Những “hạt giống khởi nghiệp” chia sẻ về dự định, trăn trở và những hoạch định đổi mới bản thân, doanh nghiệp mình trong những ngày năm mới…

Tập trung cho tăng trưởng “giấc mơ”

Mình là Lê Hoàng Nhật, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Trí Tuệ Nhân Tạo Ami – một công ty ra đời với ước mơ xây dựng hệ sinh thái nền tảng số hóa để kết nối cư dân thông minh ở các đô thị. Năm qua, Ami đã làm được điều tự hào nhất là xây dựng được một đội ngũ tài năng cả về chuyên môn, thái độ và một môi trường làm việc minh bạch, tạo động lực cho nhau và giúp đỡ nhau về kiến thức chuyên môn hay cả những chia sẻ về đời sống ngoài công việc.

Lê Hoàng Nhật, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Trí Tuệ Nhân Tạo Ami
Lê Hoàng Nhật, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty CP Trí Tuệ Nhân Tạo Ami

Kế hoạch năm mới là tập trung cho tăng trưởng, tập trung vào việc phát triển thị trường, song song với việc ghi nhận phản hồi từ người dùng để cải tiến sản phẩm tốt hơn để xây dựng Super App - Siêu ứng dụng vào năm sau.
Cá nhân, mình tự hứa sẽ phải thực hiện hai thay đổi lớn: tập thể dục vào buổi trưa (30 - 45 phút), 3 ngày trong tuần và phải đọc sách đều đặn hơn, 2 cuốn/ tháng.

Phát triển du lịch bền vững

Mình là Annie Vũ, CEO và co-founder của Tubudd, một nền tảng công nghệ về du lịch giúp khách du lịch thoát khỏi sốc văn hoá khi du lịch. Điều tự hào nhất của năm 2018 với công ty là một năm đi từ việc đặt chân về Việt Nam với một ý tưởng và thực hiện nó, phát triển team từ 2 người thành 12 người và đưa doanh thu của công ty lên 12,000 USD Mỹ/ tháng và gọi vốn thành công.

Annie Vũ, CEO và co-founder của Tubudd
Annie Vũ, CEO và co-founder của Tubudd

Tubudd muốn phát triển thị trường mới ra Hàn Quốc, Nga, Úc và các nước Đông Nam Á trong năm tới. Mở rộng team ra nhiều thành phố trên thế giới.

Về cá nhân, mình vẫn đang thực hiện ngày chủ nhật không có máy tính và không làm việc sau 9h tối. Trong năm mới Annie muốn ăn uống đúng giờ hơn, ăn thức ăn có lợi cho sức khoẻ và đến phòng tập gym nhiều hơn để bảo vệ sức khoẻ, cũng như du lịch một số nơi chưa đi được.

Mơ một “thung lũng Sillicon bên bờ biển”

Mình là Trung Phạm, CEO Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES. DNES mong muốn trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển. Để có thể hỗ trợ các startup và cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp có thể “chạy marathon khởi nghịệp” với sức bền tốt nhất. Trong 2018, DNES làm được một thứ thú vị nhất là xây dựng thành công liên minh giữa các coworking ở Huế - Đà Nẵng - Hội An. Năm 2019 ngoài chuyện mở rộng liên minh này, thì còn phải làm cho xong mô hinh “học viện tại coworking”, để mọi người có thể học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kỹ năng mới. Hiện tại chỉ mới triển khai phần marketing, nhưng tới đây sẽ có lập trình, và cũng đã công bố xây dựng một học viện blockchain đầu tiên tại Việt Nam.

Trung Phạm, CEO Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES
Trung Phạm, CEO Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng DNES

Tất cả hoạt động này đều nhằm vào mục tiêu quan trọng nhất với Đà Nẵng là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động, từ đó có thể mơ giấc mơ trở thành một thung lũng Sillicon bên bờ biển. Mình tự hứa là sẽ giảm cân một chút, và ít cằn nhằn các bạn trong team hơn, dành thời giờ để nâng cao sức khoẻ và sức bền của mọi người, vì đường hỗ trợ khởi nghiệp còn dài lắm…

Liên kết khởi nghiệp y tế

Mình là Nguyễn Thị Vân Anh, CEO - Co-Founder của Homecares JSC, mục tiêu của chúng mình là mang y tế tiện lợi và thông minh đến mọi cửa nhà của người dân Việt Nam. Điều mình tự hào nhất năm 2018 có lẽ là việc gọi vốn thành công từ nhà đầu tư thiên thần Singapore, đây được coi là dấu mốc quan trọng của công ty trong việc phát triển. Phương châm đầu tư của nhà đầu tư là: đội ngũ, công nghệ, thị trường, điều này giúp tụi mình tự tin hơn về lựa chọn và bản thân đội ngũ của mình.

Nguyễn Thị Vân Anh, CEO - Co-Founder của Homecares JSC
Nguyễn Thị Vân Anh, CEO - Co-Founder của Homecares JSC

Về định hướng, thì Homecares đang điều phối một liên minh các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế để tất cả mọi người cần hỗ trợ về y tế tiện lợi thông minh thì đều có thể tiếp cận được. Tụi mình cũng đang làm việc với các đối tác về IOT (internet vạn vật) của đối tác nước ngoài về hỗ trợ cho bệnh nhân cần sử dụng tại nhà.

Về bản thân, thì trong năm mới mình đặt trọng tâm vào việc “nhúng bản thân” vào một thị trường mạnh mẽ hơn với các đối thủ nặng ký hơn để tự phát triển bản thân. Bên cạnh đó là chăm sóc sức khỏe bằng việc tập thể dục đều đặn, ít nhất mỗi ngày đều ngồi thiền 20 phút và uống các hỗn hợp giải độc (detox) để đầu óc minh mẫn hơn.

Tìm năng lượng trẻ thơ

Mình là Nguyễn Thùy Trang – 31 tuổi, Co – Founder Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy. Năm 2018 bản thân mình và cả team có lẽ tự hào nhất đó là việc ứng dụng mô hình lớp học cá nhân hóa cho học sinh – Proactive Classroom. Đây là một mô hình không mới nhưng khi áp dụng tại Việt Nam luôn gặp phải trở ngại bởi yếu tố con người, nhưng vì nó là xu thế tương lai của giáo dục nên mình không thể vì trở ngại ở hiện tại mà bỏ qua. Và team của mình gần như đã mất cả một năm chỉ để triển khai mô hình, tinh chỉnh theo thực tế và đến nay thì mọi thứ diễn ra khá tốt.

Nguyễn Thùy Trang, Co – Founder Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy
Nguyễn Thùy Trang, Co – Founder Tổ hợp giáo dục nghệ thuật Tí Toáy

Điều tự hào thứ hai đó là năm vừa rồi team R&D của mình âm thầm nghiên cứu sâu hơn về Art Therapy – trị liệu pháp nghệ thuật và tìm các giải pháp để ứng dụng nó rộng rãi hơn thì đến nay mình cũng đã tìm được lời giải. Sắp tới Tí Toáy Therapy sẽ cùng Toong Co-Working Space triển khai các workshop về nghệ thuật cho khối văn phòng, startup, người đi làm.

Vì là một mô hình giáo dục nghệ thuật sáng tạo nên mối quan tâm và trăn trở lớn nhất luôn luôn con người. Việc đào tạo đội ngũ hướng dẫn, giáo viên, trợ giảng để họ có những phẩm chất cũng như kỹ năng làm việc trong ngành này đòi hỏi nhiều công sức, thời gian. Nên trong kế hoạch năm, ưu tiên số một của Tí Toáy luôn là mở rộng team và gia tăng các chương trình đào tạo nội bộ cho nhóm.

Thứ hai là hoạt động R&D để nghiên cứu thử nghiệm các chương trình nghệ thuật nhằm ứng dụng nó rộng rãi hơn ra với xã hội. Đặc thù ngành giáo dục nghệ thuật sáng tạo hiện nay vẫn chưa được đông đảo mọi người quan tâm, nên thay vì ngồi chờ khách hàng đến với mình thì mình sẽ phải nghiên cứu chương trình làm sao ứng dụng nó để có thể chạy trên các mô hình khác ngoài lớp học. Tức là mình sẽ chủ động đến với họ, quanh quẩn ở bên họ, thay vì nghĩ chờ khách hàng đến với mình. Còn giấc mơ lớn của mình và cả team vẫn luôn luôn là mở rộng quy mô Tí Toáy để trở thành đơn vị số 1 trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.

Để làm mới bản thân không có cách nào khác là tự học và tự trải nghiệm. Năm nay mình muốn tham gia một số khóa ngắn hạn về nghệ thuật và sáng tạo ở nước ngoài để làm mới bản thân. Ngoài ra để làm mới bản thân thì gia đình mình có nguyên tắc chơi với con trong 2 tiếng đồng hồ sau bữa cơm tối. Chơi với trẻ em là một cách tái tạo năng lượng tích cực rất tốt. Chúng luôn mang đến những suy nghĩ và ý tưởng mới mẻ.