Không phải là với Mỹ hay NATO, Hải quân Nga đang gặp rắc rối với chính những vấn đề nội tại.

Bài viết đăng trên National Interest thể hiện quan điểm của tác giả về những vấn đề hiện tại của Hải quân Nga.

Trong thời đại Chiến tranh Lạnh, Hải quân Liên Xô đã gây dựng hạm đội tàu mặt nước hùng hậu để thách thức sự thống trị của Hải quân Mỹ trên đại dương. Nhưng giờ đây, thế lực một thời đạp bằng sóng gió đã không còn nữa. Cột mốc 1991 đánh dấu sự biến mất của nhiều bộ phận trong Hải quân, hoặc cắt giảm, bị bán hoặc xuống cấp.

Những gì mà nước Nga có hiện nay chỉ là cái bóng mờ của Hải quân nước xanh dương thời Đô đốc Sergey Gorshkov. Kẻ thù lớn nhất hiện nay của họ không còn là NATO hay Mỹ mà chính là nền tảng công nghiệp đóng tàu hỗn loạn và khả năng bảo dưỡng kém. Thật vậy, hỏa hoạn tại xưởng tàu lấy đi của Nga nhiều tàu chiến hơn bất kỳ hành động phá hoại nào của đối phương.

“Về cơ bản, chúng ta đang chịu sự biến mất của hải quân biển xanh dương và sự biến đổi sang một dạng giống với hải quân biển xanh lục” - Michael Kofman, nhà nghiên cứu khoa học chuyên sâu về các vấn đề quân sự Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân nói.

Tuần dương hạm Kerch của hạm đội Biển Đen.
Tuần dương hạm Kerch của hạm đội Biển Đen.

Hạm đội mặt nước hiện tại của Nga vẫn tiếp tục nhiệm vụ truyền thống là bảo vệ lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược, cung cấp hải vận xung quanh đất nước và phòng thủ khu vực. Bên cạnh đó nó còn được coi là biểu tượng cho sức mạnh quốc gia. Ví dụ điển hình theo Kofma chính là việc Nga đổ rất nhiều tiền của để duy trì những tuần dương hạm hạng nặng "Kirov”.

“Lý do quan trọng nhất để Nga đầu tư rất nhiều vào hải quân là vì muốn trở thành một cường quốc, bạn phải có hải quân - điều tạo điều kiện và cho phép triển khai sức mạnh của bạn ra bên ngoài đất nước. Thậm chí, nếu khả năng đó có hạn chế, thì nó cũng khá hiệu quả trong việc thể hiện cho người khác biết bạn không chỉ có vai trò hạn chế trong khu vực”.

Tuần dương hạm lớp Kirov được trang bị những vũ khí mới nhất, bao gồm tên lửa hành trình tầm xa Kalibr, tên lửa đối hạm siêu âm P-800 Oniks và hệ thống phòng không S-400 phiên bản hải quân. Việc nâng cấp tiêu tốn khoảng 2,1 tỷ USD mỗi chiếc, hoặc thấp hơn đôi chút với kế hoạch hiện đại hóa của hạm đội Biển Đen với “Đô đốc Nakhimov” và sau đó là “Pyotr Velikiy” - biểu tượng sức mạnh và uy tín của nước Nga ra toàn cầu.

Nhưng những pháo đài nổi như vậy và tàu sân bay duy nhất_Kuznetsov sẽ đối mặt với khả năng phải thường xuyên “lưu kho”, khi không phải lúc nào hải quân cũng có khả năng cung cấp một đội hộ tống hùng hậu cho chúng. Kuznetsov thậm chí còn phải thường xuyên đi kèm với tàu kéo, vì không phải lúc nào nó cũng tự bơi được

Đối với phần còn lại của hạm đội, Moscow từ bỏ hầu hết việc đóng các khu trục hạm và tuần dương hạm có kích thước lớn như thời Liên Xô. Dự án tàu khu trục đa năng chạy bằng năng lượng hạt nhân 18.000 tấn, lớp Lider, nếu được đặt lườn trong năm tới như kế hoạch thì cũng phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành. Nhưng cũng có khả năng nó không bao giờ thành hiện thực.

Nga đang tập trung vào các dự án nhỏ như các khu trục hạm cỡ nhỏ hoặc tàu hộ tống được vũ trang rất mạnh. Họ đang đóng hai lớp frigate: lớp “Đô đốc Gorshkov” và lớp “Đô đốc Grigorovich” đều dưới 5000 tấn, những chiến hạm đa năng này sẽ có vai trò đáng kể hơn nhiều so với thời Xô viết. Nhưng một vấn đề lớn là động cơ turbine khí phải mua của Zorya-Mashproekt, Ukraine. Khó khăn trong hợp tác có thể khiến việc hạ thủy bị đình lại tới 5 năm.

Ở khía cạnh tích cực, khi không còn nguồn cung sẵn sàng và dồi dào như thời Liên Xô, người Nga đã biết cách duy trì và đại tu các động cơ Ukraine trên những tàu hiện có. Giải pháp sâu xa được hướng đến là thuê kỹ sư Ukraine làm việc tại Nga để sớm có thể tự sản xuất được động cơ thay thế. Thậm chí, Moscow đang xem xét mua động cơ Trung Quốc (kết quả của sao chép các động cơ Đức và hợp tác sâu rộng với Ukraine).

Tên lửa hành trình tầm xa Kalibr có thể được phóng từ những tàu nhỏ như Grad Slavyazhsk lớp Buyan-M
Tên lửa hành trình tầm xa Kalibr có thể được phóng từ những tàu nhỏ như Grad Slavyazhsk lớp Buyan-M

Ngoài các khu trục hạm nhỏ, việc xây dựng hạm đội mặt nước được tập trung cho các tàu hộ vệ, nhỏ bé, nhưng ẩn chứa sức mạnh khổng lồ. Không giống Mỹ, tàu hộ vệ Nga chỉ từ 2000 tấn nhưng mang tên lửa hành trình đối đất tầm xa như đội tàu Biển Caspian khi tác chiến ở Syria.

Hai lớp tàu hộ vệ chủ yếu là Steregushchy và Buyan-M. “Tàu nhỏ không được thiết kế để thống trị đại dương, nhưng chúng thực sự khó chịu với những tên lửa Kalibr” Kofman nói.

Nhưng một vấn đề khác lại nảy sinh - đó là hiện tượng loạn lớp tàu. Số lượng tàu mỗi lớp được đóng rất ít, sau đó chuyển sang lớp mới. Điều này tạo ra cơn ác mộng cho việc duy trì. Vi dụ điển hình là tàu đổ bộ xe tăng lớp Ivan Gren, là một thiết kế rất có tiềm năng, nhưng chỉ hai chiếc được đóng. Bất chấp việc Nga cần thay thế những tàu cũ kỹ. Thực tế, có hàng loạt các lớp tàu khác nhau tiếp tục được đóng theo cặp. Kofman cho rằng: “Hải quân Nga bị vướng vào vấn đề khủng khiếp về phân chia các lớp tàu này”.

Nguyên nhân là có quá nhiều nhà máy đóng tàu, trong nhiều trường hợp, một thiết kế được đặt hàng nhằm mục đích duy trì các nhà máy hoặc mục đích chính trị. “Công nghiệp đóng tàu là ngành tồi tệ nhất trong hệ thống công nghiệp quốc phòng của Nga”. Ta thường xuyên thấy sự chậm trễ, các vấn đề về kỹ thuật , tham nhũng tràn lan. Một nguyên nhân trước mắt, dễ giải quyết hơn là lửa. Trong tháng 6, một tàu quét mìn bị cháy ngay trong quá trình đóng. Một trường hợp khác vào tháng 11 năm 2014, tại Sevastopol, ngọn lửa đã thiêu cháy “niềm tự hào của hạm đội Biển Đen”- tàu tuần dương Kerch lớp Kara.