Nhận diện khuôn mặt, camera giám sát hay theo dõi ứng dụng di động là một số công nghệ mà chính phủ Trung Quốc đang áp dụng để kiểm soát công dân của họ.

Kính nhận diện khuôn mặt được trang bị cho cảnh sát Trung Quốc (Nguồn: SCMP)

Với dân số hơn 1,3 tỷ người, Trung Quốc đang chứng kiến cuộc cách mạng cho công nghệ giám sát công cộng mà chính phủ nước này triển khai nhằm kiểm soát các công dân của mình,đặc biệt trong các hoạt động phạm pháp hay gây hại cho xã hội. Dưới đây là 10 phương thức công nghệ được áp dụng tại quốc gia đông dân nhất thế giới này:

1. Chim robot

Tại ít nhất 5 tỉnh của Trung Quốc, các cơ quan chức trách đang sử dụng các thiết bị bay không người lái có hình dáng giống những con bồ câu bình thường để theo dõi nhiều hoạt động. Những chú chim robot này có thể mô phỏng giống tới 90% cử động của một động vật thật, với động tác sải cánh như thật khi đang di chuyển trên bầu trời. Hoạt động của robot khá sống động và lặng lẽ, kể cả khi chúng bay gần chim thật. Gắn trên robot là camera, GPS, hệ thống điều khiển chuyển động và anten dẫn sóng qua vệ tinh.

2. Hệ thống video giám sát

Camera được lắp đặt trong lớp học để theo dõi biểu hiện của học sinh (Nguồn: SCMP)

Hệ thống video giám sát được triển khai ở hầu hết các quốc gia nhưng Trung Quốc đã triển khai ở mức độ khủng khiếp. Tờ New York Times mới đây tiết lộ thông tin Trung Quốc có hơn 200 triệu camera giám sát, được lắp đặt ở nơi công cộng hay thậm chí các địa điểm riêng tư. Tháng 5/2018, một trường cấp 2 miền Đông Trung Quốc đã lắp camera trong các phòng học nhằm phân tích biểu hiện của học sinh và phát hiện sự thiếu tập trung vào nội dung bài giảng.

3. Công nghệ nhận diện khuôn mặt

Trung Quốc đang xây dựng hệ thống nhận diện cho hơn 1,3 tỷ khuôn mặt trong dữ liệu công dân quốc gia, với mục tiêu thời gian dưới 1 giây và độ chính xác lên đến 90%. Hệ thống này được tuyên bố chỉ sử dụng cho mục đích an toàn an ninh quốc gia, như truy tìm tội phạm hay kiểm soát công cộng. Tuy vậy, nhiều chuyên gia AI bày tỏ quan ngại về vấn đề riêng tư của hệ thống này.

Nhân viên và sinh viên sử dụng công nghệ nhân diện để ra vào cổng trường Đại học Bắc Kinh (nguồn: SCMP)

Có thể thấy công nghệ này đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống thường ngày. Một cửa hàng KFC ở Hàng Châu đã sử dụng hệ thống "Smile to Pay" cho thanh toán; các trường đại học nhận diện gương mặt của giảng viên và sinh viên; hay nhà vệ sinh công cộng ở thủ đô Bắc Kinh sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để giới hạn số lượng giấy vệ sinh phân phối cho từng người dùng.

4. Kiểm soát xuất nhập cảnh

Nhận diện khuôn mặt đã được đưa vào triển khai tại hai điểm kiểm soát cửa khẩu giữa Hong Kong và Thâm Quyến nhắm đến những đối tượng lợi dụng chính sách thị thực nhập cảnh nhiều lần để buôn lậu hàng hóa miễn thuế từ Hong Kong vàđem bán lại trong thị trường đại lục. Hệ thống này so sánh diện mạo của cá nhân tại cửa khẩu với cơ sở dữ liệu gương mặt và thông tin di chuyển, sau đó cảnh báo hải quan cửa khẩu về những đối tượng khả nghi.

Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Trung Quốc (Nguồn: SCMP)

Thêm vào đó, sân bay có kinh phí tới 12 tỷ USD được thiết kế bởi Zaha Hadid dự kiến khánh thành trong năm 2019 tại Bắc Kinh với một tổ hợp công nghệ an ninh và xuất nhập cảnh. Đặc biệt, hành lý cũng được theo dõi cùng hành khách để đảm bảo việc đánh giá nguy cơ mất an toàn và theo dõi hành lý.

5. Công bố người vi phạm

Trong khi Bắc Kinh và Thượng Hải đã sử dụng AI và nhận diện khuôn mặt trong điều tiết giao thông và phát hiện người vi phạm luật giao thông, thành phố Thẩm Quyến đã ứng dụng AI vào hoạt động công khai hình ảnh của người vi phạm trên các màn hình LED cỡ lớn tại nhiều giao lộ chính từ tháng 4/2017. Một năm sau, cảnh sát giao thông ở thành phố này bắt đầu cung cấp thông tin gồm ảnh, tên đầy đủ và một phần số chứng minh thư của người vi phạm trên mạng Internet.

Một vài ví dụ về công nghệ được triển khai như bắt nghi phạm tại các buổi biểu diễn công cộng với số lượng lớn người tham dự, lên tới 50,000 người. Kính nhận diện khuôn mặt cũng được cung cấp cho các cảnh sát tuần tra trên ga tàu công cộng, với kết quả 7 nghi phạm bị bắt, 26 vụ giả mạo giấy tờ tùy thân bị phát hiện.

6. Nền tảng nhắn tin

Ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat (Nguồn: SCMP)

Ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất tại Trung Quốc, WeChat, có tỷ lệ sử dụng trên thiết bị di động lên tới 83%, ở các thành phố lớn thậm chí còn đạt mức 92%. Tuy nhiên, không giống như Whatsapp hay Telegram, Wechat không triển khai mã hóa đầu cuối, đồng nghĩa với việc bên thứ ba - hacker, cơ quan chức trách và nhà cung cấp dịch vụ - đều có khả năng tiếp cận dữ liệu của người dùng.

Tháng 4/2018, cơ quan phòng chống tham nhũng Trung Quốc tuyên bố đã khôi phục các tin nhắn bị xóa trên ứng dụng nhắn tin của một bị cáo, dẫn đến việc thẩm vấn nhiều đối tượng có liên quan. Chủ sở hữu WeChat, Tencent Holdings, sau đó đã phủ nhận việc lưu trữ lịch sử trò chuyện, nhưng vẫn không làm giảm quan ngại của người dùng về tính bảo mật cho dữ liệu cá nhân.

7. Theo dõi dữ liệu công nhân

(Nguồn: SCMP)

Bộ đồng phục công nhân tại một nhà máy ở Hàng Châu bề ngoài trông bình thường như mọi nơi khác. Thực tế là có các cảm biến không dây được đặt trong mũ bảo hộ để theo dõi sóng điện từ não của công nhân. Mọi biến động tâm lý, từ tức giận, buồn rầu hoặc lo lắng, đều được ghi nhận và nghiên cứu bởi thuận toán AI trên diện rộng. Mục tiêu là nâng cao năng suất lao động, thông qua điều chỉnh thời gian và tần suất nghỉ giải lao nhằm giảm áp lực công việc.

8. Hệ thống tín nhiệm xã hội

Hệ thống tín nhiệm xã hội Trung Quốc đã khiến nhiều người không được sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện (Nguồn: SCMP)

Hệ thống tín nhiệm xã hội được chính phủ Trung Quốc thiết kế trên cơ sở dữ liệu đánh giá tự động xếp loại từng công dân, tổ chức, doanh nghiệp. Đánh giá này dựa trên xếp loại của chính phủ và đồng nghiệp về đối tượng đó có tín nhiệm cao hay không. Có hiệu lực từ năm 2014, hệ thống này giờ ảnh hưởng tới mọi thứ từ khoản vay ngân hàng hay ưu tiên xếp ghế trên máy bay. Dự kiến 2020 sẽ chứng kiến hệ thống hoạt động đầy đủ nhất.

9. Ứng dụng di động

Một quy định có hiệu lực từ tháng 6/2016 tại Trung Quốc yêu cầu các nhà phát triển phần mềm và ứng dụng phải xác thực nhân dạng người dùng dịch vụ cũng như lưu trữ dữ liệu hoạt động trong 60 ngày. Thông tin cá nhân của người dùng khi bắt đầu cài đặt và sử dụng dịch vụ được lưu lại và xử lý cho mục đích gì cũng khiến nhiều người lo lắng.

10. Người tố giác

Website tố giác tội phạm của Trung Quốc (Nguồn: SCMP)

Một website được nhà chức tránh Trung Quốc lập nên để công dân có thể tố cáo các hành vi trái pháp luật, có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đổi lại người tố giác có thể nhận được các khoản tiền thưởng.