Một siêu núi lửa đang ngủ say ở ngoài khơi bờ biển Italy được cho là sở hữu sức mạnh đủ để thay đổi sự sống trên Trái đất. Do đó, các nhà khoa học muốn khoan sâu 3.000m vào lòng “con quái vật” để giải mã bí mật của nó.

Hiểm họa từ siêu núi lửa đang say ngủ

Các núi lửa là kẻ hủy diệt khủng khiếp nhất hành tinh, có khả năng gây tuyệt chủng hàng loạt, tạo ra kỷ băng hà. Cách đây 50.000 năm, thảm họa núi lửa phun trào gần như hủy diệt sạch mọi giống loài trên Trái đất.

Ngoài khơi bờ biển Italy có một siêu núi lửa đang ngủ say được cho là sở hữu sức mạnh đủ để thay đổi sự sống trên Trái đất, gọi là Campi Flegrei. Đây là một miệng núi lửa khổng lồ dưới vịnh Naples, từng gây ra hai vụ phun trào khủng khiếp vào khoảng 15.000 năm và 39.000 năm trước, không chỉ tàn phá khu vực mà còn gây ra sự thay đổi khí hậu, có thể đã dẫn đến sự tuyệt chủng của người Neanderthal.

Siêu núi lửa Campi Flegrei chụp từ không gian. Ảnh: Vulcanosolfatana

Vụ phun trào gần đây nhất của Campi Flegrei là vào năm 1538, được đánh giá là tương đối nhỏ nhưng cũng đủ mạnh để tạo thành một ngọn núi mới có tên Monte Nuovo.

Campi Flegrei vẫn còn nhiều bí ẩn đối với giới khoa học và những hoạt động địa chất đang diễn ra lặng lẽ trong lòng nó vẫn chưa được khám phá. Nhiều nhà khoa học lo ngại, nếu nó “thức tỉnh” - điều không thể dự báo, hàng triệu người ở Naples và các vùng lân cận sẽ lâm vào thảm họa.

Ước tính, siêu núi lửa Campi Flegrei có khả năng giết chết hàng triệu người xung quanh nó nếu phun trào. Nó cũng sẽ thải hàng tỷ tỷ tấn tro bụi độc hại vào khí quyển, làm thay đổi khí hậu Trái đất.

Dự án gây tranh cãi

Khoan vào Campi Flegrei - một trong những khu vực có đặc điểm địa chất nguy hiểm nhất thế giới - dường như là một ý tưởng điên rồ. Đặc biệt là mới đây, Italy vừa trải qua một trận động đất kinh hoàng và sự hủy diệt khủng khiếp nó gây ra vẫn còn ám ảnh người dân địa phương. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng dự án này sẽ giúp họ hiểu thêm về ngọn núi lửa khổng lồ đang ngủ và dự đoán thời điểm thức tỉnh cũng như sức hủy diệt của nó.

Các chuyên gia núi lửa lập luận rằng, các đặc tính của Campi Flegrei vẫn chưa được nắm bắt và cách tốt nhất để khám phá là khoan sâu vào lòng “con quái vật”. Họ muốn khoan 3.000m vào lòng Campi Flegrei vì cho rằng đây là cách tốt nhất để dự đoán khi nào nó phun trở lại. Họ có kế hoạch đặt các cảm biến vào sâu trong lòng Campi Flegrei để đo “nhịp thở” của núi lửa cũng như sự cao lên, sụt xuống hằng năm trên bề mặt của nó. Dự án được phê duyệt năm 2010.

Tiến sỹ Stefano Carlino - Viện Núi lửa và Vật lý địa cầu, người dẫn đầu dự án khoan vào lòng Campi Flegrei - nhấn mạnh: “Dự án của chúng tôi đã được thẩm định bởi một ủy ban gồm các nhà khoa học uyên bác và giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực núi lửa và khoan địa chất. Chúng tôi dám chắc không để xảy ra rủi ro cho người dân”.

Nhóm nghiên cứu đã cài đặt một hệ thống cảm biến sợi quang dưới biển ngoài khơi vịnh Naples. Việc khoan sâu lòng núi lửa sẽ giúp họ biết bằng cách nào các lớp đá giữ chặt được magma nóng bỏng chỉ chực chờ phun trào nằm bên dưới, giống như cái nút chai trong một chai rượu champagne.

Trên thực tế, các nhà khoa học đã khoan thí điểm một lỗ sâu 500m vào lớp vỏ trái đất để đo nhiệt độ và áp lực trong hố trước khi bắt tay vào thực hiện dự án. Tuy nhiên, dự án đã bị đình chỉ sau khi giới truyền thông đồng loạt đặt câu hỏi về sự an toàn và kỹ thuật khoan được áp dụng.

Tờ báo địa phương Il Mattino đăng bài trên trang nhất với tiêu đề: “Nếu chạm vào ngọn núi lửa, nó sẽ nổ tung” vào ngày 6/10/2010 - chưa đầy một năm sau khi dự án được phê duyệt.

Những người phản đối cho rằng, ý tưởng khoan vào lòng một siêu núi lửa - nơi lớp magma khổng lồ tích tụ dưới vỏ Trái đất - nếu không được tính toán kỹ lưỡng, chính xác có thể dẫn tới thảm họa khôn lường khi thay đổi trạng thái đang ngủ của núi lửa, kích thích sự thức tỉnh của nó. Một khi siêu núi lửa phun trào, nó sẽ thải ra hàng tỷ tỷ tấn tro bụi độc hại và hủy diệt sự sống trên Trái đất.

Nhà địa hóa chất học Benedetto de Vivo - Đại học Naples Federico II - quan ngại việc khoan Campi Flegrei có thể gây ra một vụ nổ thủy nhiệt nếu khoan trúng lớp quá nhiệt lỏng ngầm dưới lòng đất. Việc khoan nhầm còn có thể kích hoạt phản ứng dây chuyền, đánh thức “quái vật” đang ngủ, khiến nó tự phun trào. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, khả năng này có xác suất thấp.

Nhiều chuyên gia khác cũng bày tỏ quan ngại tương tự. Nhà núi lửa học Giuseppe Mastrolorenzo nhấn mạnh, siêu núi lửa Campi Flegrei rất bất ổn và khó đoán trước, do đó không nên mạo hiểm. Theo ông, cần áp dụng các nguyên tắc phòng ngừa cho đến khi xác định được phản ứng của siêu núi lửa này nếu bị một ngoại lực tác động.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn đang hy vọng khởi động lại dự án. Khoảng một năm sau khi dự án Campi Flegrei bị đình chỉ, ông Luigi de Magistris - thị trưởng mới được bầu ở Naples - đã “bật đèn xanh” cho việc khoan vào lòng siêu núi lửa.

Tuy nhiên lúc đó, kinh phí và thiết bị dành cho dự án đã được phân phối vào khu vực khác. Để hoàn thành việc khoan thí điểm, dự án cần được rót 6-8 triệu USD.