Bạn có thể hình dung mình mặc quần áo làm bằng sữa hết hạn sử dụng, càphê hoặc vi khuẩn lên men trà...? Với tốc độ phát triển ghê gớm của khoa học và công nghệ, nhiều điều “không tưởng” đã thành sự thật trong ngành dệt - may và thời trang.

Quần áo làm từ càphê và sữa

Nếu bạn nghĩ quần áo chỉ có thể được làm từ sợi vải thì bạn hoàn toàn nhầm. Ý tưởng sử dụng vật liệu phi truyền thống đang được nhiều công ty thời trang áp dụng.

Chẳng hạn, công ty chuyên sản xuất đồ thể thao công nghệ cao Virus (Mỹ) đã sử dụng hạt càphê tái chế tạo ra dòng sản phẩm Stay Warm (giữ ấm). Theo họ, loại vải mang tên than càphê này có khả năng cách điện và khi được mặc lên người, nhiệt độ của nó có thể tăng tới 500C. Tính chất hút ẩm và nhanh khô của nó sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu trong những ngày lạnh.

Tuy nhiều ưu điểm nhưng dòng sản phẩm Stay Warm lại “mong manh” trước gió, nên chỉ có thể mặc nó như một lớp lót giữ ấm bên trong.

Sữa hết hạn dùng cũng có thể biến được thành quần áo. Ảnh: Bkaccelarator
Sữa hết hạn dùng cũng có thể biến được thành quần áo. Ảnh: Bkaccelarator

Sinh viên khoa vi sinh người Đức Anke Domaske đã dùng sữa hết hạn sử dụng (có khoảng 1,9 triệu tấn/năm ở Đức) tạo ra “sợi vải sữa thân thiện” có tên Qmilk. Domaske tách lấy casein từ loại sữa này rồi đưa nó vào sợi vải. 1kg sợi Qmilk được tạo thành từ khoảng 2 lít sữa trong vòng 5 phút. Nó có khả năng phân huỷ và chứa chất kháng khuẩn tự nhiên, rất hợp với những người bị dị ứng vải sợi.

Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình khoác lên người một chiếc áo làm từ trà bất tử kombucha? Nhà thiết kế Suzanne Lee (Mỹ) và cộng sự đã thành công trong việc tạo ra vải từ loại trà này. Tương tự như cách thức tạo ra trà kombucha, bà Lee cho vi khuẩn vào trà có đường để lên men. Vi khuẩn sẽ ăn đường và quấn các cellulose thành một lưới dạng nano dày đặc, có khả năng chịu được trọng lượng gấp hàng chục lần so với sợi vải thường. Sau khi để khô, thành quả bà Lee thu được là một bề mặt cứng, khá giống chất liệu da. Vật liệu mới này có khả năng hấp thụ chất nhuộm màu làm từ thực vật tốt hơn vải sợi.

Việc sử dụng vật liệu tái chế là sợi tổng hợp làm từ túi nhựa hay vỏ lon bia cũng là một xu hướng được khuyến khích. Theo đó, vỏ lon bia hay túi nhựa được biến thành các hạt mịn, làm cho tan chảy và rút ra thành sợi tổng hợp.

Quy trình nhuộm tiết kiệm 95% lượng nước

Công đoạn nhuộm trong ngành dệt truyền thống vừa làm ô nhiễm môi trường (do sử dụng các loại hoá chất rồi thải ra môi trường), vừa tiêu tốn rất nhiều nước. Tuy nhiên, với cách thức nhuộm màu độc đáo có tên AirDye của Công ty Colorep (Mỹ), hai bài toán nan giải trên đã có lời đáp. Tuỳ thuộc vào từng loại sợi vải, kiểu nhuộm, công nghệ AirDye sử dụng lượng nước ít hơn so với thông thường khoảng 95%, tiêu tốn lượng năng lượng ít hơn khoảng 86% và đặc biệt không thải ra các chất độc hại.

Cách thức hoạt động của công nghệ này khá đơn giản: Các loại màu nhuộm sẽ được đặt lên một tấm giấy, AirDye sử dụng hơi nóng để chuyển trực tiếp màu nhuộm trên giấy sang bề mặt sợi vải. Tuy nhiên, AirDye chỉ sử dụng cho vải sợi tổng hợp chứ không thể dùng cho vải sợi tự nhiên.

Ngoài AirDye, công nghệ in kỹ thuật số cho phép in trực tiếp lên sợi vải cũng giúp giảm lượng nước và năng lượng sử dụng trong quá trình in hoạ tiết lên mặt vải.

Giặt quần jeans bằng… tủ lạnh

Ý tưởng nghe có vẻ điên rồ này đã được Công ty Tristar - có trụ sở tại Rio de Janeiro (Brazil) - biến thành sự thật. Sản phẩm quần jeans của công ty hoàn toàn được làm bằng sợi cotton hữu cơ thân thiện với môi trường. Cây bông lấy sợi được trồng mà không hề dùng nước hay thuốc trừ sâu. Khi quần bẩn, bạn có thể làm sạch chúng bằng cách ném chúng vào tủ lạnh trong vòng 24 giờ để giết sạch vi khuẩn. Cách này còn giúp làm mềm sợ vải và quần dễ lên dáng hơn. Với những vết bẩn cứng đầu, bạn vẫn có thể giặt theo cách thông thường.

May đo trực tuyến

Hình thức mua bán trực tuyến nở rộ khi mọi người nô nức mua sắm trên mạng - đặc biệt là mặt hàng thời trang. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu lớn nhất của nó là người dùng không thấy thoải mái khi nhận được đồ mình chọn mua trên mạng do chất lượng kém, do không vừa.

Hiện nay, các công cụ mua hàng trực tuyến thông minh tiếp tục được phát triển. Chúng được kỳ vọng là giúp giảm tỷ lệ trả lại hàng, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình vận chuyển.

Một trong những công cụ mua sắm trực tuyến thành công là Fits.me của hãng bán lẻ Hawes&Curtis. Fits.me thực chất là phòng thử đồ ảo với một robot manơcanh có khả năng thay đổi hình dáng cơ thể. Những thanh tùy chỉnh cho phép bạn chọn kiểu dáng, số đo, màu sắc… của bản thân và manơcanh sẽ tùy biến bản thân theo lựa chọn đó. Bạn sẽ thấy được mình qua hình ảnh manơcanh khi mặc đồ. Công cụ mua sắm nay đã giúp nhà bán lẻ Đức Quelle giảm được 28% số lượng hàng trả lại.

Thật khó hình dung bức tranh toàn cảnh của ngành thời trang trong tương lai khi mà những tiến bộ khoa học, công nghệ cũng như các ý tưởng mới đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong ngành này.