Nghĩ đến robot, chúng ta thường mường tượng ra hình ảnh những vật thể to lớn, cồng kềnh chỉ phục vụ một số chức năng nhất định. Tuy nhiên, công nghệ "bọc da robot" do các nhà nghiên cứu thuộc đại học Yale (Mỹ) phát triển sẽ không chỉ thách thức tưởng tượng của con người mà còn biến mọi vật dụng hàng ngày của chúng ta thành robot.

Sản phẩm được giáo sư kĩ thuật cơ khí và vật liệu Rebecca Kramer-Bottiglio phát triển trong phòng thí nghiệm, cho phép người dùng tự thiết kế hệ thống robot của riêng mình. Mặc dù "lớp da robot" không sinh ra để phục vụ một mục đích cụ thể nào nhưng chúng có thể dùng được trong mọi trường hợp, từ làm robot cứu nạn đến phụ kiện công nghệ.

Công nghệ “bọc da robot” do các nhà khoa học tại ĐH Yale phát triển có thể biến mọi vật dụng hàng ngày thành robot. Ảnh: Đại học Yale

Công nghệ “bọc da robot” do các nhà khoa học tại ĐH Yale phát triển có thể biến mọi vật dụng hàng ngày thành robot. Ảnh: Đại học Yale

“Lớp da" thực chất là một lớp cao su dẻo tích hợp các cảm biến và bộ truyền động phát triển trong phòng thí nghiệm. Khi đặt chúng trên các vật thể có mềm, khả năng biến dạng, ví dụ như một con gấu bông hay miếng xốp, lớp da sẽ mô phỏng lại các chuyển động trên bề mặt vật thể. Bằng cách này, chúng ta đã tạo ra một con robot tạm thời có khả năng thực hiện nhiều động tác, tùy thuộc vào tính chất của vật thể và cách đặt lớp da.

Giáo sư Kramer-Bottiglio cho biết, có thể đặt lớp da trên các vật thể khác nhau và yêu cầu chúng thực hiện các hoạt động khách nhau. Hơn nữa, chúng ta còn có thể đặt nó vào trong áo phông của mình và tạo ra một "thiết bị" robot mặc được.

Vì không được nhắm đến một chức năng cụ thể nào, nên tùy thuộc vào người sử dụng, lớp da robot còn có thể được sử dụng theo những cách mà chính nhà phát triển cũng chưa tính đến. Ngoài ra, có thể sử dụng nhiều hơn một lớp da trên cùng vật thể bằng cách chồng chúng lên nhau nếu muốn tạo ra các tổ hợp cử chỉ phức tạp hơn.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra hàng loạt nguyên mẫu khác nhau để chứng minh hoạt động của lớp da, bao gồm một xy-lanh bằng xốp có thể di chuyển như sâu bướm, một chiếc áo phông chỉnh dáng cho người mặc hay một thiết bị nhặt và di chuyển đồ vật.

Kramer-Bottiglio chia sẻ cảm hứng thiết kế đến với bà khi NASA bắt đầu kêu giọi thiết kế hệ thống robot mềm. Do đó, công nghệ được bà phát triển trên nền tảng hợp tác với NASA. Tính đa năng và khả năng tái sử dụng của lớp da robot có thể giúp các phi hành gia hoàn thành hàng loạt các nhiệm vụ khác nhau. Đặc biệt, lớp da dùng để làm cánh tay robot từ miếng xốp có thể được ứng dụng để thiết kế robot thám hiểm sao Hoa vượt qua các địa hình gồ ghề, kém bằng phẳng.

Nhờ nghiên cứu này, giáo sư Kramer-Bottiglio đã nhận được khoản tài trợ 2 triệu USD từ chương trình sáng kiến và nghiên cứu của Hiệp hội Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. Bước tiếp theo, các nhà phát triển sẽ nghiên cứu để tăng hiệu suất tối đa của các thiết bị và thử nghiệm khả năng in-3D các lớp da.

Nguồn: https://techxplore.com/news/2018-09-robotic-skins-everyday-robots.html