LTS: Biên tập viên Trần Nguyên của báo Khoa học Phát triển được mời làm điều phối viên chính của chương trình MATCh - Thách thức Nông nghiệp Công nghệ cao vùng Mekong do tổ chức Sáng kiến Kinh doanh Mekong MBI tổ chức.

Anh ghi lại những trải nghiệm kỳ lạ của một tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm với 23 doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ 12 quốc gia trên toàn thế giới.

Một thế giới… đói bụng

Có chút choáng váng khi nhận được đường dẫn của 127 hồ sơ đăng ký từ 16 quốc gia khác nhau tham dự chương trình Thách thức Nông nghiệp Công nghệ cao vùng Mekong (MATCh). Lời kêu gọi của ban tổ chức thì đơn giản: “Làm thế nào để chuyển đổi nông nghiệp tiểu vùng sông Mê Kông trở thành vựa cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng cao trên thế giới?” – nhưng giải pháp thì vô cùng nhiều, từ những công nghệ phức tạp nhất như dữ liệu vệ tinh cho đến những giải pháp quay về cơ bản như trồng rau hữu cơ. Thấy mình có chút may mắn khi không phải ngồi ở vai trò… giám khảo. Công việc nặng nhọc này được giao cho các chuyên gia của tổ chức Future Food (Singapore), ngân hàng Phát triển châu Á ADB và các chuyên gia nông nghiệp trong vùng.

Tôi mở ngẫu nhiên một hồ sơ có cái tên rất lạ: “Cricket One”. Lạ, vì không biết cái tên này nghĩa là “dế là số một” hay là “chuyện của một con dế” hoặc giả là “Đưa dế lên hàng đầu”. Hóa ra, đó là một nhóm sáng tạo rất trẻ ở Sài Gòn, sang Hà Lan tầm sư học đạo và mở công ty khởi nghiệp xuyên qua xuyên lại giữa hai quốc gia.

Ông Trịnh Minh Giang, GĐ Điều Hành Việt Management Corp đang tư vấn cho nhóm Tun Yat - Myanmar.

Các bạn bắt đầu câu chuyện của mình bằng một tuyên ngôn khá hùng hồn: “Làm thế nào để cung cấp thực phẩm cho một thế giới đang ngày càng đói? Tới năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt con số 9 tỷ người. Các trang trại chăn nuôi truyền thống hiện nay sẽ không theo kịp nhu cầu ăn uống của cộng đồng khổng lồ này… Đất và nước là có hạn, vì vậy thế giới đang khẩn thiết tìm kiếm một giải pháp hiệu quả và bền vững hơn đối với nhu cầu dinh dưỡng, protein. Và chúng tôi ra đời để đáp ứng nhu cầu này”.

Và giải pháp của họ được miêu tả như sau: Họ thu mua các thùng container cũ, gắn vào đấy các thiết bị cảm biến để đảm bảo kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm bên trong. Họ đưa những cái container này cho nông dân ở các vùng trồng nhiều cây khoai mì (sắn), đưa dế giống cho nông dân. Và hành trình bắt đầu từ đó: dế ở trong container, nông dân thu hái thân lá khoai mì, vốn là phế phẩm nông nghiệp cho dế ăn. Môi trường trong “nhà dế” được kiểm soát bởi hệ thống điện toán đám mây nên chất lượng dế được đảm bảo. Dế lớn lên, nông dân mang đến bán cho họ. Họ chế biến nó thành bột dế và dầu dế, xuất đi các nước trên thế giới để làm thực phẩm và mỹ phẩm. Cô gái, tên là Bích, nói rất dõng dạc: “Hãy quên thịt bò đi, thực phẩm tương lai của chúng ta là dế, vì nó giàu dinh dưỡng hơn, bảo vệ môi trường hơn, và giúp người nông dân giàu có hơn!”.

Một tuần với những… siêu nhân

Gọi là “trại khởi nghiệp”, bởi tất cả các ứng viên vào vòng chung kết được mời về Hà Nội, cùng ở một khách sạn, cùng làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong ngành, cùng đi khảo sát thực tế ngoài trang trại, đồng lúa, thị trường và mỗi người được cấp cho một huấn luyện viên để có thể thay đổi doanh nghiệp của mình sau một tuần “tăng tốc”.

Tôi cùng với chị Phạm Hoàng Ngân, giám đốc công ty công nghệ nông nghiệp INARI, đứng ở sảnh của khách sạn, chờ từng trại sinh một. Đến đầu tiên, là một ông tiến sĩ ngành khoa học dữ liệu của Trung Quốc. Ông sở hữu một công ty toàn… tiến sĩ, tên là Gago. Họ sử dụng dữ liệu vệ tinh để quan sát đồng ruộng, theo dõi sự lớn lên của cây trồng trên diện rất rộng, theo dõi số lượng gia súc, gia cầm để giúp chính quyền và nông dân dễ dàng quản lý mọi hoạt động nông nghiệp.

Tiếp đến, là một anh chàng Ấn Độ của công ty Intello Labs, người đang sở hữu công nghệ phân tích (dựa trên nền tảng học sâu, trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ phân loại chất lượng và định giá sản phẩm nông sản dựa trên hình ảnh sản phẩm. Là người Ấn Độ, nên anh sở hữu khả năng… bán hàng đến vô tận, cứ thao thao bất tuyệt về cách mà công ty của anh đã thay đổi chuỗi giá trị ngành nông nghiệp ở Ấn Độ và các quốc gia lân cận ra sao, và Việt Nam đang cần anh như thế nào…

Giáo sư Đài Loan đang trao đổi về thiết bị kiểm định nước với ông Phan Vinh Quang, trưởng nhóm tổ chức MATCh.

Mọi người đến gần đủ, chỉ còn thiếu nhóm Good Hout từ Hà Lan đang mải mê ở Bến Tre để giới thiệu công nghệ chế biến gỗ từ phụ phẩm xơ dừa và anh chàng Enzootic từ Israel tranh thủ đi các trang trại tôm để nói về công nghệ tạo giống tôm cái và tạo đàn tôm thương phẩm thuần cái.

Nhắc đến anh chàng này, tôi nhớ một kỷ niệm vui khi nói chuyện với nhau qua điện thoại, anh bảo: “Ai cũng thích tôm đực, vì nó to hơn, mạnh mẽ hơn, nên nghĩ là giá trị thương mại sẽ tốt hơn. Nhưng nếu tính toán ở quy mô, thì lại là một câu chuyện khác: tôm đực hung hăng nên thích đánh nhau giành quyền cai quản lãnh thổ, hậu quả là con chết con bị thương. Còn tôm cái thì chung sống hiền hòa và cùng nhau phát triển, nên tính từ 1.000 con trở lên, nuôi tôm cái lợi hơn nhiều…”.

Rồi mọi người cùng nhau đến văn phòng của Ngân hàng Phát triển châu Á ADB, để nghe kể các câu chuyện về thách thức nông nghiệp Việt Nam. Đó là chuyện vì sao một tập đoàn lớp như Vingroup phải tự đầu tư nghiên cứu phát triển để xây các trang trại rau chất lượng cao VinEco và họ đang mong muốn tiếp cận các công nghệ mới trong nông nghiệp như thế nào.

Đó là chuyện của tập đoàn nông nghiệp PAN - vốn là chủ sở hữu của quá chừng doanh nghiệp nông nghiệp và thực phẩm - đang phải vật lộn với thách thức về những thửa ruộng bị phân mảnh quá nhỏ của vùng Việt Nam, Campuchia, Lào và cả Myanmar. Đó là chuyện của “chàng trai vàng” khởi nghiệp nông nghiệp Nguyễn Khắc Minh Trí trong những nỗ lực đưa công nghệ cao vào phương thức canh tác nông nghiệp truyền thống…

Mọi người lại chia nhau đi các trang trại rau, nông trường gạo, khu tập trung nuôi tôm và vùng hoa quả của các tỉnh phía Bắc, để nhìn tận mắt, nghe tận tai những khó khăn của doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân và điều chỉnh lại các giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh của mình cho phù hợp.

Tôi nhớ mãi hình ảnh ông giáo sư vừa tròn 60 tuổi đến từ Đài Loan, là người sở hữu bằng sáng chế quốc tế của thiết bị kiểm tra chất lượng nước mang tên Gintel. Nhà khoa học từng làm việc cho cơ quan vũ trụ NASA của Mỹ này cứ lụi cụi mang thiết bị đi thử mẫu nước, trao đổi với nông dân, ghi chép cẩn thận và chuẩn bị cho buổi đề xuất giải pháp của mình. Ông cười: “Bình thường thì sinh viên của tôi đi các trại huấn luyện, nhưng Việt Nam thì tôi tình nguyện đi, vì tôi luôn bị cám dỗ bởi đất nước nông nghiệp đẹp đẽ này…”.

Đại tiệc công nghệ nông nghiệp

Hội trường tổ chức chương trình trình diễn công nghệ và trình bày giải pháp phải thay đổi đến mấy lần. Lý do? Lượng đăng ký tham dự tăng đột biến đến mức nhóm tổ chức còn bị lúng túng. Những cuộc gọi điện thoại cứ diễn ra liên tục, liên tục. Ông Lê Đức Thắng, chủ tịch tập đoàn VTFood gọi, nói: “Anh nhận được thư rồi, sẽ dự. Nhưng anh muốn mang theo hai bạn phó tổng giám đốc bên anh đi, một người phụ trách thị trường, một người phụ trách công nghệ!”. Ông Phùng Ngọc Quý, tổng giám đốc Hà Nội Food cũng ngọt ngào: “Cho tôi đăng ký thêm một người nữa, các công nghệ mới quá, cần người hỗ trợ cho các cuộc tiếp xúc quan trọng này…”. Thậm chí, anh Quân Lê, một doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp trên nền tảng Blockchain rất thành công từ Anh quốc, không biết từ đâu nghe thông tin, cũng gửi thư: “Tôi đang trên đường ra sân bay, hẹn gặp ở MATCh”.

Nick của đội AgUnity bày tỏ sự yêu quý đặc biệt với bác Tâm, chủ nhiệm hợp tác xã nhãn lồng Hưng Yên.

Và show diễn bắt đầu. Ai cũng chỉ có đúng năm phút “tỏa sáng” trên sân khấu. Chàng trai người Úc, nhìn như tài tử điện ảnh, mang giải pháp mang tên AgUnity Pty lên giới thiệu: “Ứng dụng AgriLedger trên blockchain hỗ trợ nông dân, cho phép họ ghi lại các giao dịch giữa nông dân với nhau và giữa nông dân và hợp tác xã, hỗ trợ nông dân lập kế hoạch tiêu thụ và bán sản phẩm”. Chàng trai người Áo, đã đến khởi nghiệp tại Thái Lan với công nghệ Verifik8 với giấc mơ “nông nghiệp công bằng cho nông dân nghèo”. Anh mang theo là giải pháp nền tảng số để kiểm soát nuôi trồng, theo dõi chuỗi canh tác, truy xuất nguồn gốc…

Gần gũi hơn, và cũng hiền lành hơn, là các chàng trai, cô gái từ Myanmar. Giải pháp của họ không mạnh mẽ về công nghệ, nhưng lại đậm đặc tính nhân văn. Nhóm Farm Tech Dryer Franchises trình bày mô hình cho thuê thiết bị sấy và bán trả chậm thiết bị lúa ngô đậu tương cho nông dân nhỏ, website Kiu Myanmar cung cấp hệ thống trực tuyến hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường và tài chính. Bộ ba đến từ Tun Yat hiền lành như những nhà sư, nhưng đầy đam mê khi kể về sàn giao dịch cho thuê thiết bị nông nghiệp (kết nối nông dân giàu có máy móc thiết bị cho nông dân nghèo thuê)…

MATCh khép lại bằng chương trình hội nghị thượng đỉnh vùng Mekong ngày 30 tháng 3, nhưng lại mở ra một hành trình mới đầy hứng khởi cho việc thay đổi nền nông nghiệp của vùng. Ông Phan Vinh Quang, phó giám đốc MBI, trưởng nhóm tổ chức MATCh trả lời một bình luận trên Facebook của chương trình: “Không có cách nào khác là chuyển mô hình từ sản xuất theo cảm tính và theo hàng xóm mà phải sản xuất theo đặt hàng, tham gia vào chuỗi. Nông dân phải vào hợp tác xã làm việc có tổ chức và sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Giải nhất của MATCh là giải pháp về tiếp cận thị trường giúp giải quyết vấn đề này, và chỉ là những bước đi đầu tiên của nông nghiệp công nghệ cao…”.