Cứ nghĩ trang cá nhân là của riêng mình, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói nhưng hoá ra không phải vậy. Thế nên mới có chuyện dù là trang cá nhân, nhưng rất nhiều người chẳng dám cập nhật thông tin của bản thân mình.

Từ bao giờ cư dân mạng cho phép mình can thiệp sâu đến mức vi phạm cả quyền tự do của người khác đến thế?
Từ bao giờ cư dân mạng cho phép mình can thiệp sâu đến mức vi phạm cả quyền tự do của người khác đến thế?
Nơi ghi một dòng cảm thán cũng phải suy nghĩ kỹ!
Mạng xã hội giúp chúng ta kết nối với bạn bè ở mọi người trên thế giới, nhưng cũng là thứ lấy của ta mọi khoảnh khắc riêng tư. Hệ thống định vị toàn cầu tích hợp sẵn các mạng xã hội như facebook, thói quen check in khiến ai ai cũng dễ dàng biết bạn đang ở đâu, bạn làm gì.
Nhẹ nhàng và vui vẻ thì chúng sẽ xuất hiện trong những câu chuyện vô thưởng vô phạt của ai đó. Xa hơn một chút nữa, chúng được mang ra phán xét, bình phẩm như việc tất nhiên được phép thế, bởi đã chia sẻ mạng xã hội thì phải chịu. Và nặng nề hơn, chúng được mang ra làm công cụ “tấn công”, chỉ trích lẫn nhau hoặc dạy bảo người khác.
Những câu chuyện ấy không hề hiếm trong thời điểm hiện nay, chúng diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên mạng xã hội.
Cách đây không lâu, khi bức ảnh chiếc siêu xe của một thiếu gia bị vỡ đầu, các cư dân của mạng xã hội lớn nhất thế giới đã được dịp ồn ào, dậy sóng. Bức ảnh chiếc xe vỡ đầu được chia sẻ tới tấp trên mạng xã hội và dưới đó là hàng trăm, hàng ngàn comment xuất hiện. Nhưng điều đáng nói ở đây là phần nhiều những bình luận ấy đều... hỉ hả, cho rằng chiếc xe vỡ đầu là đáng đời cho vị thiếu gia trẻ mà “ngông nghênh” đi chiếc siêu xe giá trị như thế.
Cứ như thế, dần dà nhiều người sợ phải chia sẻ trên mạng xã hội, bởi họ sợ một ngày nào đó chính mình sẽ trở thành nạn nhân chỉ qua vài cái click vào nút chia sẻ. H.T (28 tuổi) cho biết:
“Tôi không thể bỏ được facebook hay mạng xã hội nói chung, bởi công việc truyền thông của tôi rất cần sự kết nối với bạn bè, đối tác. Đồng thời, tôi cũng cần update xu hướng, ý tưởng mới mẻ trên thế giới. Nhưng từ rất lâu tôi đã bỏ thói quen chia sẻ những câu chuyện riêng tư, tâm trạng của mình trên facebook.
Tôi sợ bị hỏi han, sợ những câu đùa kiểu như “kêu hết tiền mà đi ăn ngon thế”, “đi du lịch vừa thôi, đi lắm thế thì làm sao mà còn thời gian yêu đương” nên nhiều khi dù chán lắm, tôi cũng chỉ đành giữ riêng trong lòng hoặc dùng tài khoản khác, mạng xã hội khác - nơi không có bạn bè chung”.
Chung một suy nghĩ với H.T, Huy Hoàng (23 tuổi, lập trình viên) nói: “Tôi vẫn dùng facebook để cập nhật thông tin về bạn bè, nhưng tôi không muốn chia sẻ nhiều vì tôi không còn cảm thấy có chút tự do nào. Tôi ngại một dòng tâm trạng của mình cũng có thể khiến cô bạn gái “nhảy dựng” lên hoặc họ hàng gọi điện hỏi han.
Tôi biết họ quan tâm, nhưng với tôi điều này bí bách kinh khủng. Nhiều khi chia sẻ ra cho nhẹ lòng mà nhẹ lòng đâu chưa thấy, chỉ thấy nặng đầu thêm - Hoàng chia sẻ.
Thế nên nhiều lúc tôi thường chọn chế độ tùy chỉnh để đỡ mệt mỏi”.
Cá nhân người viết biết nhiều cặp vợ chồng, nhiều người thân trong gia đình không hề là bạn bè trên facebook.
Không phải vì mối quan hệ của họ không tốt, mà chỉ vì họ muốn tôn trọng không gian riêng của nhau. Họ không muốn nhảy xổ vào tra hỏi nhau rằng đi ăn trưa với ai, tại sao lại buồn bã mỗi khi đối phương cập nhật trạng thái.
Ai cũng cần có cuộc sống riêng, có góc riêng của mình, bởi thế họ quyết định “tha” cho nhau để cuộc sống thoải mái hơn.
Nơi ai ai cũng có thể trở thành quan tòa
Không chỉ mất tự do, mạng xã hội nói chung còn là nơi người ta bị xâm hại nghiêm trọng về mặt tinh thần, khi rất nhiều người tự cho mình cái quyền “ném đá”, đào bới chuyện của người khác không tiếc công, không tiếc lời, hoặc “nhân văn” là quyền của những vị quan tòa, nhà đạo đức học khi thay nhau đưa ra phán xét, lời khuyên bất chấp “đối tượng” có cần hay không, bất chấp các vị quan tòa chỉ biết sơ sơ vì câu chuyện ấy dưới dạng “hàng xóm nhà em kể”...
Và nếu chăm chỉ lướt facebook, bạn rất dễ nhận thấy những trường hợp bị cả cộng đồng nhảy vào bới móc, “ném đá” xảy ra như cơm bữa.
Như trường hợp của một giáo viên ở trung tâm tiếng Anh nọ, do cách hành xử chưa đúng mực mà trong một đêm đã có hàng ngàn, hàng trăm ngàn lượt bình luận, ibox để “đòi công bằng hộ” cho nhân vật bị hại bằng những lời lẽ tục tĩu, thậm chí ảnh của nữ giáo viên này cũng bị mang ra để chế lại với nhiều ác ý.
Đi xa hơn một chút, khi mọi chuyện không chỉ dừng ở những lời lẽ. Đã từng có một bà mẹ chỉ vì trót chia sẻ câu chuyện làm mẹ đơn thân của mình... với những lý lẽ mà người bên ngoài cho rằng không phù hợp - không phù hợp với chuẩn mực của “phụ nữ Việt Nam” mà chị bị khủng bố, bị... doạ giết đến mức phải đóng facebook và xin gỡ bài cho được... yên thân.
Và cũng trên mạng xã hội, ở các fanpage đông người follow như be..., chỉ cần tung một bức ảnh vu vơ với lời nhờ vả cần tìm người này là chỉ trong 2-3 giờ, bạn có đã có hòm hòm thông tin về người đó, chỉ ít là facebook, nhiều thì là tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, những bức ảnh mang tính “đạo mộ” với những lời nhận xét đa phần thiếu thiện chí.
Tôi vẫn nhớ như in khi một cô học sinh cấp 2 bị bạn trai tung clip “người lớn” lên mạng, không biết bao nhiêu thám tử Internet đã ngay lập tức nhập cuộc để tìm cô gái ấy, đường link facebook của cô gái ấy tràn lan, hình ảnh cô gái ấy tràn lan, clip ấy tràn lan. Người ta chỉ trích cô gái ấy là không biết giữ mình, là hư hỏng.
Kết quả, cô gái chưa kịp lớn để có thể vững vàng suy nghĩ, chưa đủ bản lĩnh để đối phố với đời ấy đã phải tìm đến cái chết để giải quyết vấn đề của mình.
Chưa kể đến chuyện ai đúng - ai sai, nhưng những điều này khiến chúng ta buộc phải nhìn lại và đặt ra câu hỏi rằng: Từ bao giờ cư dân mạng cho phép mình can thiệp sâu đến mức vi phạm cả quyền tự do của người khác đến thế?
Có lẽ bởi facebook là ảo, là nơi bạn có thể biến thành bất kỳ ai chỉ qua vài cái click chuột tạo tài khoản.
Thế nên người ta tha hồ phán xét, tha hồ nói cho sướng miệng, tha hồ đưa ra bình luận ác ý, tha hồ phán xét, tha hồ trở thành nhà đạo đức học khuyên bảo người khác, bất chấp nạn nhân có mong muốn hay không hay bất chấp người phán xét ấy còn chưa rõ vấn đề, bất chấp sau những lời bình luận ấy là sự điêu đứng của nạn nhân, là sự khổ sở, liên lụy đến những người xung quanh.
Qua bão cộng đồng mạng rồi sẽ quên, những người từng nói cho sướng mồm rồi cũng sẽ quên để tiếp tục những câu chuyện mới hợp trend hơn, nhưng sự tổn thương, cái giá mà nạn nhân phải gánh chịu bao giờ mới hết, khi mà “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” (?!).

Việc quấy rối và bôi nhọ danh dự người khác bị khép vào Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009:
Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo quy định tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 3/ 11/2013 của Chính phủ - quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
Theo đó, hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; (điểm g, khoản 3 Điều 66); hành vi “giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác” sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm đ, khoản 3 Điều 64).
Bạn có thể đem tất cả những bằng chứng, những thông tin mà bạn có được đến cơ quan công an, yêu cầu họ điều tra về hành vi phạm tội này.
Cơ quan điều tra sẽ có nghĩa vụ xác minh làm rõ đối tượng đã thực hiện hành vi và truy tố họ trước pháp luật.