Smartphone và smartwatch có thể phát hiện âm thanh, ánh sáng, chuyển động, sự đụng chạm, hướng và thậm chí cả dự báo thời tiết. Tuy nhiên, đến nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra cách để chúng phát hiện mùi. Đó là thử thách mà các hãng cố chinh phục hơn 10 năm qua.

Thách thức và tiềm năng

Redg Snodgrass - một nhà đầu tư mạo hiểm ở Anh chuyên cấp vốn cho các startup về phần cứng - nhận định, một “mũi điện tử” nhạy và cơ động sẽ mở ra chân trời mới trong nhiều lĩnh vực như y tế, thực phẩm, vệ sinh cá nhân và cả an ninh.

Thiết bị ngửi điện tử NeOse Tristan Roussele - G được Công ty Aryballe Technologies giới thiệu hồi tháng 4. Ảnh: Reuters
Thiết bị ngửi điện tử NeOse Tristan Roussele - G được Công ty Aryballe Technologies giới thiệu hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

“Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta có thể phân tích thực phẩm mà một người vừa ăn hoặc uống dựa trên những hóa chất toát ra từ cơ thể họ, hoặc phát hiện bệnh sớm thông qua một ứng dụng, thậm chí xác định mùi của sự sợ hãi trong cơ thể một phần tử khủng bố”, Snodgrass phát biểu. Ông cho biết, vô số dự án đã phải ngừng và nhiều công ty đã thất bại trong nỗ lực chế tạo mũi điện tử, song thực tế ấy không thể ngăn cản những cá nhân, doanh nghiệp khác thử vận may.

Tristan Rousselle - người sáng lập Công ty Aryballe Technologies, Pháp - mới công bố phiên bản thử nghiệm của NeOse, một thiết bị cầm tay phát hiện được 50 mùi phổ biến. “Đây là một dự án mạo hiểm”, Tristan thừa nhận.

Mũi điện tử - thất bại của nhiều công ty

Nhà hóa học David Edwards - Đại học Harvard, Mỹ - giải thích, khác với ánh sáng và âm thanh, mùi không phải là sóng mà là vật chất có khối lượng: “Nó là một dạng tín hiệu rất khác biệt”. Vì thế, mỗi mùi cần một loại cảm biến riêng, khiến các thiết bị phải có kích thước lớn nhưng khả năng lại hạn chế. Chẳng hạn, mùi cà phê gồm 600 thành phần.

Alpha MOS (Pháp) là công ty đầu tiên chế tạo mũi điện tử cho mục đích công nghiệp. Nỗ lực phát triển phiên bản nhỏ và nhiều công dụng hơn của họ không mang lại kết quả. Sau một năm từ khi Boyd Sense - chi nhánh của Alpha MOS tại Mỹ - công bố phiên bản mẫu của một thiết bị cho phép điện thoại di động phát hiện và phân tích mùi, trang web của Boyd Sense ngừng hoạt động.

Trang web của Adamant Technologies - công ty từng cam kết chế tạo một thiết bị có khả năng đánh giá sức khỏe người dùng dựa vào hơi thở rồi kết nối không dây với điện thoại di động để gửi kết quả phân tích - cũng rơi vào trạng thái “chết”. Nhiều người gửi email cho hãng nhưng không nhận được phản hồi. Hiện những doanh nghiệp mới tham gia chế tạo mũi điện tử chỉ tập trung vào mục tiêu hẹp hoặc hướng tới thiết kế thiết bị ngửi cồng kềnh.

Công ty Acromyx tại Mỹ đang hợp tác với một số tập đoàn thực phẩm lớn để số hóa mọi mùi nhờ thiết bị EssenceChip. Người dùng đưa thực phẩm qua EssenceChip để nó đưa ra dữ liệu số về mùi. Sau đó, họ có thể chính sửa dữ liệu như âm thanh hay hình ảnh.

Chris Hanson - Giám đốc điều hành Acromyx - cho rằng EssenceChip không phải thiết bị mà con người có thể đeo hay mang theo. “Mũi điện tử để đeo hay mang theo chỉ có thể ra đời sau ít nhất một thập kỷ nữa” - ông dự đoán.

Một vấn đề nữa là chúng ta vẫn chưa biết rõ cơ chế con người và động vật phát hiện, xác định mùi.

Mục tiêu tham vọng của các startup

Thực trạng trên khiến các startup đặt ra những mục tiêu vừa tầm. Ông Snodgrass đang đầu tư vào Tzoa - một doanh nghiệp khởi nghiệp chuyên sản xuất máy đo chất lượng không khí. Theo ông, người dân Trung Quốc - nơi đang vật lộn với môi trường ô nhiễm - có nhu cầu rất cao về sản phẩm. Nima - một startup khác - huy động được 9 triệu USD trong tháng 5/2016 để chế tạo những thiết bị giúp kiểm tra hàm lượng protein và một số hợp chất khác trong thực phẩm.

Hiện nay, điện thoại di động chỉ có thể phát tán chứ chưa có khả năng phát hiện mùi. Hồi tháng 4, một công ty của Edwards là Vapor Communication giới thiệu Cyrano - xylanh cho phép người dùng phát tán mùi từ một ứng dụng điện thoại, giống như cách iTunes hay Spotify điều khiển loa phát âm thanh.

Scentee - một startup tại Nhật Bản - đang nâng cấp module phát tán mùi trên smartphone để chuyển trọng tâm từ việc gửi thông điệp có mùi sang kiểm soát hương thơm trong phòng. Tập đoàn Philips (Hà Lan) vừa đăng ký bản quyền một thiết bị có khả năng tác động tới hành vi người dùng bằng cách kích thích các giác quan, bao gồm khứu giác.

Song, giữ mùi mới là việc khó. Tập đoàn Samsung mới nhận bằng sáng chế dành cho một cảm biến mùi có thể tích hợp vào mọi thiết bị, từ điện thoại tới máy xăm hình điện tử.

“Một ngày nào đó, những thiết bị phát hiện mùi sẽ trở nên phổ biến” - Avery Gilbert - chuyên gia về mùi và cũng là tác giả của một cuốn sách khoa học liên quan tới khứu giác - bình luận.