Tạ Xuân Hiển, founder kiêm CEO Joolux – nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng – đã có khoảng 40.000 user và trong số đó có 60% là active user, tức khách hàng thường xuyên lui tới trang web Joolux.com. khiến không ít người ngạc nhiên khi biết anh vốn là một tiến sĩ ngành xây dựng.

Tạ Xuân Hiển – Founder kiêm CEO Joolux.
Tạ Xuân Hiển – Founder kiêm CEO Joolux.

Thấy tiềm năng từ am hiểu thị trường

Vốn đam mê lĩnh vực xây dựng, Tạ Xuân Hiển (sinh năm 1984, quê Yên Bái) đã sớm có ý định du học để phát triển chuyên môn. Năm 28 tuổi, anh tốt nghiệp thạc sĩ xây dựng tại Đại học Viện Khoa học Công nghệ Tiên tiến KAIST (Hàn Quốc), sau đó tiếp tục cùng gia đình sang Mỹ học tiến sĩ tại đại học bang Washington, Mỹ. Song cũng trong khoảng thời gian ở Mỹ, Hiển đã hiểu thêm khá nhiều điều về một thị trường ngách đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Anh chia sẻ: “Khi ở Mỹ, cũng như nhiều người khác tôi và bà xã có trải nghiệm eBay và các nền tảng đấu giá trực tuyến khác, vốn đã phát triển rất mạnh và được nhiều người dùng. Khi nhận thấy người ta đấu giá rất nhiều sản phẩm thượng vàng hạ cám online, tôi tự hỏi vì sao không phát triển một nền tảng tương tự tại Việt Nam, thay vì cứ buôn hàng Mỹ theo chuyến kiểu nhỏ lẻ. Vậy là ý tưởng về một nền tảng thương mại online ra đời, ban đầu là một trang đấu giá trực tuyến các sản phẩm sưu tập và sản phẩm khó định giá từ Mỹ. Tôi đã mất khoảng 6 tháng vừa làm luận án tiến sĩ, vừa thành lập core team ở Việt Nam và cho ra đời platform này.”

Vậy còn ước mơ trở thành chuyên gia xây dựng thì sao? Hiển tâm sự: “Càng ở Mỹ lâu, tôi càng thấy rõ mình không mong muốn sống cuộc sống của một chuyên gia hay nhà nghiên cứu hàn lâm. Có nhiều điều mình cảm thấy hấp dẫn hơn từ kinh doanh. Vậy là sau một thời gian trăn trở, suy nghĩ và thuyết phục gia đình, tôi quyết định bắt tay vào startup ngay thời điểm sắp xong luận án tiến sĩ.”

Nhưng con đường khởi nghiệp không dễ dàng, kể cả với… tiến sĩ. Joolux của Hiển cũng đã điều chỉnh nhiều lần trước khi tìm ra hướng đi như hiện nay. “Đầu năm 2018, tôi và các đồng sáng lập đã điều chỉnh hướng đi chiến lược của Joolux trở thành nền tảng bán hàng hiệu đã qua sử dụng. Tôi nhận thấy hướng phát triển này phù hợp với người Việt hơn là đấu giá trực tuyến. Người dân trung lưu thành thị nước ta đang tăng nhanh, cùng với đó là nhu cầu dùng hàng hiệu. Tuy nhiên mức giá của các hàng hiệu mới 100% của LV, Chanel,… là rất đắt, thông thường hàng chục triệu đến trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, người chơi hàng hiệu thường chỉ dùng một món hàng chỉ một, hai lần, sau đó… không biết làm gì với nó! Việc ra đời một platform bán hàng hiệu đã qua sử dụng nhưng còn mới hơn 90%, với mức giá trung bình chỉ bằng 40-80% giá mua mới, sẽ giúp giải quyết bài toán cung – cầu này. Chúng tôi không thu mua hàng, mà là nơi để người có hàng hiệu cần sang nhượng kí gửi trên platform, Joolux thu hút người mua hàng và doanh thu đến chủ yếu từ việc tính phí trong giá trị từng món hàng mà người kí gửi bán được. Ngoài ra, với công nghệ kiểm định độc quyền Entrupy mua bản quyền từ Mỹ, chúng tôi tự tin có thể kiểm tra rõ ràng nguồn gốc của món hàng hiệu, từ đó xây dựng lòng tin với khách hàng từ việc trải nghiệm sản phẩm.”

Sau hơn một năm khởi nghiệp, có vẻ như quyết tâm và tầm nhìn của Xuân Hiển về thị trường đã phần nào được hiện thực hóa. Cho đến nay, đây là nền tảng duy nhất tại Việt Nam kinh doanh hàng hiệu đã qua sử dụng. Joolux đã có khoảng 40.000 user và trong số đó có 60% là active user, tức khách hàng thường xuyên lui tới trang web Joolux.com.

Mơ về một hệ sinh thái hàng hiệu

“Khi chúng tôi đặt tên platform là Joolux, có nghĩa là ‘journey of luxury’ (tạm dịch: hành trình của hàng hiệu - PV), chúng tôi đang có mơ ước về một hệ sinh thái hàng hiệu trong tương lai không xa tại Việt Nam”, Xuân Hiển hào hứng nói. “Trong hệ sinh thái ấy, tôi mường tượng sẽ có cộng đồng những người chơi hàng hiệu tại Việt Nam, với phong cách sống thành thị hiện đại, trẻ trung… Trong số đó là những người sẽ kí gửi hàng, mua hàng, vận chuyển hoặc sử dụng dịch vụ spa cho hàng hiệu từ nền tảng này.”

Các món hàng hiệu được Joolux bảo quản kỹ lưỡng.
Các món hàng hiệu được Joolux bảo quản kỹ lưỡng.

Nhưng trước khi “hệ sinh thái hàng hiệu” thành hình, nhà sáng lập Joolux đang còn rất nhiều việc phải làm. Hiển cho biết, cũng như mọi công ty khởi nghiệp, sau khi tìm được mô hình kinh doanh phù hợp, có hai thách thức lớn cần giải quyết: “Đó là thu hút người giỏi và giải bài toán tài chính. Hiện nay cả 3 co-founder của Joolux đều không nhận lương. Ngoài ra, chúng tôi cũng có chính sách thu hút người giỏi (key player) về với công ty, trong số đó là chiến lược trả cổ phần cho người giỏi, để họ gắn bó với công ty như một phần của chính mình.”

Còn vấn đề tài chính thì sao? Hiển cho biết: “Có những giai đoạn như giữa năm 2018, chúng tôi đã phải cắt giảm khá nhiều nhân sự để giảm chi phí vận hành. Lúc ấy thực sự khó khăn. Tuy nhiên tôi tin rằng Joolux đã vượt qua thời điểm căng thẳng tài chính nhất. Hiện tại chúng tôi có 3 nhà đầu tư thiên thần. Năm ngoái, Joolux cũng đã vào top 10 cuộc thi Startup Wheel. Cùng với nhiều lần tham dự pitching khác, chúng tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm về kêu gọi đầu tư. Tôi hi vọng sắp tới sẽ có thêm nguồn tài chính để phát triển thêm mảng cho thuê hàng hiệu và đẩy mạnh các kênh quảng bá, marketing cho Joolux.”

Dù còn nhiều thử thách, Xuân Hiển khá lạc quan khi nhìn về thị trường hàng hiệu ở Việt Nam. “Những nghiên cứu thị trường của Joolux cho thấy quy mô thị trường hàng hiệu ở nước ta hiện tại có thể lên đến 1 tỷ USD. Chúng tôi mong muốn chiếm 50% chiếc bánh này trong 3-4 năm tới”, Hiển tự tin nói.

Joolux thu hút người mua hàng và doanh thu đến chủ yếu từ việc tính phí trong giá trị từng món hàng mà người kí gửi bán được. Ngoài ra, với công nghệ kiểm định độc quyền Entrupy mua bản quyền từ Mỹ, chúng tôi tự tin có thể kiểm tra rõ ràng nguồn gốc của món hàng hiệu, từ đó xây dựng lòng tin với khách hàng từ việc trải nghiệm sản phẩm.