Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Kính - Trưởng Hội đồng giám khảo lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, giải thưởng Vifotec, để cấy lúa hàng biên được công nhận là kỹ thuật quốc gia thì việc đoạt giải Vifotec là không đủ mà cần một đề tài cấp nhà nước.

GS-TS Nguyễn Ngọc Kính
GS-TS Nguyễn Ngọc Kính -người từng “mất ăn mất ngủ” với công trình của KS Tiệp.

GS-TS Nguyễn Ngọc Kính là người từng “mất ăn mất ngủ” với công trình của KS Tiệp. Khi tác giả công bố nghiên cứu của mình và tham gia giải Vifotec năm 2014, nhiều người chưa tin giải pháp cấy lúa của ông. Vì vậy, Hội đồng giám khảo lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống đã không thống nhất được ý kiến.

Từng nhiều năm công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Kính nhìn ra tính mới trong phương pháp cấy lúa hàng biên. Nhưng nếu chỉ đơn thuần chứng minh bằng hệ số thực nghiệm thì không phải ai cũng tin ngay, trong khi công thức tính toán mà tác giả đưa ra chỉ dựa trên thực nghiệm.

GS Kính đã báo cáo vấn đề này lên hội đồng giải thưởng. GS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KT Việt Nam - đã quyết định công nhận và bỏ phiếu đồng ý trao giải cho công trình của ông Tiệp với quan điểm: Ngay cả với công thức tính diện tích hình tròn thì hệ số Pi cũng là hệ số thực nghiệm và được chứng minh.

Tuy nhiên, vì tôn trọng hội đồng lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, GS Kính yêu cầu tác giả làm thêm một năm để khẳng định sự chắc chắn của giải pháp. Ông và nhiều nhà khoa học như GS-TS Trần Duy Quý, TS Nguyễn Văn Biếu… đã tư vấn cách thức để KS Tiệp làm thêm các thí nghiệm quy mô rộng hơn.

Theo GS Kính, phương pháp cấy lúa hàng biên đã được khẳng định cho năng suất cao, giảm sâu bệnh, chi phí đầu vào thấp: “Khi giống lúa được công nhận, chỉ cần mô tả đặc điểm sinh học của giống, chiều cao bao nhiêu, tốc độ đẻ nhánh ra sao…, KS Tiệp sẽ tính được công thức và đưa ra yêu cầu chiều rộng bao nhiêu, hàng sông, hàng con bao nhiêu. Thực tế nhiều tỉnh, thành đã có các hộ nông dân làm theo và khẳng định rõ ràng năng suất tăng 15-20% tùy giống”.

Tuy nhiên theo ông Kính, để cấy lúa hàng biên được công nhận là kỹ thuật quốc gia thì việc đoạt giải Vifotec là không đủ mà cần một đề tài cấp nhà nước. Theo đó, chỉ cần đầu tư hơn 1 tỷ đồng thì có thể triển khai thí nghiệm trên diện rộng. “Nếu phương pháp này được chứng minh trên diện rộng là cho năng suất vượt trội so với thông thường và kết quả được nghiệm thu cấp nhà nước thì không có lý do gì không nhân rộng. Từ kết quả này, tác giả trình diễn quy mô lớn hàng trăm hécta trên nhiều giống khác nhau, sau đó lập hội đồng thẩm định, xây dựng mô hình để người dân đến học tập.

GS Nguyễn Ngọc Kính và các nhà khoa học từng tiếp cận với công nghệ cấy lúa hàng biên khẳng định kỹ thuật này cho năng suất vượt trội.