Mới đây, radar cảnh giới tầm trung 6m và radar cảnh giới P18, P19, radar cảnh giới 2D… đã được chế tạo thành công và đưa vào sử dụng. Đây là một trong những thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc phục vụ an ninh, quốc phòng.

Tại buổi tọa đàm: “Giải pháp đẩy mạnh và phát triển KH&CN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân đội trong tình hình mới” mà Bộ Quốc phòng tổ chức hưởng ứng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, các kết quả nghiên cứu phục vụ công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh đã được nêu bật.

Chế tạo thành công nhiều vũ khí, trang thiết bị hiện đại

Các cơ quan nghiên cứu trong Bộ Quốc phòng đã triển khai hàng trăm đề tài KH&CN cấp quốc gia và cấp bộ. Nhiều nghiên cứu đã được vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, xây dựng đơn vị, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị của đất nước.

Các đề tài khoa học về nghệ thuật quân sự đã tập trung nghiên cứu dự báo tình hình, chủ trương, giải pháp chiến lược ngăn nguy cơ chiến tranh, hoàn thiện hệ thống lý luận quân sự trên cả 3 quy mô chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, nghiên cứu sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật mới.

Việc trang bị cho quân đội đòi hỏi trình độ khoa học, công nghệ cao. Trong ảnh là tàu chiến của Lữ đoàn 170, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Nguyễn Đức
Việc trang bị cho quân đội đòi hỏi trình độ khoa học, công nghệ cao. Trong ảnh là tàu chiến của Lữ đoàn 170, Quân chủng Hải quân. Ảnh: Nguyễn Đức

Kết quả nghiên cứu đã đáp ứng yêu cầu của quân đội, tạo sơ sở lý luận khoa học cho hoạt động thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, phục vụ nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện bộ đội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của tổ quốc, làm cơ sở giảng dạy nghiên cứu ở các học viện, nhà trường…

Nhiều sản phẩm KH&CN đã được chế tạo thành công và đưa vào phục vụ quân đội. Cụ thể, Quân chủng Phòng không - Không quân đã đưa vào trực sẵn sàng chiến đấu radar cảnh giới tầm trung 6m và radar cảnh giới P18, P19, radar cảnh giới 2D, hệ thống cảnh giới vùng trời quốc gia VQ01M, qua đó nâng cao năng lực bảo vệ vùng trời.

Nhiều hệ thống huấn luyện mô phỏng đã được đưa vào phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập chỉ huy tham mưu, đạt hiệu quả cao. Các hệ thống thiết bị kiểm tra tên lửa, ngư lôi, các thiết bị đặc chủng, nhiều sản phẩm vũ khí hợp quân qua quá trình nghiên cứu đã được đưa vào sản xuất.

Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng - Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng - cho biết: “Các đơn vị thụ hưởng kết quả nghiên cứu đều đánh giá rất cao trình độ công nghệ, năng lực của các cơ sở sản xuất quốc phòng đã được nâng lên. Điều đó khẳng định việc chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu, triển khai sản xuất các sản phẩm nghiên cứu là cốt lõi của hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ nhu cầu thực tiễn trong tình hình mới”.

Hướng đến sản phẩm phức tạp, quy mô lớn

Theo Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, 2016 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch kinh tế - xã hội 2016-2020, nhiệm vụ đặt ra cho vấn đề xây dựng quân đội hết sức nặng nề. Do đó, việc triển khai nhiệm vụ KH&CN cần được tập trung ưu tiên.

“Khi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự, phải hướng tới sản phẩm quy mô lớn, phức tạp, làm chủ khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao và làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, tập trung ưu tiên nghiên cứu khoa học hiện đại” - Thiếu tướng Hồng nhấn mạnh.

Cơ sở cho hướng đi này là các cơ chế, chính sách đầu tư cho KH&CN đã có nhiều thuận lợi. Đặc biệt, Luật KH&CN năm 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn đã tạo động lực cho các nhà khoa học. Nghị định 95 ra đời đã giải quyết được cơ chế đầu tư và cơ chế tài chính, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

“Việc triển khai nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước theo cơ chế quỹ cho phép chúng ta thực hiện, duyệt nhiệm vụ KH&CN khác với trước đây, đó là theo quá trình thay vì định kỳ theo đợt. Lúc nào có đề tài cần triển khai là có kinh phí, cho phép nhà khoa học chủ động nội dung nghiên cứu và nguồn kinh phí, rút ngắn thời gian chuẩn bị, nâng cao hiệu quả quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học” - Thiếu tướng Hồng nói.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Nguyễn Huy Tuấn - Viện Khoa học công nghệ quân sự - nêu một vướng mắc từ chính thực tế cơ quan ông - nơi có lượng đề tài nhiều nhất toàn quân, đó là việc nhân rộng kết quả nghiên cứu. Các sản phẩm tạo ra từ đề tài, dự án thường phải đưa đi thử nghiệm, sử dụng được mới nghiệm thu. Cái khó ở đây là những sản phẩm nghiên cứu đặc thù của quân đội thường là đơn chiếc, chỉ được đưa vào trang bị một lần.

“Việc nhân rộng cho các đơn vị khác gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, hiện còn nhiều đề tài chờ kinh phí đảm bảo để nhân rộng. Thêm nữa, do là sản phẩm đặc thù nên rất nhiều vật tư, linh kiện, phôi vật liệu phải nhập khẩu, khó thanh toán theo quy định tài chính. Vì vậy, cơ quan quản lý cần nghiên cứu tháo gỡ khó khăn này” - Thiếu tướng Tuấn đề nghị.

Ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN - cho rằng công nghiệp quốc phòng và các nghiên cứu trong lĩnh vực này phần lớn là công nghệ cao, nên Bộ Quốc phòng cần lưu tâm để các nghiên cứu trong thời gian tới hướng đến làm chủ các công nghệ cao trên thế giới.