Làm việc vài năm nhằm tích luỹ kinh nghiệm, sau này xin được vốn đầu tư về nước mở công ty là kế hoạch của Lê Yên Thanh - thực tập sinh Google. Là tân cử nhân, lưng vốn của Thanh không mỏng với hàng trăm giải thưởng nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên ĐHKHTN (TPHCM).

Nhiều sinh viên hiện nay tham gia nghiên cứu không chỉ để nuôi dưỡng đam mê khoa học mà có ý thức rất rõ về việc chuẩn bị vốn liếng bước vào đời. Hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học vì vậy cũng đang dần trở nên thực chất, thực tế hơn.

Sinh viên nghiên cứu theo sự đặt hàng của cuộc sống

BusMap là ứng dụng giúp tra cứu 110 tuyến xe buýt nội thành TPHCM gồm thông tin về tuyến, cự ly, số chuyến, thời gian hoạt động, đơn vị quản lý. Nó có thể giúp tìm cả đường đi và trạm dừng. Sản phẩm từng nhận 4 giải thưởng này nhanh chóng được chuyển giao cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM quản lý, vận hành. Ứng dụng hiện có hơn 100.000 lượt tải này là thiết kế của 2 sinh viên Đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM là Lê Yên Thanh và Tô Hữu Quân.

Mô hình xe quét rác tự động của sinh viên khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa -   ĐH Đà Nẵng tại triển lãm Sản phẩm công nghệ KDN Techshow 2016. Ảnh: Tấn Tiến

Mô hình xe quét rác tự động của sinh viên khoa Cơ khí trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng tại triển lãm Sản phẩm công nghệ KDN Techshow 2016. Ảnh: Tấn Tiến

Lê Yên Thanh tâm sự: “BusMap ra đời từ nhu cầu của bản thân tôi là có một ứng dụng giúp thuận tiện khi đi xe bus thành phố. Đa phần đề tài của tôi xuất phát từ nhu cầu thực tế nên sau khi phát triển, sản phẩm có cơ hội nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, cơ quan quản lý để đưa vào ứng dụng”. Hiện chàng trai vừa tốt nghiệp này thực tập ở Google như một bước đệm cho kế hoạch về nước khởi nghiệp.

Ở ĐH Khoa học tự nhiên, trường hợp như Lê Yên Thanh không hiếm. Theo PGS-TS Lâm Quang Vinh - Phó Trưởng ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN), ĐH Quốc gia TPHCM, gần đây trường chú trọng các ngành công nghệ mũi nhọn với mục tiêu tạo sản phẩm ứng dụng. Hiện có 2 khoa làm tốt định hướng này là Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học.

“Ở khoa Công nghệ thông tin, đến năm thứ ba nhiều em đã bắt đầu khởi nghiệp. Nhiều sinh viên lập công ty giải pháp phần mềm, sản xuất các ứng dụng cho smartphone. Thầy cô cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia nghiên cứu và giải quyết các vấn đề cuộc sống theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước ” - ông Vinh kể.

Đại học FPT cổ vũ hoạt động khoa học bằng Câu lạc bộ (CLB) JS - Kỹ sư cầu nối Nhật Bản, với 2 lĩnh vực viết phần mềm và tìm hiểu văn hóa Nhật. Luyện Bảo Anh - lãnh đạo CLB - cho biết các thành viên đều được hướng dẫn kỹ năng cơ bản, nhưng để tăng khả năng ứng dụng thì phải tự học và tìm hiểu, nhờ đó mà nâng cao kỹ năng. Ngoài JS, Đại học FPT còn có các CLB khoa học khác như Robotics (về phần cứng, phần mềm), Startup (đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, triển khai quy mô nhỏ)…

Tại ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, phong trào nghiên cứu trong sinh viên cũng phát triển mạnh với trên 200 đề tài mỗi năm, phần lớn có tính ứng dụng cao. Một trong các sản phẩm đoạt giải cấp trường của sinh viên Nguyễn Huỳnh Nhật Thương đã được một công ty đỡ đầu giúp hoàn thiện, dự kiến ra thị trường vào cuối tháng 7. Đây là hệ thống đo lưu lượng mưa, đối chiếu với ngưỡng xảy ra lũ quét để đưa ra cảnh báo kịp thời. Sản phẩm có tiềm năng ứng dụng tại Nam Trà My, Quảng Nam hoặc các tỉnh hay có lũ quét như Lai Châu, Sơn La.

PGS-TS Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng KH&CN - cho biết: “Nhà trường đang tích cực tham gia vào các nhóm khởi nghiệp của thành phố. Bệ phóng cho phong trào khởi nghiệp chính là các ý tưởng nghiên cứu, kinh doanh của sinh viên”.

Nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học

PGS-TS Lâm Quang Vinh nói: “Việc thầy cô cho sinh viên tham gia nghiên cứu giúp các em có kỹ năng, tư duy và kiến thức cần thiết”.

PGS-TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TPHCM - ước lượng, kinh phí mỗi năm dành cho hoạt động nghiên cứu của sinh viên mỗi khoa là 100-200 triệu đồng. Mỗi đề tài được hỗ trợ từ 5-6 triệu đồng, ưu tiên sinh viên năm thứ ba, thứ tư khi đã học xong kiến thức cơ bản. Theo ông, với mức kinh phí đó, không thể kỳ vọng sinh viên làm ra sản phẩm khoa học tầm cỡ. Thông thường, các nghiên cứu này về sau sẽ được thầy, cô hướng dẫn để phát triển thành luận văn tốt nghiệp.

Trong khi đó ở ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, sinh viên có ý tưởng tốt sẽ được trường hỗ trợ đồng đều về thiết bị để triển khai nghiên cứu. Các đề tài đoạt giải có tính khả thi cao sẽ được chọn lọc, hỗ trợ chế tạo mô hình thí điểm và hoàn thiện đề tài.

“Điều chúng tôi cần là giúp các em nuôi dưỡng niềm đam mê khám phá, tìm tòi. Do sản phẩm mới ở mức sơ khai nên hầu hết các kết quả nghiên cứu không được ứng dụng, sản phẩm là các bài báo khoa học” - PGS-TS Mai Thanh Phong nhấn mạnh.

PGS-TS La Thế Vinh - Đại học Bách khoa Hà Nội - cũng cho rằng: “Các đề tài của sinh viên mới chỉ hoàn thiện sản phẩm ở một giai đoạn, muốn ra thị trường, cần thời gian rất dài”. Kể cả khi đã hoàn thiện sản phẩm, để ra thị trường, phải có đội ngũ marketing để giải các bài toán về mẫu mã, chi phí, phương thức thanh toán, bảoThành…

Theo ông Vinh, việc thúc đẩy sinh viên nghiên cứu sẽ giúp các em có tư duy khái quát từ việc xây dựng ý tưởng đến triển khai, tạo nền tảng tốt cho mỗi sinh viên sau khi ra trường.