Logivan tự định nghĩa mình là một công ty công nghệ với sứ mệnh kết nối và thống nhất thị trường vận tải manh mún, lấp đầy xe chiều về bị rỗng, tăng thu nhập cho tài xế, giảm lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

Tại Hội nghị công nghệ và khởi nghiệp RISE 201, Logivan được xướng tên ở hạng mục “Startup tốt nhất”. Khi nghe người sáng lập của Logivan Phạm Khánh Linh thuyết trình, ông Paddy Cosgrave, đồng sáng lập – CEO của RISE đã nói rằng: ‘Logivan đang làm những điều đáng kinh ngạc trong ngành logistics. Tôi mong có thể theo dõi đích đến tiếp theo của họ”.

Theo thống kê của startup này, chi phí vận tải ở Việt Nam quá lớn, chiếm 60% tổng chi phí logistics. Một thống kê khác cũng cho thấy, trong 300 triệu chuyến xe chở hàng mỗi năm có tới 60-70% chuyến xe tải chạy rỗng chiều về.

Trước thực tế đó, Logivan được người sáng lập xây dựng với mục tiêu số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ. Ứng dụng giúp tự động kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với các tài xế xe tải để giảm thiểu tình trạng xe chạy rỗng, tăng thu nhập cho tài xế, giải quyết nhu cầu vận chuyển cho chủ hàng với chi phí hợp lý nhất.

Chị Phạm Khánh Linh cho biết: “Thị trường vận tải vốn rất manh mún. 90% công ty vận tải chỉ có khoảng 5 xe. 70% xe chở hàng có chiều về rỗng, chi phí logistics rất cao do họ phải chịu chi phí đi lại gấp đôi. Vì thế, tôi mong muốn Logivan có thể kết nối được chủ hàng và chủ xe, tối ứu hóa chiều về của xe dẫn đến giảm chi phí cho tất cả các bên”.

Nhân viên của Logivan đến gặp gỡ và trao đổi với các tài xế, chủ xe. Ảnh: Linh Trần

Được ví như Uber, Grab trong lĩnh vực xe vận tải nhưng bài toán mà Logivan phải giải quyết ‘khó nhằn’ hơn nhiều. Bởi lẽ, ngoài các đối tượng chủ thể là chủ hàng và chủ xe, còn phát sinh thêm 2 đối tượng liên quan là xe tải và hàng hóa.

Hiện nay, Logivan cung cấp cho chủ hàng 2 công cụ là website và ứng dụng. Để tạo đơn hàng, chủ hàng chỉ cần nhập điểm bốc hàng, điểm dỡ hàng, loại xe, loại hàng, khối lượng hàng. Trong vòng 30 phút, Logivan sẽ trả về thông tin tài xế phù hợp với yêu cầu của chủ hàng. Về phía tài xế, Logivan cung cấp ứng dụng trên điện thoại, do đặc thù tài xế thường xuyên di chuyển trên đường, không có điều kiện sử dụng website. Trên ứng dụng, tài xế có thể tìm kiếm các đơn hàng phù hợp với năng lực vận tải của mình.

Bắt đầu xây dựng từ tháng 10/2017 và ra mắt vào tháng 2/2018, đến nay, Logivan đã kết nối được 1000 doanh nghiệp với 5000 xe trên toàn quốc.

Chị Phạm Khánh Linh nhận định, nếu Logivan ra đời từ 3-4 năm trước sẽ chắc chắn sản phẩm công nghệ này rất khó thuyết phục người dùng. Tuy nhiên, việc Uber, Grab vào Việt Nam đã khiến cho việc sử dụng smartphone để giao dịch trở nên phổ biến hơn.

Cái khó nhất mà Logivan gặp phải là thuyết phục tài xế xe tải thay đổi phương thức giao dịch không hề đơn giản. Lâu nay, họ đã quen sử dụng cách truyền thống là gọi điện thoại cho nhau hoặc sử dụng các mối liên hệ có sẵn tại địa phương.

“Rất ít người có khái niệm sử dụng công nghệ để lấy đơn hàng” - chị Linh nói.

Poster quảng cáo của Logivan.

Việc thuyết phục các chủ hàng và tài xế giống như bài toán con gà - quả trứng. Nghĩa là phải có hàng mới có xe, và có xe mới có hàng. Vì vậy, Logivan chọn cách phát triển theo từng tuyến. Ví như tuyến Hà Nội - Hải Phòng được đầu tư nguồn lực để tiếp cận các chủ hàng và chủ xe, tạo ra mối liên thông cơ bản, kết nối các bên liên quan.

Thời gian đầu, chị Linh và các cộng sự phải đến các bãi đỗ xe tải để ghi số điện thoại của tài xế, tìm mọi cách để gặp mặt và thuyết phục chủ các hãng vận tải. Các chủ xe càng lớn thường không quan tâm tới công nghệ, trong khi chủ xe nhỏ thì dễ thuyết phục hơn. Chỉ cần chỉ ra cho họ lợi ích, họ sẽ dễ dàng hợp tác, đăng tải giấy tờ tùy thân lên hệ thống để đăng ký.

Nói về điểm khác biệt của Logivan, chị Phạm Khánh Linh cho biết: “Ngoài việc tập trung phát triển công nghệ, đặc biệt phát triển công nghệ matching technology, Logivan còn hướng tới phát triển mảng bán hàng và chăm sóc khách hàng. Chúng tôi đã kí kết với nhiều nhà máy và các công ty có nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhiều. Với điều này, Logivan sẽ tạo ra sức hút với các tài xế, đảm bảo đơn hàng thường xuyên”.

Ngoài ra, phần xác minh thông tin cá nhân tài xế, hướng dẫn cách sử dụng ứng dụng sẽ do Logivan đảm nhận. Sau mỗi chuyến hàng, Logivan sẽ đưa ra các góp ý cho từng tài xế để họ rút kinh nghiệm và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo ước tính của Logivan, năm 2017, quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD với 1 tỷ tấn hàng hóa. Khi nền kinh tế càng phát triển, nhu cầu vận chuyển hàng hóa càng tăng. Với dung lượng thị trường như vậy, Logivan có nhiều đất để phát triển. Vì thế, Logivan đặt mục tiêu trở thành nền tảng kết nối nhiều xe tải nhất Việt Nam.

Hiện tại, để thu hút người dùng, Logivan đang cung cấp hệ thống miễn phí cho cả chủ hàng và chủ xe. Tuy nhiên, trong tương lai, để duy trì, vận hành, ứng dụng này sẽ thu tiền.