Sản phẩm startup mới nhất của người Việt ghi ấn tượng tại thung lũng Sillicon là GotIt! đang thu hút nhiều triệu USD tiền đầu tư. Trước đó, một số sản phẩm startup mang tầm quốc tế do người Việt hoặc gốc Việt tạo ra đã được mua lại với số tiền lên đến hàng tỷ USD.

Adatao

Ông chủ Adatao - doanh nhân Việt kiều Christopher Nguyễn. Ảnh: NDH

Công ty phần mềm Adatao của doanh nhân Việt kiều Christopher Nguyễn - người từng làm giám đốc kỹ thuật cho Google Apps - ra đời nhằm cung cấp giải pháp về Big Data (dữ liệu lớn) cho mọi khách hàng có nhu cầu - từ các kỹ sư phần mềm cho đến người dùng phổ thông. Với nhóm thứ nhất, Adatao cung cấp hệ thống pAnalytics giúp tương tác, chỉnh sửa và xây dựng các ứng dụng dữ liệu.

Với nhóm thứ hai, giải pháp pInsights được thiết kế giúp doanh nghiệp truy cập dữ liệu dễ dàng. Việc trích xuất ra file có định dạng text và đồ thị biểu diễn trực quan cũng giúp khách hàng nhanh chóng có được dữ liệu như đang tra cứu Google. Hiện công ty phần mềm có trụ sở tại Mountain View, California (Mỹ) này đã huy động được hơn 13 triệu USD từ các nhà đầu tư.

KaNtago

Nhà sáng lập của Kantago Vũ Duy Thức. Ảnh: Nhịp cầu đầu tư

Kantago là công ty phần mềm mạng xã hội do Vũ Duy Thức cùng 3 cộng sự sáng lập, nhằm đơn giản hóa những vấn đề của cuộc sống công nghệ.

Một trong những sản phẩm đầu tiên của nhóm là sắp xếp, phân nhóm bạn bè qua email, Facebook và SMS được ứng dụng trên điện thoại iPhone của Apple. Năm 2011, Google đã mua lại Kantago nhằm nâng cao chất lượng của mạng xã hội Google+. Mức giá chuyển nhượng không được tiết lộ, nhưng giới công nghệ đánh giá đây là thương vụ trị giá nhiều triệu USD. Hiện Vũ Duy Thức đang điều hành một công ty phát triển phần cứng cho robot tại Mỹ.

Emotive Systems

Bà Lê Thị Thái Tần, đồng sáng lập Emotive Systems.

Bộ mũ điều khiển Emotive EPOC của hai nhà sáng lập Lê Thị Thái Tần (Tan Le) và Đỗ Hoài Nam là thiết bị có thể đọc được suy nghĩ, cảm xúc và biểu cảm của con người qua việc thu tín hiệu từ vỏ não. Sản phẩm có cấu tạo gồm 3 phần với bộ cảm biến và chức năng khác nhau: Expressiv (nhận dạng các biểu lộ cảm xúc), Affectiv (phát hiện, thu nhận các trạng thái cảm xúc) và Cognitiv (cho phép con người dùng ý nghĩ để điều khiển thiết bị ảo).

Năm 2010, sau khi tung sản phẩm EPOC ra thị trường, Emotive Systems đã có hơn 20.000 khách hàng là các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh thu năm đầu tiên của họ đạt 10 triệu USD và gần như 100% trung tâm nghiên cứu về não bộ trên thế giới đều sử dụng EPOC. Sản phẩm của Emotive Systems được các nhà sản xuất “bom tấn” Hollywood Avatar sử dụng để đo cảm xúc người xem trước khi công chiếu.

On Display

Người sáng lập On Display Dung Tấn Trung. Ảnh: Forbes Việt Nam

Dung Tấn Trung thành lập Công ty On Display từ năm 1995 với mong muốn tạo ra các phần mềm tổng hợp thông tin từ các trang web khác, sắp xếp lại theo thứ tự tiện dụng nhất cho người sử dụng. Ứng dụng phổ biến nhất của On Display là giúp các website xây dựng chức năng so sánh (giá cả, ngày giao hàng, hàng có sẵn…) giữa nhiều nhà cung cấp để người tiêu dùng lựa chọn.

Khi Internet bùng nổ vào cuối những năm 90, On Display đã phát triển mạnh mẽ và lọt vào top 10 công ty đạt kỷ lục IPO tại thị trường Mỹ năm 1999. On Display trở thành đối tác chiến lược của các đại gia như IBM và Microsoft. Chỉ 5 tháng sau khi niêm yết, On Display đã được bán cho Vignette với số tiền 1,8 tỷ USD. Sau đó, ông Trung về nước và lập ra thương hiệu ví điện tử Mobivi.

Onebox

Doanh nhân Bill Nguyễn. Ảnh: The Verge

Doanh nhân gốc Việt tại Mỹ Bill Nguyễn là người nổi tiếng chuyên thành lập các công ty rồi tiến hành chuyển nhượng với số tiền lớn. Trong số này, Onebox.com được xem là thương vụ đắt đỏ nhất với giá trị chuyển nhượng lên tới 850 triệu USD vào năm 1999. Trang web này được tạo ra một cách tình cờ - bắt nguồn từ ý tưởng gửi fax qua Internet và nhanh chóng được các doanh nghiệp, tổ chức đón nhận nhiệt tình vì có thể gửi fax ảo một cách dễ dàng.

Ngoài sản phẩm Onebox, Bill Nguyễn còn chuyển nhượng được nhiều sản phẩm khác có giá trị lớn như bán trang kết nối những người yêu âm nhạc mang tên Lala.com cho Apple với giá 80 triệu USD. Hiện doanh nhân gốc Việt này đang phát triển công ty phần mềm Seven Networks - chuyên cung cấp các dịch vụ ứng dụng và nội dung cho nhiều nhà mạng hàng đầu thế giới.

GotIt!

Người sáng lập GotIt! Trần Việt Hùng. Ảnh: Zing

GotIt! là nền tảng chia sẻ tri thức trực tuyến của Trần Việt Hùng với tham vọng “ôm” người dùng từ 13 tuổi đến hết đời. Hiện ứng dụng này chủ yếu giúp học sinh, sinh viên ở lứa tuổi 13-21 giải đáp bài tập các môn như toán, lý, hóa, sinh, bằng cách người dùng đăng tải câu hỏi và hệ thống sẽ kết nối với các chuyên gia phù hợp để trả lời. GotIt! cam kết người dùng có câu trả lời từ chuyên gia trong vòng 10 phút.

Đầu năm 2016, GotIt! đã gọi được hơn 9 triệu USD đầu tư ở vòng series A tại Mỹ và quý I/2017 sẽ bước vào Series B với khoản đầu tư được ước đoán sẽ lớn hơn nhiều. Hiện ứng dụng này đang có khoảng 100.000 chuyên gia trên thế giới tham gia vào mạng lưới,cùng nhân sự cố định hơn 20 người làm việc tại Mỹ và 22 người ở Việt Nam. GotIt! hiện chỉ có phiên bản tiếng Anh và thường xuyên đứng thứ hai trên AppStore Mỹ trong lĩnh vực giáo dục.

>> Chào xuân Đinh Dậu 2017: Khát vọng cất cánh