2015 đánh dấu một bước ngặt của Google khi quyết định tái cấu trúc bằng việc lập ra công ty mẹ Alphabet, đồng thời ra mắt tên miền abc.xyz; nhưng cũng từ sự kiện này mà họ “dính đòn đau” từ đối thủ.


Google “dính đòn”

Ngày 18/8, Google quyết định tái cấu trúc tập đoàn. Họ đã thành lập công ty mẹ có tên là Alphabet, chịu trách nhiệm quản lý Google cũng như tất cả công ty con được lập ra trước đây gồm Google, Nest, Google Capital, Fiber, Google Ventures, Sidewalk Labs, Google X và Calico.

Nhân dịp này, công ty mẹ Alphabet đã cho ra mắt trang web chính thức của mình mang tên abc.xyz. Vài ngày sau khi website này khai trương, công ty bị chơi xỏ. Trên Internet bất ngờ xuất hiện hai tên miền mới mang tên abc.wtf và abc.fail.

Theo giới truyền thông Mỹ, “WTF” là viết tắt của “What the f***” - một câu nói thô tục được dùng để diễn tả cảm xúc bất ngờ khi gặp những chuyện kỳ quặc, “khó đỡ”. Trong khi đó, từ “fail” trong tiếng Anh có nghĩa là thất bại.
 Microsoft và Google có nhiều “ân oán”. Ảnh: INT
Microsoft và Google có nhiều “ân oán”. Ảnh: INT

Đáng chú ý, khi cư dân mạng truy cập vào hai website này, nó sẽ chuyển đến công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft! Mặt khác, địa chỉ IP đăng ký hai trang web abc.wtf và abc.fail đều trùng với trụ sở của Microsoft tại Redmond, Washington. Chính điều này dấy lên nghi ngờ về việc hãng công nghệ nổi tiếng thế giới Microsoft đã “chơi đểu” Alphabet.

Tuy nhiên, Microsoft đã phủ nhận thông tin trên: “Chúng tôi không mua tên miền abc.wtf, abc.fail và chuyển hướng nó đến bing.com”. Về phần mình, Alphabet vẫn chưa có bất cứ bình luận nào về sự xuất hiện của website này.

Những vụ chơi xỏ đình đám

Chuyện Microsoft bị tình nghi là thủ phạm của vụ việc kể trên cũng chẳng có gì lạ, bởi lẽ trước đây, họ từng mở cả một chiến dịch quy mô lớn để “ném đá” kình địch Google.

Hồi tháng 11/2012, Microsoft đã mở chiến dịch mang tên Scroogled để tấn công đối thủ. Mục đích của chiến dịch này là tập trung chỉ ra những điểm yếu của Google trong một số dịch vụ của gã khổng lồ về tìm kiếm này như Play Store, Gmail, Chrome… thông qua trang mạng Scroogled.com cùng cửa hàng trực tuyến Scroogled (bán cốc, áo phông và các sản phẩm khác với những hình ảnh, chữ viết “dìm hàng” Google).

Website Scroogled có đường dẫn liên kết đến Why Microsoft - một trang tin điện tử dùng để quảng bá thiết bị, dịch vụ của Microsoft và so sánh chúng với các sản phẩm của Google.
Chiến dịch này kết thúc khi ông Satya Nadella được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành (CEO) thay thế Steve Ballmer vào tháng 2/2014.

Nếu xét về chuyện chơi xỏ đối thủ, có lẽ Microsoft là số 1. Hồi tháng 9/2010, hãng phần mềm nổi tiếng của Mỹ này đã tổ chức “tang lễ” cho iPhone, BlackBerry. Sau khi Microsoft trình làng hệ điều hành Windows Phone 7 và đưa nó đến tay các nhà sản xuất, một nhóm nhân viên của hãng phần mềm có trụ sở tại Redmond đã gây sốc khi cùng nhau xuống phố để đưa tang iPhone và BlackBerry.

Cụ thể, trên phố xuất hiện đoàn người mặc áo choàng đen và đi theo một chiếc xe tang. Hai chiếc điện thoại iPhone và BlackBerry đình đám làm bằng giấy được đoàn nhân viên của Microsoft khiêng đi “chôn cất”. Dường như các nhân viên của Microsoft rất tự tin về khả năng Windows Phone 7 của họ sẽ đặt dấu chấm hết cho hệ điều hành iOS trên iPhone và hệ điều hành BlackBerry OS trên các dòng điện thoại của BlackBerry.

Về phần Google, từ trước đến nay hãng này vốn nhiều lần là nạn nhân của các trò chơi xỏ, nhưng cũng không ít lần đóng vai trò “kẻ ném đá”. Điển hình nhất là vụ “dìm hàng” Apple. Trong hội nghị thường niên quý I năm 2011 của Google (diễn ra vào tháng 5), hãng này đã khiến cả khán phòng bật cười khi chiếu lên màn hình cảnh chú robot Android đang ngồi ăn một trái táo ngon lành. Hành động này ngụ ý, hệ điều hành Android của Google “ăn đứt” IOS của Apple.

Việc moi móc, cạnh khóe, chơi xỏ đối thủ vốn thường diễn ra khi các hãng công nghệ tung ra những sản phẩm mới. Họ chẳng ngại “dìm hàng” kẻ kình địch và qua đó làm nổi bật những tính năng sản phẩm của hãng mình.

Trong chiến dịch quảng cáo cho chiếc điện thoại Droid Razr Maxx HD vào tháng 9/2012, Motorola nêu bật ưu điểm về lượng pin của smartphone này bằng cách “dìm hàng” iPhone 4S của Apple. Cụ thể, họ sử dụng hình ảnh chiếc Droid Razr Maxx HD được dùng như là cái ắcquy để sạc pin cho iPhone 4S.