Mặc dù giá thành đầu tư ban đầu gấp gần 1,5 lần, nhưng sử dụng bồn hợp kim nhôm trong ngành vận tải an toàn, giảm hao mòn xe hơn và tiết kiệm gần 400 triệu đồng/năm so với bồn thép vốn đang được sử dụng cho trên 80% xe vận chuyển chất lỏng.

Thông tin này được ông Đào Quốc Hưng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Máy và Thiết bị công nghiệp quốc tế (IMAE) - cho biết tại Hội thảo “Xu hướng nghiên cứu và ứng dụng vật liệu hợp kim - hợp kim nhôm trong ngành vận tải" do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức ngày 28/9.

Bền và an toàn hơn

Hợp kim của nhôm với các nguyên tố (đồng, thiếc, mangan, silic, magie) là dòng sản phẩm đứng thứ hai sau thép về sản lượng hằng năm do có nhiều ứng dụng trong các cấu trúc kỹ thuật có trọng lượng nhẹ, yêu cầu chống ăn mòn cao trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, viễn thông, công nghiệp, vận tải,…

Theo ông Trần Ngọc Dân – chuyên gia kỹ thuật của IMAE, hợp kim nhôm được bắt đầu áp dụng nhiều tại các nước phát triển từ những năm 1970, do trình độ luyện kim, công nghệ hàn nhôm phát triển và do các đặc tính ưu việt của loại vật liệu này. Hiện nay gần như toàn bộ bồn trên xe vận chuyển (đặc biệt là xăng dầu và một số loại hóa chất) tại các nước EU, G7 và các nước phát triển tại châu Á đều là hợp kim nhôm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trên 80% xe vận chuyển chất lỏng còn sử dụng bồn thép. Một số đơn vị dùng bồn hợp kim nhôm nhưng chủ yếu nhập bồn đã qua sử dụng. Tính đến thời điểm này mới chỉ có IMEA đầu tư sản xuất bồn xăng dầu hợp kim nhôm.

Lý giải vấn đề này, ông Dân cho biết, hiện nhà nước chưa siết chặt tải trọng xe, công nghệ mới đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng còn e ngại, chưa sẵn sàng chấp nhận sản phẩm mới nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Trần Ngọc Dân chia sẻ về vật liệu hợp kim nhôm
Ông Trần Ngọc Dân chia sẻ về vật liệu hợp kim nhôm

Trong khi đó, bồn hợp kim nhôm trong vận chuyển xăng dầu có nhiều ưu điểm. Đó là do hợp kim nhôm không phát sinh tia lửa trong quá trình vận chuyển, nên an toàn phòng cháy chữa cháy. Khi va chạm, bồn khó rách do dầy hơn và dẻo hơn. Nhờ phản xạ, dẫn và tản nhiệt tốt, nên giảm nguy cơ tích điện và tăng nhiệt độ. Ngoài ra, nhôm có lớp oxit có khả năng ngăn chặn oxy hóa, không gây bẩn nhiên liệu, không bị ăn mòn do tác nhân thời tiết. Bồn cũng không cần phải sơn do bề mặt đẹp, không nhiễm bẩn, giúp phát hiện nhanh chóng các trầy xước, hư hỏng. Bên cạnh đó, nhôm là vật liệu dễ dàng tái chế và tỷ lệ thu hồi cao nên giảm ô nhiễm môi trường, tăng giá trị khi thải loại (giá trị thanh lý cao gấp 6 lần so với bồn thép). Do không tạo ra rỉ sét như bồn sắt, thép nên loại bồn này không phải xử lý chất thải nguy hại. Trên cùng một loại xe tải nếu sử dụng bồn hợp kim nhôm, thể tích tăng từ 10 – 20% so với bồn thép. Vì vậy, lượng nhiên liệu chở được nhiều hơn, giúp giảm hao mòn xe, giảm chi phí nhân công và các chi phí khác.

Giá thành giảm 30 – 40% so với nhập ngoại

Ông Hưng cho biết, bồn hợp kim nhôm do IMAE sản xuất theo tiêu chuẩn ASME section VIII (Mỹ), chiều dày thân bồn tối thiểu 5mm; Chỏm, vách ngăn kín tuyệt đối không chấp nhận dạng thẳng; Van xả đáy đóng/ngắt bằng hơi, điều khiển bằng công tắc khẩn cấp tại vị trí xuất nhập liệu và phía sau bồn. Thành bao hợp kim nhôm được đúc nguyên khối, liên kết hàn kín, đảm bảo an toàn không tràn nhiên liệu khi xảy ra sự cố. Để sản xuất loại bồn này, dây chuyền sản xuất sử dụng các công nghệ, thiết bị như máy ép chỏm, máy CNC plasma, bộ gá xoay, máy cuốn thân,…

Công ty giới thiệu về các sản phẩm từ hợp kim nhôm
IEMA giới thiệu các sản phẩm từ hợp kim nhôm

Theo ông Hưng, khó khăn khi đầu tư vào sản xuất vật liệu hợp kim nhôm là công nghệ hàn nhôm, bởi do tính chất đặc thù của vật liệu và phần lớn các cơ sở chưa đào tạo chuyên ngành này, nên nguồn nhân lực còn ít và trình độ chưa cao. Vì vậy, thợ hàn nhôm được IEMA đào tạo theo tiêu chuẩn EN ISO 9606 – 2. Đối với thân vỏ bồn, để đảm bảo cơ tính mối hàn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn, IEMA sử dụng công nghệ hàn tự động.

“Do được sản xuất trong nước và làm chủ công nghệ, nên giá thành của bồn hợp kim nhôm của IEMA giảm từ 30 – 40% so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại. Nếu sử dụng bồn hợp kim nhôm so với bồn thép trên cùng một loại xe, có thể tiết kiệm gần 400 triệu đồng/năm” - ông Hưng cho biết thêm.

Hiện nay, các sản phẩm bồn hợp kim nhôm do IMEA sản xuất đã được Công ty Vận tải xăng dầu Petrolimex Sài Gòn, Huế, Nghệ An; Công ty Cổ phần vận tải xăng dầu dầu khí Việt Nam; Công ty Cổ phần nhiên liệu Sài Gòn ,… đưa vào sử dụng.

Là đơn vị tiên phong trong đầu tư công nghệ sản xuất bồn hợp kim nhôm, ông Hưng cho biết, IMAE có khả năng cung cấp các sản phẩm hợp kim nhôm cho công nghiệp phụ trợ các ngành cơ khí chế tạo, cơ khí vận tải giao thông, chế biến thực phẩm... “Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ cho các đơn vị có nhu cầu phát triển, ứng dụng hợp kim nhôm vào ngành vận tải. Đặc biệt là công nghệ hàn họp kim nhôm theo tiêu chuẩn EN ISO 9606 – 2” - ông Hưng chia sẻ.