Theo tổng kết của Viện Lúa quốc tế (IRRI), Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) và Ban Lúa gạo quốc tế (IRC), nếu được sử dụng đồng bộ, cân đối và hợp lý thì phân bón có thể giúp năng suất cây trồng tăng bình quân từ 35-40%.

Theo Giáo sư - tiến sỹ (GS-TS) Mai Văn Quyền - nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, trong các loại phân bón vô cơ mà Việt Nam đang sử dụng như NPK, urê, DAP (loại phân phức hợp gồm đạm và lân), kali, lân, SA(sulphat amonium), ngoài kali và SA phải nhập khẩu 100%, các loại phân khác hiện đều có thể sản xuất trong nước.

Trong đó, về phân lân, chúng ta đã tự túc hoàn toàn; urê ngày càng có xu hướng sản xuất đủ cho nhu cầu trong nước, có xuất khẩu; NPK còn nhập khoảng 1/4, DAP nhập khoảng 1/3. Điều đáng nói là ngày càng nhiều doanh nghiệp sản xuất hướng đến các công nghệ mới để giảm tối đa lượng phân vô cơ thất thoát khi bón, vừa tránh lãng phí vừa bảo vệ môi trường.


Bởi trên thực tế canh nông thế giới hiện nay, chỉ 40-45% lượng phân bón xuống đất đến được với cây trồng; số còn lại bị bay hơi, hòa tan, rửa trôi... làm ô nhiễm môi trường đất và nước, đe dọa sức khỏe con người và cả mùa màng trong lương lai.

“Việc lạm dụng phân bón hóa học thông thường có thể khiến độ phì nhiêu của đất khó phục hồi trong vài chục năm tới. Đặc biệt, nếu không đẩy mạnh sử dụng đồng bộ, hài hòa phân bón hữu cơ và phân công nghệ cao thì chỉ 15-20 năm nữa, không loại nào có thể nâng được năng suất cây trồng” - PGS-TS Lê Như Kiểu - Phó Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - khẳng định.

Để viễn cảnh đó không xảy ra, phân bón thế hệ mới đang được khuyến khích. Bên cạnh nhóm phân bón vô cơ được sản xuất theo công nghệ mới, phân bón thế hệ mới còn bao gồm nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ nano, nhóm phân bón được sản xuất theo công nghệ vi sinh và enzyme, nhóm phân bón từ nguyên liệu hữu cơ thiên nhiên, nhóm phân bón sinh học chức năng có hoạt lực cao.

Theo tổng kết của Viện Lúa quốc tế (IRRI), Tổ chức Nông Lương quốc tế (FAO) và Ban Lúa gạo quốc tế (IRC), nếu được sử dụng đồng bộ, cân đối và hợp lý thì phân bón có thể giúp năng suất cây trồng tăng bình quân từ 35-40%, trong khi lĩnh vực lai tạo giống mới cũng chỉ giúp tăng năng suất khoảng 10%.

Khái niệm “cân đối và hợp lý” của các cơ quan, tổ chức này đương nhiên loại trừ việc lạm dụng phân bón hóa học, bởi không thể để năng suất hiện tại trở thành khoản phải khấu trừ vào mùa màng tương lai.

Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất phân bón thế hệ mới, sử dụng loại phân bón này thay cho phân hóa học thông thường là cách mà nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân Việt Nam bảo vệ đất và nguồn nước, bảo vệ sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp và sức khỏe con người, trong cả hiện tại và tương lai.