Đó cảnh báo được đưa ra trên trang National Interest, đề cập đến những cuộc chiến khó khăn ở một thế giới phức tạp trong tương lai.

Lục quân Hoa Kỳ có sức mạnh vượt trên mọi đối thủ tiềm năng, là kẻ mạnh hơn trong các cuộc đối đầu. Nhưng điều này đã không còn hoàn toàn đúng nữa. Trên chiến trường tương lai, lục quân sẽ phải chạm mặt những kẻ thù vô cùng lợi hại, đông đảo hơn, có lợi thế sân nhà và biết cách khai thác các lợi thế để có được đòn tấn công phủ đầu.

Trong hầu hết các cuộc xung đột gần đây, bộ binh Mỹ được hưởng những thuận lợi mà khó có thể tìm thấy trong các cuộc chiến tương lai. Đó là tiếp liệu hậu cần dồi dào và thông suốt, làm chủ hoàn toàn trên không, không phải đối mặt với những vũ khí tầm xa, thoải mái sử dụng hệ thống thông tin liên lạc mà không lo bị chặn phá. Trong khi kẻ thù ở Iraq và Afghanistan gần như chỉ có các thiết bị nổ tự chế (IED), và súng phóng lựu RPG để đe dọa các xe thiết giáp.

Tăng cường khả năng bảo vệ và sống sót

Sẽ rất ít trong số những lợi thế này còn tồn tại được khi nước Mỹ đụng phải các cường quốc khu vực - kẻ thù ngang cơ. Ở châu Âu, châu Á và thậm chí một số phần ở Trung Đông, quân đội Mỹ sẽ phải chiến đấu để dành được ưu thế trên không.

Ngay cả khi kẻ thù không thể triển khai được hệ thống phòng không tích hợp, các đơn vị cơ động Lục quân, các căn cứ và đường dây liên lạc sẽ phải hứng chịu các cuộc tấn công ào ạt của tên lửa và rocket. Các lữ đoàn chiến đấu (BCT) sẽ vấp phải hàng loạt mối đe dọa chết người từ các thiết bị nổ cải tiến tinh vi, tên lửa chống tăng có điều khiển mang đầu đạn tandem, đạn pháo dẫn đường chính xác, súng tầm xa, máy bay không người lái có vũ trang và vũ khí hàng không.

Ví dụ, Lục quân Nga đã chứng minh được khả năng một cách ấn tượng trong những hoạt động ở Ukraine và Syria, bao gồm việc sử dụng kết hợp máy bay không người lái với số đông các đại đội pháo và rocket, các loại vũ khí sát thương rộng tiên tiến và đầu đạn nhiệt áp, tên lửa chống tăng có điều khiển vô cùng lợi hại và tinh vi cùng việc sử dụng chiến tranh điện tử để đánh sập hệ thống liên lạc quân sự. Họ cũng đã thể hiện được khả năng huy động nhanh chóng và triển khai hiệu quả các lực lượng vũ trang kết hợp.

Hệ thống đánh chặn mini Hit-to-Kill là sản phẩm của tập đoàn sản xuất vũ khí khổng lồ Lockheed Martin
Hệ thống đánh chặn mini Hit-to-Kill là sản phẩm của tập đoàn sản xuất vũ khí khổng lồ Lockheed Martin

Khái niệm hoạt động của bộ binh Mỹ từ nửa sau chiến tranh Lạnh là “chiến đấu áp đảo và dành chiến thắng”. Nó có hiệu quả khi đối tượng tác chiến chủ yếu được xác định là khối Warsaw, đơn giản và rõ ràng là dồn sức vào để kết thúc cuộc chiến. Nhưng để “dành được chiến thắng trong một thế giới phức tạp”, khái niệm cũ căn bản là vô nghĩa.

Tính chất của cuộc đối đầu với đối thủ ở Tây Nam Á khiến Mỹ phải tập trung vào phương cách tăng cường khả năng sống sót cho các lực lượng mặt đất được triển khai. Nỗ lực này dẫn đến sự ra đời của xe bọc thép dã chiến Stryker, và gần đây hơn là phiên bản double-V hull chống mìn. Có hàng chục ngàn cuộc phục kích nhằm các xe bọc thép chống mìn và xe Humvees. Chiến tranh điện tử ưu tiên hoàn toàn cho phát hiện và gây nhiễu các thiết bị nổ tự chế có điều khiển từ xa. Lục quân thậm chí phải cần đến hệ thống phòng không cực cận Phalanx của Hải quân để bảo vệ các cơ sở quan trọng khỏi các cuộc tấn công bằng rocket. Binh sĩ cũng đã được cung cấp áo giáp cải tiến.

Cuộc chạy đua để tăng cường khả năng sống sót vẫn đang được tiếp tục. Lục quân đang nghiêm túc xem xét việc triển khai hệ thống phòng vệ chủ động (APS) trên ít nhất một phần lực lượng xe chiến đấu của mình. Hệ thống APS như Trophy của Israel đã chứng minh được sự hiệu quả trước súng phóng lựu và tên lửa chống tăng. Họ cũng đang đầu tư vào bệ phóng đa năng có thể triển khai tên lửa đối không AMRAAM cũng như hệ thống đánh chặn nhỏ gọn Hit-to-Kill (MHTK) chống rocket, đạn pháo và đầu đạn súng cối xâm nhập vòng bảo vệ trong bán kính từ 3 đến 4 km. Huyền thoại M-113 đang được thay thế bằng các thế hệ xe bọc thép đa năng dựa trên xe chiến đấu bộ binh Bradley, có khả năng sống sót cao hơn. Không quân Lục quân đang triển khai các biện pháp đối phó với tên lửa hồng ngoại đất đối không và hệ thống dẫn đường sử dụng trong các môi trường tầm nhìn bị hạn chế.

Phát triển sức mạnh tấn công

Nhưng để có thể chiến đấu áp đảo và dành chiến thắng, bên cạnh những nỗ lực tăng cường khả năng sống sót và bảo vệ cũng cần phải tăng cường sức mạnh sát thương. Một chương trình ngắn hạn vừa được thực hiện để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp từ Lục quân Mỹ ở châu Âu khi khoảng 80 xe Stryker được trang bị mới pháo 30mm. Với những đơn vị còn lại, khả năng gắn tên lửa chống tăng như Javelin lên Stryker đã được đề xuất. Lục quân rất cần những vũ khí chính xác mới, hệ thống bệ phóng đa năng và các hệ thống cối có thể phá hủy lớp giáp của đối phương cũng như lực lượng pháo binh đông đảo của họ.

Các kế hoạch để tăng cường năng lực chiến đấu cho xe Bradley cũng như MBT Abrams bao gồm nâng cấp hệ thống sensor và ngắm bắn. Đạn pháo đa năng cũng cần phải được trang bị trong thời gian sắp tới. Trước mắt, cần tổ chức sử dụng sức mạnh của vũ khí cho các chiến thuật chống lại những mối dọa từ trên không, rocket và pháo. Sau đó, cần tập trung vào mạng lưới tân tiến như hệ thống WIN-T với một thế hệ tác chiến điện tử mới sẽ làm cho đối phương bị mù, câm và điếc.

Xe thiết giáp Stryker của General Dynamics đang thử nghiệm pháo 30mm XM813
Xe thiết giáp Stryker của General Dynamics đang thử nghiệm pháo 30mm XM813

Trong các chiến dịch chống quân nổi dậy, mục tiêu đặt ra là cần tồn tại lâu hơn trong vùng chiến sự, điểm nhấn của hiện đại hóa Lục quân ở khả năng sống sót. Nhưng khi có một cuộc đối đầu nghiêm trọng với các cường quốc thì điều này là không đủ. Chiến đấu và chiến thắng áp đảo đòi hỏi nhiều hơn trong khả năng sát thương so với đối phương