu nhiệt của một mục tiêu, Skeet phát nổ và phóng đầu đạn xuyên phá EFP tới mục tiêu và tiêu diệt nó.

Một cuộc tấn công của loại bom này về cơ bản sẽ ngăn chặn một đoàn xe bọc thép. Nếu không phát hiện ra mục tiêu, đầu đạn Skeet sẽ tự hủy ở độ cao 15 m. Nếu có trục trặc nào đó xảy ra, một bộ đếm ngược dự phòng vô hiệu hóa các đầu đạn Skeet này, điều này giảm tránh các thương vong cho dân thường.

Thiết kế của CBU-105 chủ yếu là để tiêu diệt các mục tiêu tăng – thiết giáp và các công trình phòng không. Khả năng sống sót sau khi một trái bom CBU-105 bị kích nổ là hoàn toàn không có.

Trong biên chế không quân Mỹ, CBU-105 được trang bị trên máy bay ném bom chiến thuật từ độ cao 60-6.100 m, gồm B-52, B-1, B-2, A-10 và F-15, F-16.

Loại bom chùm này lần đầu tiên được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc chiến Iraq vào năm 2003. Giá trung bình cho mỗi quả là 360.000 USD (bao gồm phụ tùng thay thế, thiết bị bảo dưỡng, một vài trang thiết bị huấn luyện và hỗ trợ kỹ thuật).

- Video: Hoạt động của bom chùmCBU-105: