Không giống Apple buộc phải chia sẻ thương hiệu iPhone với một nhà sản xuất đồ da, Facebook đã thắng kiện một công ty nước giải khát Trung Quốc lấy thương hiệu là “Face Book”.

Facebook, face book

CEO Facebook tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 3/2016.

Cuộc chiến thương hiệu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng lần này ông lớn mạng xã hội của Mỹ đã ra đi với chiến thằng trong tay.

Cuối tháng trước, Tòa án Tối cao Bắc Kinh đã xử cho gã khổng lồ mạng xã hội Facebook thắng trong vụ kiện với công ty nước giải khát Trung Quốc sở hữu thương hiệu “face book”. Công ty nước giải khát Zhujian có trụ sở tại Trung Sơn, chuyên bán các sản phẩm đồ uống và cháo có vị sữa, cho biết công ty này đã đăng ký thương hiệu “face book” hay 脸书, (lian shu) vào năm 2011. Zhujian vấp phải sự phản đối từ phía Facebook, nhưng đã được Hội đồng Xem xét và Đánh giá Thương hiệu, cơ quan quản lý thương hiệu của Trung Quốc, cấp phép sử dụng vào năm 2014.

Nội dung phán quyết được đăng trên tài khoản Weibo chính thức của tòa án Bắc Kinh có đoạn viết: quyền sử dụng thương hiệu này đã bị thu hồi và hiện các nhà quản lý có quyền xem xét lại quyết định này.

Liu Hongqun, nhà quản lý tiếp thị của Công ty nước giải khát Zhujiang cho hay: “Lian shu là thứ gì đó rất Trung Quốc. Chúng tôi có ý tưởng về cái tên lian shu trong các vở nhạc kịch truyền thống”, ông ám chỉ các loại mặt nạ phức tạp, hay còn được gọi là các “face book” tại Trung Quốc, thường được dùng để thể hiện các nhân vật lịch sử trong nhạc kịch cổ truyền Trung Quốc, đặc biệt là trong kinh kịch.

Đương nhiên, Facebook không hài lòng với sự “tình cờ trùng hợp” đó và đã qua lại với cơ quan quản lý thương hiệu một thời gian để dàn xếp vụ việc trước khi kiện lên tòa án tối cao Bắc Kinh. Cuối cùng phần thắng đã thuộc về Facebook còn Zhujiang tiếp tục kháng cáo, và theo phán quyết gần đây nhất thì công ty vẫn bị xử thua.

Phía Facebook từ chối bình luận về vụ việc.

Ông Liu lập luận rằng mặc dù Facebook là một thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, nhưng tại Trung Quốc, nó đã bị chặn từ năm 2009. Ông Liu đặt câu hỏi: “Có bao nhiêu người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận hoặc đăng nhập vào Facebook tại Trung Quốc đại lục? Chúng ta có thể tiếp cận được với sản phẩm này tại đâu ở Trung Quốc đại lục?”

Thắng lợi của Facebook đã trở thành một điểm sáng cho các công ty Mỹ vốn trước đến giờ phải trải qua rất nhiều cuộc chiến về thương hiệu. Cuối tháng 3 vừa rồi, tòa án Bắc Kinh đã xử cho một công ty sản xuất túi da Trung Quốc được phép sử dụng thương hiệu “IPHONE” song song với thương hiệu điện thoại di động iPhone của Apple.

Tòa án cho rằng Apple đã không thể chứng minh được thương hiệu của họ nổi tiếng ở Trung Quốc trước khi công ty sản xuất phụ kiện này xin cấp chứng nhận sở hữu thương hiệu vào năm 2007, mặc dù Apple là công ty đăng ký cái tên này trước, từ năm 2002.

Về phương diện truyền thông xã hội, người sử dụng internet Trung Quốc cho rằng chính nhờ sự nịnh hót Trung Quốc của nhà đồng sáng lập Mark Zuckerberg đã giúp công ty giành chiến thắng trong vụ kiện này. Mark Zuckerberg từng chạy thể dục không đeo mặt nạ phòng độc trong không khí ô nhiễm nặng tại Bắc Kinh vào mùa xuân vừa rồi, và cũng sắp xếp cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một vị trí nổi bật tại bàn họp của anh trong chuyến thăm của các chiến lược gia internet Trung Quốc tới Mỹ.

Một người sử dụng cho biết: “[Facebook] đang bắt tay với một thành viên ủy ban thường trực”, ám chỉ một cuộc họp vào tháng 3 giữa Mark Zuckerberg và Liu Yunshan, một thành viên của ban lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. “Làm sao các ông dám không cấp thương hiệu cho họ”.