Một phần rác thải thu gom ở các tỉnh miền Bắc được sử dụng để tái chế thành viên đốt RPF - nhiên liệu tạo ra lượng nhiệt tương đương than đá. Giải pháp này vừa góp phần giải quyết vấn đề xử lý rác vừa mang lại một nguồn chất đốt thay thế than đá.

1 tấn rác cho 1 tấn nhiên liệu

Việc dùng rác sản xuất viên đốt RPF (refuse paper and plastic fuel - nhiên liệu từ nhựa và giấy thải) được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhằm thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch như than đá, than cốc bởi chúng rẻ hơn rất nhiều và thân thiện với môi trường.

Bà Yuri Takano - Trưởng đại diện Công ty xử lý rác IKE (Nhật Bản) tại Hà Nội - cho biết: “Công nghệ này phổ biến tại Nhật Bản hơn 30 năm nay. Tất cả các loại rác thải như nhựa, giấy, gỗ đều có thể bán và tái chế để sử dụng luôn. Những thành phần không được phân loại triệt để, khó tái chế sẽ được dùng làm viên đốt và đây là công nghệ xử lý rác đơn giản nhất”.

2 loại nhựa pp và pe - nguồn đầu vào để sản xuất viên đốt rpf - được Công ty Urenco 11 thu gom từ các doanh nghiệp. Ảnh: Đ. Dung

Nắm bắt xu hướng đó, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) quyết định hợp tác với IKE để tạo thành liên doanh sản xuất RPF, do công ty con của Urenco là Urenco 11 - tại Hưng Yên - thực hiện.

“Trước kia, Urenco 11 chủ yếu xử lý rác thải bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Việc chôn lấp gây tốn diện tích đất, trong khi những thành phần như nhựa sẽ không phân hủy, còn các thành phần phân hủy được sẽ sản sinh ra khí metal gây ô nhiễm. Việc tái chế rác thành viên đốt RPF giúp tận dụng nguồn tài nguyên lãng phí đó” - ông Vũ Quý Bình - Phó Giám đốc Urenco 11 - cho biết.

Dây chuyền sản xuất viên đốt rpf tại Công ty Urenco 11.

Nguồn đầu vào để sản xuất viên đốt RPF chủ yếu là nhựa PP và PE (hai loại nhựa tốt không có thành phần clo), giấy, gỗ vụn từ các khách hàng của Urenco 11 trên toàn miền Bắc. Chúng được phân loại, làm sạch, nghiền nhỏ rồi cho vào máy nén thành viên. Từ 1 tấn rác sẽ thu được 1 tấn nhiên liệu đốt. Sản phẩm được dùng trong các lò hơi, thay thế than, trấu, củi… Viên đốt RPF có thể tạo ra lượng nhiệt lớn hơn 20-30% so với than đá.

Ông Vũ Đình Thắng - Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Sở KH&CN Hưng Yên - nói: “Nguồn nguyên liệu như nhựa phế thải, bột giấy, gỗ vụn thường bị đốt, gây lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường. Công nghệ này tận dụng nguồn nguyên liệu đó để tạo ra sản phẩm hữu ích”.

Giá chưa cạnh tranh

Một trong những ưu điểm lớn nhất của RPF là thân thiện với môi trường. “Việc dùng than đốt lò hơi sinh ra lưu huỳnh, khí CO2 không tốt cho môi trường. Nhiên liệu RPF không sản sinh 2 chất đó. Mục tiêu đầu tiên của Urenco 11 khi sản xuất RPF là giảm ô nhiễm, giúp khách hàng hiểu biết về môi trường và tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường” - ông Bình nói. Theo các chuyên gia, việc sản sinh ra lưu huỳnh trong nồi hơi còn làm tăng chi phí sản xuất do phải thường xuyên lau rửa đường ống nồi hơi.

Hiện sản phẩm viên đốt RPF của Công ty TNHH Đại Đồng được dùng thử nghiệm tại 7-8 doanh nghiệp. Có 2 công ty sử dụng nó để thay thế dần các nhiên liệu vẫn sử dụng là Công ty cám CJ Vina Agri, Hưng Yên và Công ty giấy Hải Dương.

“Trước kia, chúng tôi dùng vỏ trấu để đốt, nay dùng song song hai nguồn nhiên liệu này. Viên nén RPF cháy và tỏa nhiệt nhanh, được chúng tôi sử dụng khi cần nhiệt hay áp suất lên nhanh. Tuy nhiên, do đặc điểm cấu tạo lò hơi của công ty yêu cầu quá trình đốt cháy diễn ra từ từ nên chúng tôi chỉ trộn 20% viên đốt RPF cùng với trấu” - ông Đỗ Kim Ngọc - Phó Giám đốc Công ty cám CJ Vina Agri - cho biết.

Viên đốt rpf cung cấp nhiệt lượng tương đương than đá.

Công ty Urenco 11 đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ sản xuất trên 12.000 tấn nhiên liệu đốt. Ông Bình cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc tiêu thụ RPF là giá cả. Việc vận hành quy trình sản xuất loại nhiên liệu tái chế này đòi hỏi nhiều nhân công hơn các phương pháp xử lý rác khác.

Nếu như việc chôn lấp chỉ cần 1 người điều khiển máy thì quy trình tái chế rác thành viên đốt cần 4-5 nhân công để phân loại rác và vận hành máy. Các nhà sản xuất ở Nhật Bản không gặp khó khăn này vì rác được phân loại ngay từ đầu, như bà Tanako tiết lộ: “Chúng tôi dùng cả rác sinh hoạt để sản xuất RPF. Các hộ dân đã phân loại rất tốt ngay từ đầu nên sau đó công nhân chỉ cần loại bỏ nhựa có thành phần nguy hại như nhựa chứa clo vì khi đốt sẽ phát sinh chất dioxin, ảnh hưởng đến môi trường”.

Ngoài vấn đề chi phí, Urenco 11 cũng gặp khó với lượng điện năng tiêu thụ. Việc sản xuất mỗi 1kg RPF tiêu tốn khoảng 300 đồng tiền điện. “Chính điều này làm mất ưu thế cạnh tranh về giá của viên đốt so với các nguồn nhiên liệu truyền thống. Giá là thử thách lớn nhất khi thuyết phục khách hàng dùng sản phẩm này. Nếu RPF có giá bán cao hơn so với nguồn nhiên liệu họ đang sử dụng, họ sẽ không chấp nhận”.