Ôtô điện được xem là một phương tiện vận tải bền vững, có thể cứu thế giới khỏi các thảm họa biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, chứ không hẳn chỉ là một sản phẩm để kiếm tiền.

Sứ mệnh cứu Trái đất

Elon Musk - Giám đốc điều hành của Tesla, người đi tiên phong thực thi sứ mệnh cứu Trái đất của ôtô điện - cho biết, xe Model 3 vừa ra mắt dự kiến sẽ thúc đẩy Tesla tăng số xe tiêu thụ trên toàn cầu từ 50.000 chiếc vào năm ngoái lên 500.000 chiếc vào cuối thập kỷ này. Tỷ phú người Mỹ cho rằng phổ biến đại trà ôtô điện là một trong những bước cần làm để cứu hành tinh, trong đó sự sống - chết của nhân loại được coi trọng hơn chuyện tiêu thụ sản phẩm.


1
Hệ thống sạc điện cho ôtô bằng năng lượng mặt trời của Công ty Envision Solar ở California, Mỹ. Ảnh: Techrepublic.com

“Tại sao Tesla tồn tại? Tại sao chúng tôi sản xuất ôtô điện? Tại sao đó lại là vấn đề cần quan tâm? Bởi vì ôtô điện vô cùng quan trọng trong việc chuyển dịch sang phương tiện vận tải bền vững. Điều đó thực sự rất quan trọng cho tương lai của thế giới” - tỷ phú Elon Musk phát biểu khi giới thiệu mẫu xe Model 3.


Theo Hiệp hội các Nhà khoa học UCS của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ở Mỹ các phương tiện vận tải đã sản sinh ra gần 30% tổng lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính - trong đó ôtô con và ôtô tải chạy bằng xăng và dầu diesel chiếm 1/5 lượng khí thải dạng này. Đây là điểm mà ôtô điện có thể khắc phục.


“Để tạo ra sự khác biệt, chúng ta cần dịch chuyển sang phương tiện vận tải bền vững” - Giám đốc điều hành hãng Tesla nhận định khi đề cập tới các phương tiện vận tải chạy xăng/dầu đang trở thành nguyên nhân đáng lưu tâm của tình trạng nóng lên toàn cầu.


Ngay từ thông điệp liên bang năm 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi nước này đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển ôtô điện nhằm đạt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung các nhiên liệu hóa thạch như xăng, diesel và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.


Lúc đó, ông Obama còn đặt ra mục tiêu tham vọng là đến năm 2015, Mỹ cần có 1 triệu ôtô điện chạy trên đường phố.


Mới đây nhất - trong chuyến thăm Detroit vào ngày 20/1/2016, ông Obama tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng của xe ôtô điện đối với sứ mệnh cứu hành tinh.


“Chúng ta nên nghĩ về tương lai chứ không chỉ quá khứ. Chúng ta không chỉ tạo ra những chiếc ôtô mọi người cần hôm nay mà cả những gì họ muốn ngày mai. Tôi nhận thấy xe lai và xe điện cũng như các ôtô tiết kiệm nhiên liệu có thể bảo vệ hành tinh của chúng ta, tiết kiệm túi tiền cho mọi người” - người đứng đầu chính phủ Mỹ nói.


Ôtô điện giúp giảm 70% số ca ung thư phổi


Không chỉ góp phần quan trọng vào chống biến đổi khí hậu, cứu Trái đất khỏi những nguy cơ, thảm họa do sự nóng lên, ôtô điện còn đem lại những lợi ích sức khỏe cho con người, nhất là khi ảnh hưởng của khí thải độc hại từ các phương tiện vận tải đang ở mức báo động.


Nghiên cứu của Phòng thí nghiệm hàng không và môi trường của Viện Công nghệ Massachusetts công bố vào tháng 8/2013 tiết lộ, chỉ riêng ở Mỹ mỗi năm có 200.000 người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 53.000 người chết do khí thải từ các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ xả ra.


Trên quy mô toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có 3,2 triệu người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 2,1 triệu ca tử vong ở châu Á - nơi thị trường ôtô bùng nổ mạnh trong hơn thập kỷ qua.


“Ngoài việc khiến Trái đất ấm lên, có một thực tế là các xe hơi chạy động cơ đốt trong còn xả ra khí độc, có hại cho sức khỏe của bạn” - Elon Musk nói.


Nhiều chuyên gia tin rằng, việc gia tăng số lượng xe ôtô điện trên quy mô toàn cầu có thể sẽ giảm thiểu các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, cứu được mạng sống của hàng triệu người. Một nghiên cứu mới của Hiệp hội Phổi của Mỹ cho biết, nếu 3/4 số xe ôtô ở California (Mỹ) chuyển sang loại xe điện vào năm 2025 thì có thể giảm được 70% số ca mắc bệnh ung thư phổi của người dân bang này.


Hiện nay vẫn có các ý kiến tranh luận trái chiều về sứ mệnh cứu hành tinh và nhân loại của ôtô điện. Nhiều người cho rằng, ôtô điện tuy giảm lượng khí thải độc hại nhưng lại làm tăng lượng tiêu thụ điện - nguồn năng lượng vốn đang phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.

Như thế, khí thải độc hại trên toàn cầu vẫn sẽ gia tăng.


“Giống với các xe điện khác, Tesla Model 3 không có khí thải ô nhiễm không khí và CO2, nhưng đó chỉ đúng với chính bản thân ôtô, còn nguồn điện cung cấp cho nó lại thường được sản xuất từ than đá - có nghĩa ôtô sạch lại gián tiếp làm tăng ô nhiễm không khí” - nhà nghiên cứu về môi trường Bjorn Lomborg - tại Trung tâm Đồng thuận Copenhagen - cho biết.


Tất nhiên, khi Tesla cũng như các hãng xe điện khác hướng tới sử dụng nhiều hơn nguồn năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân thì việc góp phần quan trọng vào việc cứu sống hàng triệu người và Trái đất khỏi biến đổi khí hậu cũng như ô nhiễm không khí sẽ không phải là chuyện viển vông với ôtô điện.