Robot thông minh sẽ có vị trí như những “con người điện tử” - có quyền và trách nhiệm pháp lý. Đưa robot vào quản lý, con người sẽ kiểm soát được sản phẩm do mình sáng tạo ra và đảm bảo được sự tồn vong của chính loài người.

Trách nhiệm dân sự cho robot

Ngày 21/6/2016, Nghị viện châu Âu giới thiệu dự thảo báo cáo về việc quy định quyền, trách nhiệm pháp lý đối với robot thông minh. Trong đó, robot thông minh được định nghĩa là các robot có khả năng hoạt động tự động thông qua các cảm biến, trao đổi thông tin với môi trường và phân tích các thông tin đó, có thể học hỏi qua kinh nghiệm và tương tác, có sự hỗ trợ của các cơ quan cơ khí, đồng thời có khả năng sử dụng các hành vi và hành động của mình tương tác với môi trường.

Theo dự thảo trên, robot thông minh cần được xem xét như “con người điện tử”, có các quyền và trách nhiệm pháp lý. Khi nó gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường, mà cách thực hiện là nhà sản xuất, chế tạo robot phải mua bảo hiểm robot.

Một robot thông minh biết nấu ăn. Ảnh: Lifereimagined
Một robot thông minh biết nấu ăn. Ảnh: Lifereimagined

Công cụ luật pháp trong tương lai cần cung cấp một quy định trách nhiệm nghiêm ngặt đối với thiệt hại do robot thông minh gây ra, khi chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa những hành vi gây hại của robot và thiệt hại của bên bị tổn thất. Chế độ bảo hiểm bắt buộc cần được thiết lập, nhà sản xuất có nghĩa vụ mua bảo hiểm cho robot tự động của họ. Không những thế, mạng lưới kết nối các robot thông minh tương tác cũng cần được đảm bảo. Nhà chức trách có thể truy cập mã nguồn có sẵn của robot để điều tra các vụ tai nạn và thiệt hại do robot thông minh gây ra.

Theo dự thảo, người sản xuất, sử dụng robot thông minh phải đóng góp các khoản an sinh xã hội khi sử dụng robot vào các vị trí của con người. Nhà chức trách sẽ đánh giá số lượng và tỷ lệ doanh thu do robot và các sản phẩm trí tuệ nhân tạo tạo ra.

Có thể thấy, dự thảo trên đang xem xét robot thông minh như một đối tượng nằm trong sự điều chỉnh của luật pháp. Nếu văn bản này được Nghị viện châu Âu thông qua, không lâu nữa “đội quân” robot thông minh sẽ có trách nhiệm pháp lý và phải đóng tiền thuế an sinh xã hội như con người.

Quản lý robot vì sự tồn vong loài người

Nhu cầu đưa robot thông minh vào diện quản lý xuất phát sự mối lo sự gia tăng lực lượng robot có thể tạo ra thách thức không nhỏ với xã hội loài người. “Trong ngắn hạn và trung hạn, các robot và trí tuệ nhân tạo (AI) hứa hẹn đem lại lợi ích lớn do hiệu quả và tiết kiệm, không chỉ trong sản xuất, thương mại mà còn trong vận tải, chăm sóc y tế, giáo dục, canh nông, giúp con người tránh khỏi các điều kiện lao động nguy hiểm như lau dọn ở các khu vực ô nhiễm hóa chất độc hại. Tuy nhiên, sự gia tăng lực lượng lao động robot và AI có khả năng dẫn tới một loạt hệ lụy khác đối với con người, trong đó có vấn đề về việc làm” - bản dự thảo cho biết.

Sự phát triển của robot và AI khiến phần lớn công việc do con người thực hiện chuyển qua robot, tạo ra những lo ngại về tương lai thất nghiệp, đe doạ sự duy trì hệ thống an sinh xã hội - vốn dựa trên tiền thuế, từ đó tạo ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng trong việc phân phối tài sản và sự ảnh hưởng trong xã hội.

Sự gia tăng robot và AI còn tạo ra nhiều vấn đề khác như nguy cơ mất an toàn do robot bị lập trình, thiết kế lỗi; bảo mật các dữ liệu cá nhân liên quan đến robot trong bối cảnh bùng nổ Internet và thương mai điện tử; giá trị đạo đức, cảm xúc của con người khi robot giành lấy công việc chăm sóc người già, bệnh nhân và những người dễ bị tổn thương.

Thậm chí trong vài thập niên tới, robot và AI có thể vượt qua cả khả năng trí tuệ của con người. “Nếu không chuẩn bị trước, robot và AI có thể đặt ra thách thức đối với việc kiểm soát sản phẩm sáng tạo của chính con người, cũng là khả năng kiểm soát đối với chính trách nhiệm và sự tồn vong của loài người” - bản dự thảo cảnh báo.

Bình luận về bản dự thảo trên, Patrick Schwarzkopf - Giám đốc quản lý bộ phận tự động và robot của VDMA (Đức) - cho rằng khung pháp lý dành cho robot còn lâu nữa mới thành hiện thực.

“Chúng ta sẽ tạo ra một khung pháp lý đối với con người điện tử. Điều đó có thể diễn ra trong 50 năm nữa chứ không phải trong 10 năm tới” - Patrick Schwarzkopf nói. Đồng thời vị giám đốc này còn cho rằng, các đề xuất có vẻ “rất quan liêu và sẽ kìm hãm sự phát triển robot”.

Một nghiên cứu trên Voxeu.org cho biết, trong 14 lĩnh vực công nghiệp ở 17 nước phát triển gồm các nước châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Mỹ, tỷ lệ sử dụng robot trong sản xuất đang gia tăng chóng mặt. Giai đoạn 1993-2007, tỷ lệ robot trên giờ lao động tăng trung bình 150% - đặc biệt là ở Đức, Đan Mạch và Italy. Robot đóng góp 0,37% tăng tưởng GDP hằng năm, chiếm hơn 1/10 tăng trưởng GDP trong giai đoạn này.