Sự hiện diện của nhiều văn phòng đại diện của các công ty công nghệ lớn trên thế giới như GotIt!,Alt+ hay gần đây là Cinnamon Spicy tại thị trường Việt Nam là những biểu hiện rõ nhất cho trào lưu săn chuyên gia IT ở Việt Nam trong một thời gian trở lại đây.

Lập văn phòng, hút nhân tài

Tháng 10/2016,Alt Inc (Nhật Bản) – một công ty phát triển phần mềm Trí tuệ nhân tạo cá nhân cho biết mình sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo với quy mô bậc nhất châu Á tại Hà Nội, Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian đầu, Alt dự định hợp tác với 50 nhà nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam và các kỹ sư phần mềm Trí tuệ nhân tạo người Việt Nam từ nước ngoài về làm việc tại Hà Nội nhằm nghiên cứu và phát triển hệ thống Trí tuệ nhân tạo cá nhân (Personalized Artificial Intelligence) Al+.

Nhằm thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển chi nhánh nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo của Alt Inc tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, Alt Inc đã mời TS. Nguyễn Tuấn Đức – một người khá nổi tiếng trong giới IT và trong lĩnh vực nhận diện ngôn ngữ - về làm việc và chỉ đạo nghiên cứu tại văn phòng Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức -Trưởng phòng phát triển và nghiên cứu Alt Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Đức -Trưởng phòng phát triển và nghiên cứu Alt Việt Nam.

Tương tự Alt, Inc, GotIt! – một công ty tại Mỹ với ứng dụng GotIt! chuyên giúp kết nối các bạn trẻ với những câu hỏi bài tập hóc búa, chưa có lời giải với các chuyên gia để họ giải đáp thắc mắc này trong vòng 10 phút – cũng đã lập chi nhánh tại Hà Nội vào khoảng tháng 6 năm ngoái. Làm việc trong chi nhánh này là các kỹ sư công nghệ thông tin trẻ tuổi của Việt Nam. Theo chia sẻ của anh Trần Hùng – người sáng lập ra GotIt!, hầu hết các mặt kỹ thuật có liên quan tới ứng dụng sẽ do đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam đảm nhận.

Hay như Cinnamon Spicy- một công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore – cũng đã tìm tới Việt Nam lập chi nhánh và chiêu mộ các kỹ sư Việt Nam làm việc trong lĩnh vực tư vấn công nghệ và thiết kế giải pháp Trí tuệ nhân tạo cho doanh nghiệp – tạm thời chủ yếu là cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Không chỉ tập trung vào tìm kiếm, nhiều công ty còn những chính sách hỗ trợ các tài năng công nghệ khá thú vị. Chẳng hạn, Cinnamon AI Labs đã phát triển khoa học Intelligence - Chương trình đào tạo kỹ sư nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo, bao gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1: Nền tảng Trí tuệ nhân tạo và giai đoạn 2 là Nghiên cứu dự án áp dụng vào doanh nghiệp quốc tế. Hiện chương trình đã tìm được 9 người xuất sắc nhất tham gia vào 3 dự án thực tiễn là Tự động trích xuất thông tin hộ chiếu, tự động đánh giá thẩm mỹ website và Trợ lý ảo đa ngôn ngữ.

Trình độ cao, lương trả thấp

Nhận xét về tiềm năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng, ngành công nghệ thông tin nói chung, nhiều chuyên gia nhận định: chúng ta có tiềm năng phát triển và nếu có chính sách phù hợp, có thể sẽ không thua kém nhiều quốc gia trên thế giới.

“Ở khu vực Đông Nam Á, ta có thể đứng sau Sing, nhưng ta cũng có những nghiên cứu AI ngang bằng Thái Lan, Indonesia và Malaysia” – ông Đức lạc quan.

“Lợi thế ta có là trí tuệ- các em sinh viên có nền tảng toán học cơ sở rất tốt – những yếu tố cần thiết trong ngành AI... hơn nữa, các kỹ sư của ta đã thành thạo việc gia công phần mềm để xuất khẩu” - ông Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ông Hajime Hotta – Giám đốc công nghệ Cinnamon AI Labs - cho rằng trình độ kỹ sư công nghệ thông tin của ta tốt thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Kỹ sư công nghệ thông tin có trình độ cao, nhưng mức lương chi trả lại không cao so với mặt bằng thế giới là nguyên nhân khiến nhiều công ty nước ngoài lựa chọn Việt Nam làm điểm dừng chân.

Rất đông người quan tâm tới Trí tuệ nhân tạo tới tham dự Hội thảo về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được tổ chức ngày 11/3.
Rất đông người quan tâm tới Trí tuệ nhân tạo tới tham dự Hội thảo về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được tổ chức ngày 11/3.

“Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thương trường buộc chúng tôi phải tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất. Nếu ở Nhật, mức lương trả cho một kỹ sư tốn một khoản khá lớn. Trong khi đó, cùng công việc, ở Việt Nam , mức lương trả thấp hơn – tạo điều kiện cho việc tiết kiệm chi phí sản xuất” – ông Hajime thật thà chia sẻ lý do vì sao ông chọn Việt Nam để lập chi nhánh.

Tương tự, ông Trần Hùng – đồng sáng lập GotIt! cũng chia sẻ: “ Tại Việt Nam, văn phòng GotIt! là văn phòng kỹ thuật nơi các kỹ sư phần mềm làm việc với các đồng nghiệp ở Silicon Valley để xây dựng và vận hành nền tảng (platform). Lập văn phòng tại Việt Nam giúp chúng tôi tiết kiệm được một phần kinh phí hoạt động.Đối với những startup chưa có doanh thu như GotIt! thì tài chính như là máu và ôxy nên nếu không tiết kiệm, hết vốn là có thể phá sản luôn".

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho nền kinh tế tri thức của Việt Nam - với những kỹ sư công nghệ thông tin làm tiêu điểm. Chúng ta cần biết tận dụng cơ hội này để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như nắm bắt được xu thể để đi tắt đón đầu, kịp thời bắt kịp sự phát triển của thế giới.