Bảy đối tác quan trọng của Facebook trong Liên minh Libra đã rút lui trong bối cảnh đồng tiền điện tử này và nỗ lực định hình lại tài chính toàn cầu của Facebook đang chịu ngày càng nhiều áp lực từ các chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới.

Ảnh: AP.
Ảnh: AP.

Tiền Libra dường như đang là nỗ lực của Facebook trong việc tạo ra cuộc cách mạng tài chính toàn cầu. Nếu triển khai thành công, loại tiền này sẽ có nguồn người dùng khổng lồ từ Facebook, cùng với Instagram và WhatsApp (hai công ty Facebook đang sở hữu), và trở thành tiền điện tử cho các mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên trong tháng qua, Libra gặp nhiều trở ngại. Các nhà lãnh đạo thế giới và ngân hàng trung ương lo lắng về những hiểm họa tiềm tàng của dự án tiền điện tử này: rửa tiền, đe dọa sự ổn định tài chính toàn cầu, lạm dụng quyền riêng tư về dữ liệu và tước quyền kiểm soát kinh tế của các quốc gia bằng cách tư nhân hóa nguồn cung tiền. Bảy đối tác trong Liên minh vận hành Libra, bao gồm các đối tác quan trọng trong lĩnh vực tài chính/ thanh toán như PayPal, eBay, Visa và Mastercard đã kiên quyết từ bỏ dự án trong những tuần gần đây khi các mối lo ngại về Libra ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

“Từng đối tác một [trong Liên minh Libra] đang bỏ đi, và đây không phải dấu hiệu tốt”, John Sedunov, giáo sư tài chính và chuyên gia về tiền điện tử tại Đại học Villanova cho biết. “Tôi không nói rằng Libra đã hoàn toàn tan vỡ, nhưng nó đang đi đến hồi kết. Càng ít các công ty tài chính và công ty chính thống tham gia, Libra càng mất uy tín”, ông nói thêm.

Dữ liệu tài chính cá nhân

Trong khi đó, về phía các nhà quản lý, nhóm G7 gồm các quốc gia mạnh nhất thế giới đã cảnh báo vào thứ Sáu tuần trước rằng các loại tiền kỹ thuật số như Libra đang “thách thức các chính sách cạnh tranh và chống độc quyền”, và không được phép tung ra cho đến khi các vấn đề pháp lý được giải quyết. Áp lực sẽ tiếp tục tăng thêm vào tuần này khi Mark Zuckerberg điều trần trước Hạ viện Hoa Kỳ về Libra. Việc xâm phạm thô bạo quyền riêng tư và sử dụng thông tin khách hàng sai mục đích trong vụ bê bối Facebook/Cambridge Analytica năm 2018 và lỗi bảo mật khiến thông tin cá nhân của nửa tỉ người dùng Facebook bị tung lên các máy chủ đám mây Amazon năm nay khiến nhiều người nghi ngờ về đạo đức cũng như năng lực quản lý dữ liệu cá nhân của công ty này. Trong khi đó, tiền kỹ thuật số sẽ còn đặt ra vấn đề dữ liệu tài chính cá nhân nhạy cảm hơn nữa.

“Tôi có cảm giác rằng họ sẽ bị tấn công mạnh hơn về vấn đề này [dữ liệu] đối với Libra. Tôi không nghĩ rằng các chính trị gia thích Zuckerberg, và điều này cũng sẽ có tác động”, Sedunov nói.

Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Anh nói với Ủy ban tài chính Anh rằng Libra nên được kiểm soát chặt chẽ trên toàn thế giới, nếu không “sẽ không được triển khai”. “Dự án này không giống như phương tiện truyền thông xã hội. Đây không phải là trường hợp một sản phẩm mới có thể bắt đầu chạy rồi hệ thống mới theo sau và điều chỉnh”, ông nói. Còn các nhà quản lý ở Ngân hàng Anh tin rằng Libra có lẽ đã được xây dựng bởi quá nhiều nhà công nghệ và quá ít nhà kinh tế để cân nhắc những rủi ro của nó đối với nền kinh tế thế giới. Với 2 tỷ người dùng Facebook, Libra có thể trở nên quan trọng về mặt hệ thống đối với hệ thống tài chính toàn cầu chỉ sau một đêm. Cách tiếp cận đột phá theo kiểu “Thung lũng Silicon” là không phù hợp với một dự án tài chính quá nhiều nguy cơ.

Dante Disparte, người đứng đầu chính sách và truyền thông của Hiệp hội Libra đã bác bỏ những lo ngại này: “Chúng tôi đồng ý rằng dự án Libra nên được điều chỉnh một cách thích hợp, vì vậy kêu gọi điều chỉnh không phải là cản trở hay thất bại. Đổi mới tài chính có trách nhiệm và giám sát theo quy định là vấn đề không cần tranh cãi”.

Chia sẻ chủ quyền tiền tệ

Bên cạnh lo ngại về thiếu những điều chỉnh về mặt pháp lý, chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng lo lắng rằng họ có thể mất quyền kiểm soát chính sách tiền tệ nếu một lượng lớn giao dịch chuyển sang Libra, nhờ lượng người dùng khổng lồ từ các nền tảng mạng xã hội thuộc Facebook. Neal Koblitz, giáo sư toán học tại Đại học Washington, một trong hai tác giả độc lập sáng tạo ra Hệ mật đường cong Elliptic - nền tảng cho công nghệ chữ kí số của Bitcoin phân tích trên Tia Sáng rằng dự án của Facebook hầu như không giống với Bitcoin, Ethereum và những loại tiền mã hóa dựa trên blockchain. Nó không thực sự phi tập trung. Hệ thống này sẽ được vận hành bởi Hiệp hội Libra, một tổ chức phi lợi nhuận, làm việc cho một nhóm những công ty lớn thân hữu với Facebook. Nhóm công ty này sẽ vận hành tất cả các node (thiết bị trong mạng lưới block chain để duy trì dữ liệu giao dịch của đồng tiền) có nhiệm vụ xác thực các giao dịch. Nó không phải là một hệ thống ngang hàng (peer-to-peer) đích thực”. “Một quan ngại nền tảng hơn là Facebook đơn giản sẽ trở nên quá quyền lực”, ông đánh giá.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Tài chính Pháp đã cảnh báo trên tờ Financial Times tuần trước rằng Libra đặt ra mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia. Ông lập luận rằng ngay cả quy định cũng sẽ không đủ để giải quyết các rủi ro đặt ra, “vì Libra đang yêu cầu các quốc gia chia sẻ chủ quyền tiền tệ của họ với các công ty tư nhân”. Le Maire đã viết rằng ông “không thể tán thành” giao quyền kiểm soát một công cụ quan trọng để điều khiển nền kinh tế từ các chính phủ được bầu cử dân chủ và các ngân hàng trung ương của họ sang cho một nhóm có lợi ích thương mại rõ ràng.

Andrew Milligan, người đứng đầu chiến lược toàn cầu tại nhà công ty quản lý tài sản Aberdeen Standard cũng bày tỏ lo ngại: “Tiền kỹ thuật số được tạo ra bởi các tập đoàn, do đó chúng ta sẽ phải đặt niềm tin vào các tập đoàn. Điều này khác với việc tin tưởng vào một ngân hàng truyền thống và các chính phủ”.

Trong bối cảnh ngặt nghèo này, Libra vẫn có thể thu hút sự ủng hộ với tiềm năng cách mạng hóa tài chính của mình, nếu nó có thể làm hài lòng các ngân hàng trung ương và các mối lo ngại của họ. Libra sẽ giúp cho những người bình thường tham gia vào các hoạt động thương mại toàn cầu dễ dàng hơn rất nhiều. Rất nhiều người, đặc biệt từ các quốc gia đang phát triển, không có tài khoản ngân hàng hay thẻ tín dụng có thể sử dụng đồng Libra để mua hàng ở bất kì nơi nào trên thế giới. Một công ty có sự hiện diện tại các nước đang phát triển như Facebook, cùng với tiền điện tử của họ, hứa hẹn có thể cắt giảm chi phí thanh toán xuyên biên giới đắt đỏ, tiết kiệm tiền và thời gian của các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với áp lực pháp lý ngày càng tăng, thời gian và chi phí xây dựng Libra sao cho thỏa mãn được những lo ngại đó có thể sẽ rất tốn kém. Ngân hàng Anh đã cảnh báo hồi đầu tháng này rằng Libra sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự như các ngân hàng truyền thống. Xây dựng một hệ thống thanh toán để đáp ứng vô số các quy định của ngân hàng có thể nhanh chóng làm xói mòn các lợi thế cạnh tranh công nghệ cao vốn giúp Libra nhanh và rẻ hơn.

Teunis Brosens, chuyên gia kinh tế hàng đầu về điều tiết tài chính kỹ thuật số tại ngân hàng ING của Hà Lan, cho biết: “Ngành tài chính là lĩnh vực được kiểm soát chặt chẽ nhất trong tất cả các ngành và tôi nghĩ Facebook và Liên minh Libra đã đánh giá thấp điều đó”.

Tuy nhiên, các ngân hàng lớn từ lâu đã lo sợ sự cạnh tranh từ các đại gia internet, và Facebook là một đối thủ với tiềm lực rất lớn. Brosens nói thêm: “Trận chiến này có thể nghiêng về bất kỳ ai. Chưa thể nói rằng Facebook đã thất bại. Họ đã đi một bước lớn và giờ đang gặp trở ngại. Nhưng họ vẫn có thể hồi phục. Tôi không nghĩ rằng Facebook sẽ dễ dàng từ bỏ”.