Chia sẻ với Khoa học và Phát triển, ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch - cho rằng thiếu nhân sự công nghệ trình độ cao là một trong các điểm yếu trong việc khai thác các thành tựu của cách mạng 4.0 vào phát triển du lịch thông minh.

Theo ông, đây là bài toán dài hơi chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

4 trụ cột của du lịch thông minh

Thưa ông, du lịch thông minh vẫn còn là một khái niệm mới mẻ. Vậy nên hiểu như thế nào là một ngành du lịch thông minh?

Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có nhấn mạnh việc sử dụng các giải pháp công nghệ số và giao cho các bộ ngành thực hiện, trong đó có Bộ Văn hóa - Thế thao và Du lịch. Du lịch thông minh sẽ được sử dụng trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Tổng cục Du lịch.

Hiện vẫn chưa có khái niệm chính thức về du lịch thông minh. Có một số phương án được đưa ra, như du lịch thông minh là tự động hóa, vì chúng ta thường nghe nhiều đến những giải pháp như khách sạn không có nhân viên, nhà hàng sử dụng robot phục vụ. Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Du lịch, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể hiểu du lịch thông minh sẽ hướng tới số hóa các hoạt động của ngành.

Ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch.
Ông Vũ Quốc Trí - Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch.

Chúng tôi sẽ xây dựng 4 trụ cột để số hóa ngành du lịch, dựa trên cơ sở mối quan hệ trong ngành. Trụ cột đầu tiên và quan trọng nhất là du khách. Yếu tố thứ hai kết nối với hoạt động của du khách là điểm đến (khách đến địa phương nào cũng phải có kết nối với cơ quan quản lý điểm đến). Tại điểm đến, du khách sẽ kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi... Trụ cột thứ tư là cơ quan quản lý về du lịch từ trung ương đến địa phương. Bản chất của mối quan hệ này là thông tin trao đổi giữa các bên được số hóa và tập hợp thành dữ liệu.

Việc số hóa 4 trụ cột này sẽ đem lại cho ngành du lịch lợi ích gì, thưa ông?

Trong một mối quan hệ với cốt lõi là hệ thống dữ liệu của 4 trụ cột thì những tiện ích về công nghệ như IoT, big data, điện toán đám mây... sẽ là công cụ. Khi 4 trụ cột kết hợp với nhau, chúng ta sẽ có một hệ thống dữ liệu liên tục và đầy đủ.

Mục tiêu của ngành du lịch là tăng số lượng khách du lịch, tăng chi tiêu của khách, giữ chân khách lâu hơn, thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn. Tận dụng những lợi ích của cách mạng 4.0, chúng tôi hướng tới cá nhân hóa tiêu dùng của du khách. Lúc trước, tiêu dùng du lịch được triển khai ở nhiều dạng, chủ yếu thông qua các công ty lữ hành, tổ chức kinh doanh.

Hiện tại, mỗi người có thể tự quyết định việc tiêu dùng của mình như chủ động đặt vé máy bay, khách sạn, làm visa cũng như tự quyết định lịch trình. Khi có công nghệ hỗ trợ, ngành du lịch sẽ kết nối liên tục, tạo thuận lợi để du khách tự tìm kiếm thông tin, bố trí lịch đi và đến hợp lý, ở lại lâu hơn, mua sắm nhiều hơn. Mọi vấn đề du khách phản ánh sẽ được tham vấn, xử lý trực tuyến, không mất nhiều thời gian. Dịch vụ được hỗ trợ tốt hơn sẽ tăng độ thỏa mãn của du khách và thúc đẩy họ quay lại.

Về phía nhân sự ngành du lịch, cơ sở dữ liệu lớn có thể giúp gì cho họ trong việc phục vụ tốt hơn và tăng thiện cảm của du khách?

Không phải vô cớ mà việc đẩy mạnh quá trình số hóa thông tin về dịch vụ du lịch được Chính phủ quan tâm. Thực tế, khi hướng dẫn viên giới thiệu một điểm đến, ngoài những thông tin cơ bản trong bài thuyết minh, có thể du khách sẽ hỏi thêm nhiều thông tin bên ngoài.

Bản Sìn Chải - một điểm đến hấp dẫn du khách ở Sa Pa. Ảnh: Đức Hải
Bản Sìn Chải - một điểm đến hấp dẫn du khách ở Sa Pa. Ảnh: Đức Hải

Thông thường, nếu không biết, hướng dẫn viên sẽ phải tra cứu nhiều nơi để giải đáp. Tuy nhiên, khi hệ thống dữ liệu lớn được xây dựng, chúng ta có thể đưa ra những từ khóa để hướng dẫn viên dễ dàng tra cứu và trả lời nhanh hơn. Dữ liệu này, mọi nhân viên trong ngành đều có thể tiếp cận để sẵn sàng trả lời khi du khách hỏi.

Để tạo ra hệ thống dữ liệu đó, ngành du lịch cần có sự chung tay của tất cả các ngành từ nông nghiệp, công thương đến y tế; ví dụ như thông tin mà không ít du khách quan tâm là y học cổ truyền, những cây thuốc có tác dụng chữa bệnh.

Quảng bá trên Facebook, Instagram

Du lịch trực tuyến đang là xu hướng không thể đảo ngược. Vậy Tổng cục Du lịch có kế hoạch gì với xu thế này?

Các số liệu thống kê cho thấy, du lịch trực tuyến đang tạo ra những thay đổi lớn và các cuộc cách mạng trong kinh doanh. Khi xưa, muốn bán một tour du lịch, tiếp thị quảng bá một hình ảnh, chúng ta phải phát tờ rơi, tổ chức các chương trình giới thiệu... thì nay những hình ảnh đó đều được đưa lên Internet để tiếp cận khách hàng.

Một trong những hoạt động có ứng dụng công nghệ mà chúng tôi đang có kế hoạch triển khai là xúc tiến quảng bá bằng e-marketing. Trong đó, thông tin, lịch sử, hình ảnh của điểm du lịch sẽ được cung cấp đầy đủ trên Internet thông qua website, các trang mạng xã hội chính thức của Tổng cục Du lịch trên Facebook, Instagram.

Đây là chiến lược phải đẩy mạnh trong thời gian tới và Tổng cục Du lịch mới thực hiện bước đầu. Định hướng xây dựng e-marketing là hướng tới du khách chứ không phải nhà quản lý. Khách du lịch đến từ nhiều thị trường với ngôn ngữ khác nhau nên các sản phẩm e-marketing sẽ hướng tới tiếp cận càng nhiều thị trường càng tốt. Hội đồng Tư vấn du lịch đang hỗ trợ tổng cục xây dựng để án này với một chiến lược cụ thể về e-marketing cho du lịch Việt Nam trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2017.


Theo ông, Việt Nam có những điểm mạnh và điểm yếu nào trong việc phát triển du lịch thời kỳ cách mạng 4.0?

Điểm mạnh của du lịch Việt Nam tôi cho rằng ai cũng biết, nhưng phải thừa nhận rằng trong cuộc cách mạng 4.0, điểm yếu của chúng ta nhiều hơn điểm mạnh, vì chúng ta đi sau thế giới.

Cái yếu đầu tiên là nhận thức về phát triển du lịch thông minh hiện vẫn chưa đầy đủ. Điều này diễn ra từ người lao động cho đến cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Sắp tới, chúng ta sẽ phải thúc đẩy hơn nữa việc tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức tọa đàm khoa học và mời rộng rãi các đối tượng khác nhau tham dự, từ đó mới có thể hướng tới nhận thức chung và dẫn đến hành động chung.

Thứ hai, nhân lực ngành du lịch là câu chuyện không dễ dàng. Đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ cho ngành du lịch là việc nhiều doanh nghiệp muốn làm, nhưng chưa có một chiến lược lớn nào về nhân sự để phục vụ điều này. Tôi tự đặt câu hỏi, nhân sự công nghệ thông tin trong ngành du lịch khác gì các ngành khác? Ngành du lịch đang thiếu nhân sự công nghệ có trình độ cao và đây vẫn là bài toán dài hơi chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Cuối cùng là nền tảng hạ tầng công nghệ vẫn còn yếu. Du khách không chỉ tới các thành phố phát triển mà còn rất hứng thú với những khu vực vùng sâu, vùng xa chưa được khai thác nhiều. Hiện một số nơi vẫn còn thiếu điện, nước sạch thì nền tảng công nghệ sao có thể phát triển đến đó? Du lịch Việt Nam trước cánh cửa cách mạng 4.0 có nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không ít.

Xin cảm ơn ông!