Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo, trong khi phía quân đội Mỹ “án binh bất động” làm giới phân tích hoài nghi về năng lực hệ thống phòng thủ tên lửa nước này.

Triều Tiên được cho là đã tiến hành 15 cuộc thử nghiệm tên lửa trong năm nay mà chưa hề vấp phải nỗ lực bắn hạ tên lửa nào từ phía quân đội Mỹ. Một số chuyên gia lý giải vì quân đội Mỹ không có khả năng làm được điều đấy.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ thử nghiệm. Ảnh: The Atlantic
Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ thử nghiệm. Ảnh: The Atlantic

Gần đây nhất, khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung KN-17 vượt qua đảo Hokkaido của Nhật Bản đã cho thấy các thiết bị đánh chặn của Mỹ hay Nhật Bản đều không vươn tới được. Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao của Mỹ cũng không thể với tới tên lửa ở trên cao khi mà không có sự chuẩn bị trước.

“Phòng thủ tên lửa Mỹ dùng để đối kháng Triều Tiên đã không có tư thế chuẩn bị để bắn hạ các cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên. Vì khi bị bắn rụng, các tên lửa của Triều Tiên sẽ rơi vào các khu vực phòng thủ của những hệ thống này, như vùng đất liền của Nhật Bản và Mỹ, đó sẽ là một thách thức đủ khó” - Kingston Reif - Giám đốc Trung tâm Chính sách giảm thiểu đe dọa và giải vũ khí của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí - cho biết trên tờ Fox News.


Theo Reif, các tên lửa bị đánh chặn chỉ diễn ra trong tích tắc với thời gian tính bằng phút sau khi nó được phóng ra. Thomas Karoko - Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - cũng cho biết, việc bắn rơi một tên lửa cần có quá trình phát hiện tên lửa trước và quá trình này chỉ tính bằng giây. Trong khi Triều Tiên đang phát triển các tên lửa có khả năng tránh được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh.

“Chỉ có một hệ thống được thiết kế để bảo vệ đất liền của Mỹ là Hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất (GBM) nhưng đã gặp phải rất nhiều vấn đề về kỹ thuật và công nghệ. Việc thử nghiệm trong những điều kiện nhất định đã không chứng tỏ được nó có khả năng đem lại sự phòng thủ đáng tin cậy ngay cả với một lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) không thông minh” - chuyên gia Reif phân tích.

Hiện quân đội Mỹ đang tiến hành các dự án tăng khả năng cho kho vũ khí của mình. Hệ thống chống tên lửa đạn đạo THAAD cũng đã được triển khai để bảo vệ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Các tàu khu trục Aegis được thiết kế có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo cũng được đưa tới Hàn Quốc để kết hợp với hệ thống tên lửa Patriot. Lầu Năm Góc cho biết THAAD đạt được 15/15 lần thử nghiệm có thể hủy diệt các tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn.

Tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ. Ảnh: Scout.com
Tàu khu trục Aegis của Hải quân Mỹ. Ảnh: Scout.com

Thế nhưng Reif hoài nghi con số hoàn hảo này của hệ thống THAAD. “Chỉ một trong những cuộc thử nghiệm của THAAD là có thể chống lại loại mục tiêu tên lửa đạn đạo tầm trung như HS-12 của Triều Tiên” - Reif nói.

Mặc dù còn nhiều tranh luận, nhưng mới hôm 18/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết, Mỹ vẫn sẽ tính tới phương án bắn hạ tên lửa của Triều Tiên khi không gây ra các mối đe dọa trực tiếp. Phía Mỹ nhận định, sau các cuộc thử nghiệm thành công gần đây rất có thể sắp tới Triều Tiên sẽ trở lại thử nghiệm tiếp tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-20.