Hàng năm, trên thế giới có hàng trăm hội nghị, hội thảo khoa học liên quan đến địa kỹ thuật, địa chất, công trình ngầm… thu hút đông đảo các nhà khoa học tham gia. GEOTEC HANOI là một trong số ít những hội nghị chuyên ngành như thế được tổ chức tại Việt Nam.

Screen Shot 2016-08-04 at 9.55.27
TS. Phùng Đức Long tại Hội nghị GEOTEC HANOI lần 2 năm 2013

Được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2011, lần 2 vào năm 2013 và tới đây là lần thứ 3 - tháng 11/2016, bởi Công ty Cổ phần FECON cùng Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình (Hội CHĐ & ĐKTCT), Hội nghị đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia. Theo Ban tổ chức, Hội nghị GEOTEC HANOI 2016 đã nhận được 187 báo cáo tóm tắt của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ 32 nước và vùng lãnh thổ.

Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, Tạp chí GTVT đã có cuộc trao đổi với TS. Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức Hội nghị GEOTEC HANOI 2016.

PV: Xin ông cho biết vì sao các hội nghị như thế này trên thế giới được tổ chức rất thành công, nhưng ở Việt Nam lại chưa được quan tâm tổ chức thường xuyên?

TS. Phùng Đức Long: Thứ nhất là khoa học ở Việt Nam chưa thực sự được coi trọng đặc biệt là khoa học công trình; thứ hai là chúng ta thiếu nhà tổ chức nghiêm túc, chuyên nghiệp để tổ chức các hội nghị tầm cỡ cấp quốc tế. Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOIthực sự được coi trọng, các nhà tổ chức có trình độ, năng lực chuyên môn cao, cũng như có tham vọng thiết lập một Hội nghị chuyên nghiệp được tổ chức thường kỳ, có tầm ảnh hưởng lớn trong các ngành khoa học công trình.

PV: Địa kỹ thuật là lĩnh vực quan trọng, nhưng lại ít được mọi người biết đến, ông có thể cho bạn đọc hiểu rõ hơn vai trò của địa kỹ thuật trong đời sống (xây dựng, giao thông, hạ tầng) hiện đại?

TS. Phùng Đức Long: Địa kỹ thuật là một lĩnh vực rất rộng, có mặt ở khắp nơi, bao gồm xây dựng nền móng công trình dân dụng và công nghiệp, công trình giao thông và hạ tầng cơ sở, cầu cảng, thủy điện, thủy lợi… Các nhà cao tầng và siêu cao tầng đang mọc lên ở khắp nơi, rất nhiều trong số đó được xây dựng trên nền đất yếu. Các công trình giao thông có quy mô lớn, phức tạp, được thi côngtrong điều kiện địa chất khó khăn. Các công trình cầu, cảng, đập thủy lợi cũng ngày càng lớn… Chúng ta thường nghe nói đến các tai nạn trượt lở cướp đi nhiều sinh mạng tại Việt Nam và trên thế giới. Đó là chính là địa kỹ thuật. Ở nhiều nước trên thế giới, ví dụ ở Thụy Điển, tại những khu vực dễ xảy ra trượt lở đe dọa tính mạng con người, người ta thường lắp đặt các hệ thống cảnh báo tự động sử dụng các thiết bị quan trắc dịch chuyển đất nền tại hiện trường. Công tác này do các đơn vị Nhà nước thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. Đây là một vấn đề địa kỹ thuật hết sức quan trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm.

Một vấn đề khác mà nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt: Biến đổi khí hậu (climate change) cũng liên quan đến địa kỹ thuật. Một số vấn đề rất nóng mà chúng ta đang thấy, như khi xảy ra vấn đề nước biển dâng, nhiễm mặn thì xử lý thế nào? Chính vì vậy mà tại Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI lần 3 có hẳn một tiểu ban chuyên sâu về vấn đề này.

PV: Được biết, ông là một trong số những người đầu tiên có vai trò quan trọng trong việc tổ chức các Hội nghị GEOTEC tại Hà Nội, xin ông cho biết lý do nào khiến ông tâm huyết với Hội nghị đến như vậy?

TS. Phùng Đức Long: Câu hỏi này rất thú vị! Là một nhà khoa học, tôi rất muốn tổ chức những hội nghị khoa học lớn tại Việt Nam. Để tổ chức được các hội nghị khoa học lớn cần tiềm năng tài chính mạnh, trong khi các nhà khoa học lại không có tiền. Các hội nghị lớn trên thế giới tổ chức đều được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp với phí hội nghị cao. Chính vì thế, khi FECON đặt vấn đề trực tiếp với Hội CHĐ& ĐKTCT và cá nhân tôi về việc tổ chức Hội nghị GEOTEC HANOI, chúng tôi hưởng ứng ngay.

Chúng tôi đã cùng nhau tổ chức một hội nghị khoa học tầm cỡ quốc tế từ năm 2011 và khẳng định chúng ta có thể làm được việc này tại Việt Nam.

Để tổ chức thành công hội nghị khoa học quốc tế như vậy, chúng tôi đã chuẩn bị rất chu đáo, tỷ mỷ trong mọi khâu. Các tiểu ban phải hoạt động chuyên nghiệp, ngày đêm. Ví dụ về nội dung khoa học, chúng tôi phải chuẩn bị hàng năm trời. Các bài giảng chuyên sâu (keynote lectures) phải do các chuyên gia hàng đầu thế giới thực hiện, được tuyển chọn rất kỹ theo giới thiệu của bạn đồng nghiệp quốc tế và mời rất công phu. Để có một tuyển tập khoa học giá trị, việc kêu gọi bài viết được thực hiện từ rất sớm trên toàn thế giới. Công tác chuẩn bị được tiến hành rất chuyên nghiệp từ khâu báo cáo tóm tắt, lựa chọn phản biện bởi các chuyên gia quốc tế, đến việc chỉnh sửa và biên tập. Công tác biên tập trình độ quốc tế thậm chí còn mới mẻ với các nhà xuất bản trong nước. Nhiều chuyên gia quốc tế và khu vực đều có chung nhận xét, GEOTEC HANOI đang dần trở thành sự kiện có uy tín, và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà khoa học công trình trong khu vực và thế giới. Minh chứng là đến thời điểm này, Ban tổ chức Hội nghị GEOTEC HANOI 2016 đã nhận được gần 200 đăng ký báo cáo khoa học, đến từ 32 nước và vùng lãnh thổ.

Các bài giảng chuyên sâu (keynote lecture) là một trong những điểm mấu chốt cho thành công của Hội nghị khoa học. Từ năm 2011 đến nay, Hội nghị đã có được những bài giảng chuyên sâu của những nhà khoa học tên tuổi như giáo sư, tiến sĩ Sven Hansbo (Thụy Điển), Kenji Ishihara (Nhật Bản), Hary Poulos (Úc), Pieter Vermeer (Hà Lan), Alain Guilloux (Pháp), Rolf Katzenbach (Đức), Fumio Tatsuoka (Nhật), Kenichi Soga (Anh), Helmut Schweiger (Úc), Bengt Fellenius (Canada), Buddhima Indraratna (Úc), Kazuya Yasuhara (Nhật Bản), Jamie Standing (Vương Quốc Anh), Chang-Yu Ou (Đài Loan)… Năm nay, 5 nhà khoa học đến từ 4 châu lục sẽ góp mặt tại Hội nghị GEOTEC HANOI 2016.

PV: Là người làm việc lâu năm trong lĩnh vực địa kỹ thuật tại Việt Nam và quốc tế, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự đánh giá và dành sư quan tâm đúng cho lĩnh vực Địa kỹ thuật chưa?

TS. Phùng Đức Long:Theo tôi, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đến lĩnh vực này như FECON, TELICO, PHAN VU… Đại đa số các doanh nghiệp đã đánh giá đúng tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật. FECON đơn vị tiêu biểu trong số các doanh nghiệp này, đã chú trọng đầu tư rất nhiều cho khoa học kỹ thuật. Ở FECON, có viện nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới của thế giới vào Việt Nam. Tôi cảm thấy vui vì công ty này luôn coi khoa học là khâu then chốt của sự thành công.

PV: Hội nghị Quốc tế GEOTEC HANOI lần 3 này đã nhận được gần 200 tham luận của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới gửi đến, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

TS. Phùng Đức Long:Uy tín của Hội nghị được khẳng định trên thế giới, các nhà khoa học trong nước và thế giới ngày càng thấy được đây là điểm đến thú vị. Minh chứng từ những con số sau: Hội nghị lần thứ nhất, 2011, đã thu hút được hơn 100 báo cáo từ 25 nước; Hội nghị lần thứ hai, 2013, 112 báo cáo từ 28 nước. Hội nghị lần ba, 2016, đến thời điểm này gần 200 báo cáo đã được gửi đến từ 32 nước.

PV: Thưa ông, Hội nghị lần này sẽ tập trung vào những vấn đề gì và mục đích đạt được của Hội nghị?

TS. Phùng Đức Long:Hội nghị lần này sẽ tập trung vào địa kỹ thuật và địa kỹ thuậtcàng sâu hơn càng có nhiều người quan tâm hơn. Hội nghị lần này có nhiều bạn đồng nghiệp quốc tế đã tham dự các hội nghị lần trước, lần này họ sẽ tiếp tục đến dự với sự quan tâm ngày càng cao. Lý do đơn giản vì họ thích, thấy bổ ích, thú vị, thấy dễ chia sẻ và hòa nhập. Mọi người được bày tỏ quan điểm học thuật tự do thoải mái, được tiếp cận, trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp trên thế giới.

Mục đích của Hội nghị cũng là để quảng bá hơn nữa về đất nước Việt Nam, giới thiệu thị trường rộng lớn tại Việt Nam, cũng như những vấn đề địa kỹ thuật mà Việt Nam đang đối mặt, như vấn đề biến đổi khí hậu, các vấn đề địa kỹ thuật ven biển và ven sông; vấn đề bảo trì, bảo dưỡng công trình ngầm địa kỹ thuật…

Xin trân trọng cám ơn ông!