Con đường đến với cuộc thi cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) ở Mỹ của em Phạm Huy nghẹt thở đến những phút cuối. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, Nam đã nỗ lực đoạt giải 3 cuộc thi này với sản phẩm cánh tay robot hữu ích cho người tàn tật.

Càng ngăn cấm… càng đam mê

Từ khi biết em Phạm Huy (sinh năm 2000, học sinh lớp 11, trường THPT thị xã Quảng Trị) sang Mỹ tham gia cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF), bà con lối xóm trong làng Bích La Hậu (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) - nơi gia đình Huy sinh sống, đều vui mừng, phấn khởi.

Vì thế, khi nhận được kết quả cuộc thi, người dân càng vui mừng hơn. Anh Quang Hiền (người dân cùng xã) cho biết, Huy là đứa con ngoan hiền, học giỏi, ở quanh xã rất nhiều người biết đến em và tự hào vì em đạt giải cao ở quốc gia và tham gia giải Quốc tế.

Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Niềm (sinh năm 1973, mẹ của Huy), từ nhỏ Huy đã đam mê đồ điện tử, tự tay làm ra đồ chơi cho mình, do không ảnh hưởng gì đến việc học nên gia đình cũng hưởng ứng.


Huy và thầy Lê Công Long (Giáo viên hướng dẫn). Ảnh: NVCC.

Nhưng khi học cấp 2, cấp 3, gia đình cũng khuyên bảo, ngăn cấm để Huy tập trung cho việc học hành.

Tuy nhiên, càng ngày niềm đam mê của Huy càng bộc lộ rõ. Khi lên cấp 3, Huy từng bỏ đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa cấp tỉnh để học Anh văn và lập trình.

“Máu” đam mê đã ăn sâu khiến Huy xin tiền lén lút tiếp tục nuôi niềm đam mê máy móc. Năm lớp 11, Huy tự lập làm các công việc chế tạo máy móc, gia đình có phần ủng hộ nhưng cũng khuyên bảo con hạn chế hơn để lo cho việc học.

Chị Niềm cho biết: “Huy là đứa sống nội tâm, rất khiêm tốn, bản lĩnh, tự tìm tòi, học hỏi và đam mê máy móc. Gia đình cũng hướng cho con học ngành kỹ thuật, nhưng lúc đó mình chỉmong con học hành ở trường, rồi từ từ tiếp tục với máy móc. Dù gia đình có cấm nhưng vẫn sợ con bị tắt ngọn lửa đam mê”.

Theo tìm hiểu, trước khi đến với cánh tay robot, Huy đã chế tạo nhiều sản phẩm nhưng đều không như mong muốn. Không nản chí, Huy đầu tư nghiên cứu, ôm ấp nhiều năm liền để chế tạo ra cánh tay robot hữu ích.


Sản phẩm cánh tay robot của Huy. Ảnh: NVCC.

Là học sinh lớp 11, Huy gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện cánh tay robot. “Huy gặp nhiều khó khăn lắm, đó là khi mẫu in 3D được đặt hàng về nhưng khi lắp vào lại không khớp, lại vứt đi. Còn về tài chính, gia đình cũng khó khăn nên không hỗ trợ được nhiều, họ hàng cũng có hỗ trợ một phần nào”, anh Phạm Xuân Đính (sinh năm 1972, bố của Huy) cho biết.

Niềm vui "nghẹt thở"

Tưởng chừng như sản phẩm đã đạt được giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia của Huy sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn khi sang Mỹ để tiếp tục thi đấu. Thế nhưng, con đường đến với cuộc thi ở Mỹ nghẹt thở đến những phút cuối.

Chia sẻ về giây phút Huy bị từ chối được sang Mỹ do không cấp được visa, chị Niềm tâm sự: “Lúc ấy, gia đình chúng tôi buồn lắm, vì bạn bè của Huy ai cũng đi hết rồi, chỉ mình nó ở lại. Đến bây giờ, chúng tôi cũng không biết ai đã giúp nó, vì có quá nhiều người kêu gọi, giúp đỡ nó được sang Mỹ thi đấu, nuôi dưỡng đam mê cho nó”.

Trải qua 3 lần mới được cấp visa, gia đình không khỏi phấn khởi, bởi Huy được tham gia cuộc thi, được cọ xát với đấu trường quốc tế, học hỏi được nhiều điều hay.

Chị Niềm cho biết, hằng ngày, mọi hoạt động học tập, sinh hoạt của Huy chỉ quanh quẩn trong bán kính 5 km, thế nhưng với việc được tham dự một cuộc thi quốc tế, cậu đã một mình bay nửa vòng Trái đất, thi đấu nơi xứ người. Đó cũng là điều mà người mẹ càng khâm phục càng lo lắng cho cậu con trai của mình.

“Gia đình chúng tôi lo lắng nhiều lắm, nín thở chờ tin con, những hôm Huy bay sang Mỹ đêm nào tôi cũng không ngủ được. Vậy mà khi có kết quả rồi, tôi cũng không chợp mắt được”, chị Niềm tâm sự.

Đến 3h sáng ngày 20/5, Huy gọi điện về thông báo đã đạt giải Ba khiến cả nhà vỡ òa vui sướng.

Từ khi biết kết quả, công việc của anh chị vẫn không có gì thay đổi, có chăng là niềm vui dâng trào hơn. “Tôi vẫn ra quán để sửa xe máy cho khách, vợ tôi cũng ra chợ bán vải áo quần như mọi ngày”, anh Đính cho biết.

Hiện tại, có một số trường đồng ý tài trợ học bổng đến hết cấp 3, nhiều trường mời học nhưng gia đình muốn Huy tự quyết định. Còn bây giờ, gia đình mong muốn Huy được đi du học, học hành đến nơi đến chốn và tiếp tục với niềm đam mê của mình.