Trong tương lai không xa, phần lớn các sáng chế sẽ là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo. Viễn cảnh này đang làm dấy lên những tranh cãi về mặt pháp lý xung quanh việc trí tuệ nhân tạo có nên được công nhận là nhà phát minh, sáng chế hay không.

Máy tính hay người sở hữu sáng chế?

Ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) được tóm gọn đầy đủ trong câu nói của nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking: “Về ngắn hạn, ảnh hưởng của AI phụ thuộc vào người điều khiển nó. Về dài hạn, ảnh hưởng đó phụ thuộc vào việc con người có thể điều khiển nó hay không”.

Siêu máy tính Watson của IBM là một ví dụ về năng lực vô biên của AI. Sau khi thắng 1 triệu USD trong chương trình đố vui Jeopardy (Mỹ) đã liên tục đưa ra các cách thức, kế hoạch chữa trị mới cho bệnh nhân ung thư, giúp hoạch định tài chính và thực hiện thí nghiệm y khoa bằng việc khớp các thông tin về gene của bệnh nhân với những loại thuốc khả dụng.

“Rất nhanh chóng, máy tính sẽ tạo ra sáng chế một cách thường xuyên và việc các sáng chế chủ yếu là sản phẩm của máy tính chỉ còn là vấn đề thời gian” - GS Ryan Abbot tại Đại học Luật Surrey, Mỹ nói.

Trí tuệ nhân tạo - siêu máy tính Watson của IBM. Ảnh: Deadline.com

Điều này làm nảy sinh nhiều vấn đề chưa có lời giải. “Tính tự động của các sáng chế sẽ là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế và khi đó, một câu hỏi lý thú và quan trọng với các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực AI như Google, IBM hay Apple được đặt ra: Ai sẽ là người sở hữu quyền sáng chế?” - Abbot chia sẻ với tờ Seeker.

Trong một nghiên cứu của Đại học Luật Surrey ở Boston (Mỹ), các nhà khoa học cho rằng AI - hay nói nôm na là máy tính - cũng cần được công nhận quyền sáng chế.

“Trong khi nhiều nhà hành pháp cho rằng khả năng máy móc sáng chế ra sản phẩm là vấn đề tương lai, thì thực tế AI đã đưa ra rất nhiều ý tưởng sáng tạo trong vài thập kỷ qua” - Abbot nhận xét. Theo ông, việc công nhận những nhân tố không phải người là nhà sáng chế sẽ là động lực tạo ra tài sản trí tuệ nhờ khuyến khích sự sáng tạo của máy tính. Bằng việc trao quyền sáng chế cho máy tính, các hoạt động sáng tạo có thể được đánh giá đúng, thậm chí khi sáng chế chưa hoàn chỉnh.

Luận điểm này vấp phải sự phản đối của GS Brett Frischmann thuộc Đại học Princeton: “Không thể không có những phân tích thấu đáo về ảnh hưởng của việc công nhận máy tính là nhà sáng chế đối với hàng loạt hoạt động như đầu tư nghiên cứu và phát triển, cấp phép…”.

Thiếu sót của pháp luật hiện hành

Mỹ - một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực phát triển và ứng dụng AI, với sự góp mặt tích cực của các tập đoàn lớn như Google, IBM - chưa hề có quy định cụ thể về việc công nhận AI là nhà phát minh, nhà sáng chế. Theo Luật Sáng chế của Mỹ, nhà sáng chế được định nghĩa là “cá nhân hoặc tập hợp các cá nhân sáng chế hoặc phát hiện ra đối tượng chính của sáng chế”. Hiểu nôm na, nhà sáng chế là người đóng góp “khái niệm” cho sáng chế. Thượng viện Mỹ cho rằng luật này chỉ áp dụng “cho những sự vật/hiện tượng được tạo ra bởi con người”.

Nhiều ý kiến cho rằng, quan điểm này có thể đúng ở thời chưa có AI, khi con người tự tạo ra các mệnh lệnh và đưa cho máy tính xử lý. Khi đó, máy tính chỉ là công cụ để giải quyết vấn đề của xã hội loài người.

Cho đến nay, việc công nhận quyền sở hữu một sáng chế do AI làm ra vẫn còn rất mới mẻ, có nhiều rào cản. Các nhà phát triển AI bị đặt vào một cuộc chiến pháp lý rắc rối. Cùng xét một ví dụ: Công ty A phát triển một chương trình/thiết bị AI, bán nó cho công ty B. Công ty B sử dụng nó trên nền tảng các nguồn tài nguyên từ công ty C (chẳng hạn các server cho đám mây), đồng thời cũng sử dụng dữ liệu từ công ty D để huấn luyện AI. Sau khi huấn luyện, AI đưa ra một sáng chế. Trong trường hợp này, ai sẽ được coi là tác giả?

Để được coi ít nhất là nhà đồng sáng chế, một người buộc phải đóng góp đáng kể về lượng vào sáng chế. Điều này giúp công ty B - nơi sở hữu chương trình/thiết bị và công ty D - nơi cung cấp dữ liệu - được coi là người có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của AI.

Chi tiết hơn, một nhóm người ở công ty B - những người đã lựa chọn dữ liệu từ công ty D để huấn luyện AI - có thể được coi là nhà sáng chế? Công ty A và C cũng có thể được coi là nhà sáng chế bởi họ đã sản xuất và vận hành AI để tạo ra sáng chế trên, mặc dù nếu xét một cách khắt khe, họ chỉ là người tạo ra công cụ và là kỹ thuật viên của AI.

Và tuyệt nhiên, chuyện coi AI là nhà phát minh không hề được bàn tới.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, từ năm 2010 tới nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã gọi được 967 triệu USD vốn, trong đó số vốn gọi được trong năm 2015 là 310 triệu, tăng 7 lần so với con số 45 triệu vào năm 2010.