Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch vừa nghiên cứu thành công công nghệ tách chiết và tinh sạch hoạt chất sinh học sulforaphane, indole3-carbinol từ rau cải, ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng cho người viêm loét dạ dày

Đây là kết quả đề tài KC.07.18/11-15 thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch”.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng chế phẩm sinh học Sulforaphane, Indole3-carbinol trên thế giới cũng như tại Việt Nam ngày càng trở nên cần thiết. Sulforaphane có tác dụng chủ yếu là hỗ trợ phòng và điều trị ung thư, trong đó có phòng chống viêm loét dạ dày, tá tràng, giúp tăng cường miễn dịch, phòng và điều trị bệnh tim mạch, ...

Các sản phẩm Indole3-carbinol có nhiều lợi ích cho sức khỏe tương tự như giúp hỗ trợ tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa ung thư, ức chế gây đột biến; có tác dụng kháng estrogen, có lợi cho sức khỏe của phụ nữ có tuổi. Trong khi đó, tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày do vi khuẩn H.pylori gây ra đang gia tăng nhanh chóng.

Bệnh nhân phần lớn phải sử dụng các loại thuốc nhập khẩu với giá thành cao. Do đó, việc nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm tương tự nước ngoài từ nguồn nguyên liệu trong nước, từ công nghệ tạo lập sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế và xã hội.

Nghiệm thu đề tài  KC.07.18/11-15
Nghiệm thu đề tài KC.07.18/11-15

ThS Vũ Kim Thoa - Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục tiêu của Đề tài là nghiên cứu để có được công nghệ tách chiết và tinh sạch hoạt chất sinh học Sulforaphane, Indole3-carbinol ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng. Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận công nghệ dùng sóng siêu âm để tách chiết hai hoạt chất trên ở quy mô phòng thí nghiệm và pi-lot. Sulforaphane có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị ung thư, viêm loét dạ dày, tá tràng...

Đây là công nghệ đã được nhiều nước đánh giá có nhiều ưu điểm và lợi thế. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã xác định được loại nguyên liệu thích hợp nhất dùng cho tách chiết Sulforaphane, Indole3-carbinol. Cũng như quy trình công nghệ xử lý bảo quản, chế biến nguyên liệu đầu vào; quy trình tách chiết quy mô nhỏ phòng thí nghiệm và quy trình nâng cấp cho quy mô lớn, cho tới khâu ứng dụng sản phẩm cuối cùng để sản xuất thực phẩm chức năng....

Nhóm nghiên cứu mong muốn trong thời gian tới nghiên cứu các phương pháp tách chiết, thu nhận, làm sạch dịch tách chiết, điều kiện bảo quản thích hợp. Nghiên cứu mở rộng quy trình sản xuất chế phẩm chứa hoạt chất SFN và 13C để có thể ứng dụng vào sản xuất ở quy mô công nghiệp.