Qua nghiên cứu khoáng chất brucite - một thành phần của vỏ Trái đất, các nhà khoa học tại Đại học bang Florida, Mỹ kết luận, nó có thể giữ nước ở áp suất cao và độ sâu 595km.

Mainak Mookherjee - thành viên nhóm nghiên cứu - nói: “Trước đây, chúng ta không biết nước có thể được lưu trữ bởi các khoáng chất ngậm nước như brucite ở độ sâu này”.

Trái đất sẽ chết nếu hết nước ngầm. Ảnh: INT

Mỗi năm, mạch nước ngầm nhận hàng tỷ tấn nước qua sự hút chìm. Các khoáng chất vận chuyển nước thường không đủ ổn định để giữ nước sâu dưới lòng đất. Khi chúng phân hủy, nước được giải thoát, trở lại bề mặt Trái đất qua núi lửa. Câu hỏi đặt ra là, khi nào chúng bắt đầu giải phóng nước? Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng nước được giải phóng ở độ sâu 300km dựa trên ước tính về nhiệt, áp suất.

Brucite có thể chứa nước dưới áp lực lớn, nhưng chúng ta vẫn không biết lượng nước thực sự khiến brucite chìm xuống độ sâu đó. Tìm hiểu điều này là bước tiếp theo của nghiên cứu. Ngoài brucite, các khoáng chất ngậm nước khác như mica, lawsonit, serpentine cũng có thể tham gia quá trình này.

Các nghiên cứu trước đây - khi quan sát vùng chuyển tiếp giữa lớp manti trên và dưới của Trái đất - cũng kết luận rằng, nước có thể được tìm thấy ở độ sâu 660km. Việc một lượng lớn nước được lưu giữ ở đó có thể giải thích tại sao rất nhiều bề mặt Trái đất được tạo thành từ nước, thay thế các giả thuyết hiện tại rằng nước đã có sẵn ở đó.

“Đối với hoạt động của hành tinh, nước ở sâu trong lòng Trái đất cũng quan trọng không kém nước trên bề mặt. Mục tiêu của tôi là biết được lượng nước sâu trong lòng đất. Nếu Trái đất trở nên khô ráo bên trong, nó có thể chết do các hoạt động địa động lực bên trong ngừng lại” - Mookherjee nói.