Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thịnh – chuyên gia R&D của Công ty cổ phần kỹ thuật nền móng và công trình ngầm FECON - xung quanh vấn đề ngập úng ở các thành phố lớn và ghi nhận được những chia sẻ khá thú vị.

Theo ông, có những giải pháp nào tốt có thể áp dụng cho Việt Nam để giải quyết bài toán úng ngập?

Giải pháp thì có nhiều lắm và cần tổng thể. Nhưng ít nhất, hiện tại có 3 việc có thể làm được và liên quan đến hệ thống thoát nước, trữ nước tạm thời chống úng ngập.

Đầu tiên là cải tạo các hồ điều hòa, bằng cách nạo vét lòng hồ thường xuyên. Thứ hai là cải tạo lại hệ thống kênh, mương, thoát nước cưỡng bức và thứ ba là xây dựng các bể chứa nước ngầm thật lớn.

Thực tế ở Nhật, có rất nhiều những bể, hồ chứa nước mưa trong thành phố, có thể chứa đến 30.000 mét khối nước. Khi mưa xuống, nước sẽ đổ về bể này, giúp cho thành phố luôn khô ráo, sạch sẽ. Khi trời nắng, vào mùa khô, nước mưa tích được từ các bể này có thể được hút lên để tưới cây, rửa đường. Thậm chí tại Nhật, có những bể được trang bị hệ thống xử lý nguồn nước này cực tốt, cho phép người ta có thể lấy nước này để sinh hoạt.

Hiện nay tại Việt Nam, mưa, ngập thì cố gắng tống nước ra sông, ra kênh, nếu mưa nhiều ngày, nước sông dâng không tiêu thoát được thì toàn bộ công tác thoát nước bằng hệ thống kênh mương tự chảy sẽ phá sản, khi đó sẽ phải dùng bơm để bơm nước ra ngoài, tuy nhiên các trạm bơm ở Hà Nội và TPHCM còn quá ít.

Như vậy, với các đô thị như Hà Nội và TPHCM việc xây dựng các bể nước ngầm là phương án khá khả thi. Các bể này có thể xây ở những khu dân cư mới, trong phạm vi đất dành cho công viên và cây xanh, trên các tuyến đường nội bộ của khu dân cư. Với việc xây dựng kết hợp thế này, ta có một tổ hợp 2 trong 1: Hoặc là công viên cây xanh để mọi người dạo chơi, sinh hoạt tập thể như bình thường, phía dưới là bể chứa nước; hoặc là đường đi.

Về việc cải tạo hệ thống kênh rạch, tôi ví dụ như sông Tô Lịch của Hà Nội: Các bạn thấy mặt cắt ngang kênh là mái dốc taluy thường tỷ lệ là 1/2 hoặc 1/1,75, đôi chỗ có thể 1/1 hoặc 1/0,5, hầu hết các kênh, mương ở Việt Nam đều đang làm theo cách này, tức là được xây dựng theo hình chữ V – dưới nhỏ, trên lớn, khiến mất diện tích bên trên, mà bên dưới lòng lại nhỏ - hẹp, có cải tạo cũng không mở rộng được bao nhiêu, khiến việc trữ nước và thoát nước hạn chế.

Tuy nhiên, ở nhiều nước trên thế giới lại có cách làm khác. Đó là cải tạo theo dạng thẳng đứng. Tức là đào sâu, tạo nên đáy kênh và mặt kênh bằng nhau, dưới đáy mở rộng để tăng hệ thống trữ, thoát nước, ở mặt trên của kênh làm hẹp lại, có thể tăng diện tích cho giao thông.

Nếu tất cả hệ thống kênh, mương, sông ở Hà Nội và TPHCM làm theo cách này thì sẽ cải thiện được rất nhiều cả về thủy lợi, úng ngập hay giao thông trong thành phố.

Đặc biệt, tại các thành phố đông dân cư như TPHCM và Hà Nội, giải pháp căn bản lâu dài là phải xây dựng hệ thống thoát nước ngầm, thực hiện thoát nước theo nguyên tắc bơm cưỡng bức. Hệ thống thoát nước ngầm sẽ được xây dựng âm dưới mặt đất 10-20m, có thể nằm ngay dưới các dải phân cách của đường phố, dưới hè phố hoặc dưới đáy các sông ngòi. Các hệ thống này đã được sử dụng nhiều tại Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia).

Hệ thống kênh dẫn nước chống úng ngập
Hệ thống kênh dẫn nước chống úng ngập

Vậy theo ông, lý do gì khiến hiện nay mình chưa làm được theo cách này?

Lý do chính là công tác quy hoạch chưa đưa vào, hoặc do vấn đề kinh phí chưa cho phép. Hiện nay, tại TPHCM đang thực hiện một số dự án thoát nước ngầm sử dụng công nghệ kích đẩy ống bêtông tròn dưới lòng đất. Công nghệ này sẽ rất phổ biến trong 3-5 năm tới.

Bên cạnh đó, một số nơi đã cải tiến kênh mương theo cách tăng thêm năng lực thoát nước bằng việc tăng chiều sâu kênh thoát: Ví dụ như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Người ta sử dụng những bức tường cừ W để tạo nên những thành sông dựng đứng, tiết kiệm diện tích và tăng khả năng trữ, thoát nước cho lòng sông. Đã có rất nhiều kênh rạch ở TPHCM làm thế, song công nghệ tường cừ áp dụng tại các kênh này cũng chưa phải là công nghệ tốt nhất, độ chịu lực không cao (vào khoảng 300 tấn/cọc). Với mức chịu lực này, sẽ không thể tạo nên những chiếc hầm ngầm chứa nước sâu, có thể là 2-3 tầng ngầm thoát nước như tôi đã đề cập.

Mới đây, tại FECON, chúng tôi đã sản xuất và hoàn thành thử nghiệm một loại tường cọc cừ bêtông khác, có khả năng chịu lực cao lên đến 800 tấn/cọc và đã thử nghiệm thành công tại dự án giao thông BOT Phủ Lý. Khi được đưa vào thực tế thì các tường cọc cừ này mới thực sự có thể đáp ứng được những giải pháp mà chúng tôi nói trên: Xây dựng nhanh các bể ngầm chịu lực tốt, hệ thống thoát nước ngầm nhiều tầng, kiên cố hóa các bờ kênh, mương. Bên cạnh đó, sản phẩm này còn sử dụng rất tốt cho xây dựng metro và hầm đường bộ.

Xin ông có thể nói rõ hơn về công nghệ tường cừ này?

So với tường cừ W thì tường cừ vuông của FECON có mức chịu lực cao hơn (khoảng 800 tấn/ cọc); hay là chiều dài lớn nhất của W hiện tại chỉ khoảng 25m, trong khi sản phẩm của chúng tôi có thể hàn nối để tăng thêm độ dài cho cọc cừ đến 50-60m (điều này sẽ không có nếu sử dụng cừ W).

Đây là những cọc cừ bêtông ly tâm được sản xuất theo công nghệ mới, hình vuông, các cọc cừ áp sát vào nhau, có nối với nhau bởi những thanh giằng và rãnh, giúp tạo ra những bước tường bêtông cực kỳ kiên cố, dễ thi công.

Sản phẩm cừ bêtông ly tâm đã được ứng dụng cho rất nhiều ngành ở Nhật Bản và Hàn Quốc từ xây dựng, giao thông đến thủy lợi. Mong rằng ở Việt Nam, các nhà quản lý sớm biết đến sản phẩm này để giúp Hà Nội, TPHCM và nhiều thành phố khác có thể ứng dụng, giải quyết vấn đề thoát nước nói riêng và công trình ngầm, hạ tầng nói chung.

Cảm ơn những chia sẻ của ông.